Ông Lò Văn Inh - Nguyên Phó Chủ tịch TT BCH TƯ Hội NDVN:
Tôi tin sức trẻ sẽ thành công
11:10 - 08/04/2016
 
Nhớ lại chuyện về Quỹ Hỗ trợ nông dân: Có những việc, có những người, có những thời gian đã thành kỷ niệm đẹp khó phai... Nay, lớp tuổi chúng tôi đã 80 hay hơn cả rồi, mỗi người lại một ngả, nhưng rất vui và tự hào về Quỹ. Anh Chín Cần khi ấy là Chủ tịch Hội, là người say mê chuyện Quỹ vốn cho nông dân, cả Thường trực, Thường vụ cũng thấy rõ sự cần thiết của Quỹ này. Nhưng làm như thế nào để có Quỹ? Rồi tổ chức, bộ máy, quản lý điều hành ra sao? khi đó chưa có một khuôn mẫu nào.


Các kỳ họp Thường trực, Thường vụ phải bàn thảo rất nhiều về ba vấn đề chính: Thứ nhất, Quỹ là hoạt động tín dụng cho nông dân hay là phương tiện, công cụ của Hội? Thứ hai, là cố gắng có được một khoản “trọn gói” từ Nhà nước cấp để Hội tự quản lý, điều hành. Thứ ba, đối tượng là tất cả nông dân có nhu cầu vay để sản xuất kinh doanh hay chỉ cho hộ nông dân nghèo? Nhân đây, tôi cũng chia sẻ thêm, chủ trương thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân được lãnh đạo Đảng, Chính phủ rất đồng tình!


Còn Ngân hàng nhà nước thì họ sợ nhất, ngại nhất là Quỹ hoạt động theo mô hình tín dụng ngân hàng thì khó bảo tồn vốn; hơn nữa, trong Ngân hàng Nhà nước đã có Ngân hàng người nghèo đang hoạt động. Trong sự bộn bề ấy, Thường trực, Thường vụ phải lắng nghe ý kiến nhiều chiều, nhiều phía, tôn trọng những ý kiến trái chiều cả trong và ngoài cuộc họp. Nhưng cũng nhờ sự khác nhau ấy, mà Thường vụ có quyết tâm cao, biện pháp “trúng” và giao việc đúng người - cho Anh Nhẫn - Trưởng Ban Kinh tế - xã hội viết Đề án thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân.


Những ngày đầu vào việc, mò mẫm vừa dò, vừa bước như “lội qua sông”. Nhưng trước vấn đề mới và khó, chỉ đạo của Thường vụ rất căn cơ. Bắt đầu là việc lập tổ công tác do anh Chiến phụ trách , đi khảo sát ở Nghệ An, Thanh Hóa... để thu thập thông tin, số liệu - Điều này quan trọng! Vì biết rõ được cuộc sống, mong muốn của cán bộ, hội viên, nông dân, lắng nghe được tiếng nói của cấp ủy, chính quyền cơ sở; để xác lập hướng đi, phương thức quản lý, cho vay và đối tượng chính Quỹ cần hỗ trợ.


Bởi hoàn cảnh lúc đó, nhiệm vụ lớn của Đảng, Nhà nước, Hội Nông dân...là tập trung cho mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Vấn đề khó ở chỗ là nông dân có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh hay chỉ cho hộ nông dân nghèo vay? Trong khi, nguyên tắc hoạt động tài chính phải đạt được đích là: Phát triển sản xuất, vốn phải an toàn, phải luân chuyển sang hộ nông dân khác có nhu cầu vay. Làm rõ được đối tượng hỗ trợ vay vốn, mới có sức thuyết phục các cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn đề án và là một trong nội dung quan trọng trong Điều lệ hoạt động quỹ. “Hội phải vì tất cả nông dân, trước hết là nông dân nghèo” - quan điểm ấy của Thường vụ là đúng, trúng trong hoàn cảnh đó và vẫn còn giá trị đến hôm nay.


Có chi tiết khá thú vị: Khi biết Trung ương Hội lập Quỹ Hỗ trợ nông dân, có hai người Việt kiều đến Hội, một người hiến tặng anh Chín Cần 20 ngàn đô la, nhưng anh Chín không nhận mà nói rằng, rất cần cho Quỹ, ủng hộ vào Quỹ. Một người khác tặng anh Chín chiếc ô tô con, anh Chín cũng không nhận cho riêng mình. Về khoản 40 tỷ từ ngân sách Nhà nước cho Hội mượn, được ủy thác qua Ngân hàng Người nghèo - Việc này, anh Chín không vui lắm và cho rằng, như vậy, Hội thiếu tính độc lập, chủ động, phải phụ thuộc vào ngân hàng về nguyên tắc, thủ tục...Bây giờ ngẫm lại lúc đó, cấp trên có thể chưa thật tin vào năng lực quản lý, sử dụng vốn của Hội Nông dân cũng là điều dễ hiểu!


Để quản lý, cho vay và sử dụng vốn Quỹ an toàn, hiệu quả. Trong Điều lệ hoạt động Quỹ và chỉ đạo của Thường vụ rất chặt chẽ, rõ ràng, bắt buộc các tỉnh Hội phải lập phương án, kế hoạch cho vay, phải chứng minh được hiệu quả sử dụng, khả năng thu hồi, luân chuyển, phải bảo đảm an toàn...khoản phí được trích giữ lại, chi bù đắp cho hoạt động và phòng chống rủi ro... Chính sự cụ thể, chặt chẽ về nguyên tắc, thủ tục, ràng buộc trách nhiệm như vậy, nên có Hội Nông dân tỉnh không dám nhận nguồn vốn Q uỹ cấp về như tỉnh Hà Giang. Trái lại, tỉnh Gia Lai, nhận vốn về, lại cho cán bộ vay làm cà phê, không có kế hoạch, phương án sản xuất. Khi Trung ương Hội kiểm tra, phát hiện đã xử lý nghiêm túc, kịp thời.


Kể lại chuyện cũ, không phải là nói Hội kém, cán bộ xấu - mà thấy rằng, ngay từ khi Quỹ vào hoạt động, vấn đề tài quản lý đồng tiền là phức tạp, công tác kiểm tra phải đi liền với giải pháp phát triển. Nơi nào cán bộ có trách nhiệm cao thì đồng vốn vay thực sự có hiệu quả, phong trào nông dân, công tác xây dựng tổ chức Hội phát triển mạnh. Và ngược lại, nơi nào cán bộ Hội yếu sẽ đi trệch mục tiêu, làm tổn hại đến giá trị nhân văn của một chủ trương kinh tế đúng... Bây giờ, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân ba cấp đạt hơn 2.040,38 tỷ đồng, giúp cho 400 ngàn lượt hộ, thông qua 15.737 dự án phát triển nông nghiệp là một kết quả đáng tự hào...


Tôi rất mừng và trân trọng sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường vụ, Thường trực cùng các đồng chí đang hoạt động trong Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp. Điều mong muốn với Quỹ, có nhiều, nhưng xin chọn ra ba vấn đề chính để gửi gắm niềm tin, đó là: Phần phí thu về từ mỗi cấp, nên hỗ trợ cho người có tinh thần, việc làm tích cực, có ích với cộng đồng, không may bị thiệt hại như: Nông dân sáng tạo công cụ sản xuất, thử nghiệm sản phẩm mới, ứng dụng KHKT, công nghệ mới. Thứ hai là, nên hỗ trợ một phần cho nông dân tuổi cao, sức yếu, có hoàn cảnh khó khăn...để họ mua bảo hiểm y tế, giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống. Điều cuối cùng là cán bộ Quỹ chớ thỏa mãn, dừng lại với kết quả đạt được mà phải tìm cách làm mới, lối đi mới cho người nông dân thời hội nhập.


Tôi hình dung thế này: Vốn Quỹ nếu ví là “chiếc cần câu”, thì khi người câu được một vài con cá họ dễ sử dụng rồi. Nhưng nếu câu được nhiều cá, mà ăn không hết thì sao? Họ bán cho ai, hoặc chế biến thế nào để bán có lãi cao? Đúng là khó thật! Nhưng tư duy mới, hành động mới phải hướng đến như vậy mới tạo nên bước phát triển cao hơn. Tôi tin và hy vọng Quỹ Hỗ trợ nông dân - với “Sức trẻ - tuổi 20” sẽ tìm ra lối mở và đi tới thành công!
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường