Bà Nguyễn Thị Má - Nguyên Ủy viên BTV, Trưởng Ban điều hành Quỹ HTND:
Người thức với nông dân
09:28 - 12/04/2016
(Quỹ HTND)- Rời nhiệm sở gần 3 năm, nhiều người vẫn nhớ, gọi chị là "Tướng quỹ". Nghe tôi nói vậy, chị Nguyễn Thị Má chỉ cười và kể một phần câu chuyện của mình trong 10 năm là Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban điều hành Quỹ HTND Trung ương và góp phần làm nên cuộc "bứt phá" thành công!
Ảnh minh họa

Năm ấy (2002), vốn Quỹ ở cấp Trung ương có trên 40 tỷ đồng, còn quá nhỏ so với nhu cầu vay của gần 3 triệu hộ nông dân nghèo. Tỉnh nào cũng muốn nhiều, mà ở đâu cũng có lý. Vì thế, đành phải cho vay mức không quá 3 triệu đồng/hộ. Xét về kinh tế thì hỗ trợ như vậy là thấp, nhiều ý kiến cho rằng, hộ nghèo cần vay nhiều hơn, dài hạn hơn. Đúng vậy! Nhưng vốn lấy ở đâu, làm thế nào? Thường vụ cần sự tham mưu của Ban Điều hành Quỹ, mà trước hết Trưởng ban phải tìm được hướng đi, cách đi, phải tạo ra được bước “đột phá” về nguồn lực cho phát triển lâu dài và bền vững - Đó cũng là điều trăn trở lớn nhất của tôi (Chị Má chia sẻ).


Trước hết là phải “nâng cấp” việc liên kết, hợp tác với Ngân hàng NNPTNT, Ngân hàng CSXH nhằm tăng mức vốn cho vay, đơn giản hóa thủ tục và chuyển nhanh tới hộ nông dân có nhu cầu. Tiếp đến là phải “giành” được một khoản tài chính hỗ trợ từ hai ngân hàng để bù đắp hoạt động cho tổ chức Hội và cán bộ Hội hoạt động cho vay vốn, trên nguyên tắc “Có làm - có hưởng, có lý - có tình”.


Để làm được điều đó, vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Quỹ, xây dựng quy chế phối hợp và giúp nông dân sử dụng vốn vay có hiệu quả, không để nợ đọng là hết sức quan trọng. Là trưởng Ban Điều hành quỹ - Tôi rất chú trọng công tác quản lý, đổi mới cách thức hoạt động và nâng cao trình độ cán bộ trong Ban trở thành đối tác tin cậy và bền vững của Ngân hàng.


Khi Trung ương Hội Nông dân ký Văn bản liên tịch với NHCSXH, có số ít người chưa đồng thuận, cho rằng, mức phí ủy thác thấp, là làm thuê giá rẻ. Tôi phân tích, số tuyệt đối là thấp, nhưng nhân với tổng nguồn vốn ủy thác thì sẽ được một khoản kinh phí hoạt động, giảm bớt khó khăn và xa hơn là hộ nghèo có cơ hội mở mang sản xuất, có thêm việc làm, thu nhập; tổ chức Hội có thêm nguồn lực xây dựng phong trào nông dân, xây dựng Hội vững mạnh. Bây giờ, chương trình phối hợp giữa Hội với hai Ngân hàng có hiệu quả cao, Hội có thêm nguồn kinh phí hoạt động, nông dân được thụ hưởng lợi ích của đồng vốn vay, nhiều hộ thoát nghèo trở nên khá giả; nông dân biết nhiều đến Hội qua hoạt động của Quỹ HTND - Đó là niềm vui lớn được tạo dựng bền bỉ từ niềm tin, trách nhiệm, là kết quả các việc làm của tập thể Ban Thường vụ, Ban Điều hành Quỹ, trong đó, có một phần đóng góp cá nhân.


Về lâu dài, phải kiên định với mục tiêu tăng trưởng vốn, sử dụng có hiệu quả, quản lý vốn an toàn; phải xác định trúng hướng đi, cách đi một cách căn cơ và tạo được bước “đột phá” để “tăng tốc”. Nên vậy, đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2011 – 2020” được nung nấu, được thiết kế. Khi Ban trình duyệt được Ban Thường vụ TƯ Hội nhất trí phê duyệt. Và sau này, đã trở thành một phần quan trọng trong Kết luận số 61 của Ban Bí thư Trung ương và Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ.


Khi triển khai thực hiện hai văn bản trên là khá thuận lợi, bởi được sự đồng thuận cao của các bộ ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương. Cán bộ Hội Nông dân đương chức và người đã nghỉ hưu đều có những đánh giá đúng mực, dành những điều “tốt lành” về công tác tham mưu của Quỹ HTND; sự sáng tạo, nhạy cảm và bản lĩnh của Ban Thường vụ Trung ương Hội.


Kết luận số 61, Quyết định 673 đã đi nhanh vào cuộc sống, chỉ sau 2 năm, Quỹ cấp Trung ương được cấp bổ sung 300 tỷ đồng; các tỉnh, thành có mức tăng trưởng khá và liên tục, điển hình như: HND Tp Hà Nội tăng 358 tỷ đồng, Tp Hồ Chí Minh 89 tỷ, Hải Dương 21 tỷ, Nghệ An 19 tỷ, Bình Dương 18,2 tỷ...tỉnh Cao Bằng, mặc dù rất khó khăn, nhưng với nhiều giải pháp đã huy động được 10 tỷ đồng.., tổng nguồn Quỹ HTND của cả nước đạt trên 1.000 tỷ đồng cho nông dân vay mở mang sản xuất, phát triển ngành nghề, góp phần tạo thêm việc làm, thu nhập cho nông dân; thúc đẩy phong trào nông dân SXKD giỏi, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.


Thực lòng, cách đây vài năm, ít ai dám nghĩ nguồn vốn tăng nhanh đến vậy! Nên nhận xét “Quỹ có cuộc bứt phá thành công” là có cơ sở. Còn tôi, thấy vui nhiều khi Quỹ đã tạo ra được “Giá trị mới”, làm điều kiện cho tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND 3 cấp những năm sau này.


Mong muốn về Quỹ trong tương lai, chủ động phát triển thế nào? Chị Má nói đó là một câu chuyện dài. Song trước hết, Quỹ cần giữ được “nhịp độ” tăng nguồn từ ngân sách Nhà nước, hết sức coi trọng nguồn của chính quyền địa phương, sự ủng hộ, đóng góp, cho vay, mượn... của doanh nghiệp, hiệp hội nông nghiệp và trong nhân dân - Đây là tiềm năng lớn, cần khơi dậy theo cả 2 nghĩa: Kinh tế và xã hội, sẽ tạo nên phát triển bền vững và gắn kết trách nhiệm với nông dân.


Về quản lý và sử dụng, cần kiên trì hướng cho vay theo đề án, dự án của tổ, nhóm hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm hoặc ngành hàng có thị trường tiêu thụ ổn định trong nước và xuất khẩu - Đây là hướng đi tất yếu trong hội nhập, là cách làm giàu, giảm nghèo bền vững; là biện pháp quan trọng xây dựng mẫu hình “Người nông dân mới” thời CNH - HĐH và hội nhập. Quỹ cần tiếp tục đồng hành với nông dân nghèo, nông dân ở vùng có nhiều thiên tai, lũ bão... Đồng vốn Quỹ HTND ngoài hỗ trợ sản xuất, còn là niềm tin, là tạo “sinh kế” cho nông dân “thoát nghèo , no đủ, làm giàu”.


10 năm hoạt động trong Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân - Với chị là vui, là kỷ niệm đẹp với những đêm thao thức tìm hướng đi, lối mở, những trang viết nhanh về đề án, kế hoạch khai thông... là những chuyến đi cơ sở, đến với cô, bác nông dân, được chứng kiến những thành quả lao động, vượt khó đi lên . Chị nói đấy là niềm vui lớn và nông dân - là người làm nên sức sống của vốn Quỹ. Dường như, chị đang “thức với nông dân”!


 
Hải Sơn (ghi)
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường