(Quỹ HTND)- Nhắc lại chuyện xưa để tiếp tục tìm hướng đi ra cho hiện tại, đi lên trong tương lai - đó là sự biến đổi bên trong cả về nhận thức và hành động để Quỹ giúp nông dân thoát nghèo - no đủ - làm giàu.
|
Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu giải ngân dự án vay vốn Quỹ HTND nguồn Trung ương theo QĐ 673 của Thủ tướng Chính phủ |
Thực tiễn hoạt động từ khi trù bị đại hội đến Đại hội lần thứ nhất Hội Nông dân tập thể Việt Nam đã rút ra nhiều bài học quý về xây dựng phong trào nông dân, hoạt động Hội Nông dân; trong đó, có việc đổi mới phương thức hoạt động và công cụ nào để thực hiện?
Những năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân Việt Nam lần thứ II, cả nước còn trên 50% hộ nông dân nghèo, ứng với khoảng 6 triệu hộ gia đình. Cũng trong năm 1993, Nhà nước giao đất cho hộ nông dân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp, nhưng chỉ 1 năm sau - 1994, cả nước có tới 17% nông dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc, miền núi và khu vực đồng bằng sông Cửu Long không có đất sản xuất. Kết quả điều tra tại 61 tỉnh, thành, do Hội Nông dân thực hiện đã rút ra kết luận: Xóa đói giảm nghèo và việc làm ở nông thôn là vấn đề bức xúc nhất, Hội Nông dân cần tham mưu cho Đảng, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho hộ nông dân nghèo mà trước hết là làm thế nào để hộ nông dân được vay vốn? (vì chính sách lúc đó chỉ cho HTX vay). Nông dân nước ta vốn có truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, cho nhau vay mượn khi gặp khó khăn. Vậy Hội có vai trò gì, hành động như thế nào để phát huy truyền thống đó. Những bức xúc của nông dân và trắc trở của Hội được hội tụ thành quyết tâm hành động của Thường trực và đồng chí Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) - Chủ tịch BCH TƯ Hội Nông dân Việt Nam.
Được Thường trực Trung ương Hội giao nhiệm vụ, chúng tôi đề xuất các phương án giúp đỡ nông dân vay vốn. Thời kỳ này, Hội đã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể liên quan mở nhiều hội thảo kiến nghị Chính phủ cho hộ nông dân được vay vốn và được chấp nhận; cử cán bộ Hội biệt phái sang làm việc tại Ngân hàng NNPTNT nghiên cứu giúp nông dân vay vốn, sau đó, ký liên tịch giữa Hội và Ngân hàng; xây dựng Đề án Quỹ Hỗ trợ nông dân để Hội có công cụ trực tiếp huy động vốn tương trợ giúp đỡ theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, với cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Sau khi Ngân hàng Người nghèo (sau đổi tên Ngân hàng Chính sách xã hội) ra đời, Hội nhận ủy thác và phối hợp cùng thực hiện để có thêm một kênh vay vốn cho nông dân. Đối với Quỹ Hỗ trợ nông dân, đề án trình Chính phủ ngắn gọn: Quỹ không phải ngân hàng mà là tổ chức có tính cách pháp nhân thuộc Hội, là công cụ của Hội để tập hợp giúp đỡ nha có vốn sản xuất, kinh doanh, không vì lợi nhuận. Bằng sự lý giải: Tạo ra nguồn vốn để hỗ trợ nông dân, mà trước hết là nông dân nghèo là một cuộc vận động lớn vừa là tự nguyện, vừa là nghĩa vụ của cộng đồng, trước hết là các doanh nghiệp hoạt động dựa vào nông dân, nông thôn; các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, thương nghiệp lấy nông dân và nông thôn làm thị trường; vận động các tổ chức quốc tế, chính phủ và phi chính phủ giúp đỡ nông dân nghèo Việt Nam - Nên Quỹ vốn hỗ trợ nông dân không phải là tổ chức kinh doanh tiền tệ, mà là tổ chức dịch vụ hỗ trợ do Hội Nông dân các cấp tổ chức. Đối tượng hỗ trợ của Quỹ là nông dân “làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm” theo lời Bác Hồ dạy.
Giai đoạn đầu, Quỹ chưa có điều kiện phục vụ đông đảo nông dân, thì tập trung hỗ trợ nông dân nghèo và một phần nông dân làm dịch vụ, kinh doanh. Khi quỹ đủ sức thì mở rộng diện phục vụ, càng có điều kiện nhận sự hỗ trợ của nông dân giàu giúp nông dân nghèo và đảm bảo cho hoạt động an toàn, tăng trưởng vốn. Điều này, khác với tổ chức tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội là chỉ phục vụ người nghèo. Nguồn vốn của quỹ bao gồm sự ủng hộ, cho mượn, cho vay với lãi suất thấp của nông dân và đồng bào cả nước, Việt kiều, các tổ chức quốc tế (chính phủ, phi chính phủ) và một phần vốn hỗ trợ của Nhà nước, mức phí thu chỉ tính đủ bù đắp các chi phí hoạt động và phòng rủi ro. Như vậy, quỹ tự vận động tạo nguồn vốn là chính, Nhà nước hỗ trợ phần quan trọng, các tổ chức ngân hàng, tài chính của nhà nước giúp quỹ về quản lý vốn, giám sát, kiểm tra...theo sự thỏa thuận của Hội Nông dân và cơ quan thực hiện.
Đối với tổ chức Hội: Chi, tổ Hội Nông dân trên địa bàn dân cư là đơn vị xem xét hỗ trợ vốn, là nơi trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chuyển giao KHKT, thông tin tiếp thị, là đơn vị giải ngân đồng thời là đơn vị thu hồi vốn. Hệ thống tổ chức Hội các cấp đảm nhiệm vận hành Quỹ, có bộ phận chuyên trách, chuyên môn nghiệp vụ giúp việc lãnh đạo Hội ở mỗi cấp. Nơi nào tổ chức Hội vững, cán bộ có khả năng đảm nhiệm thì thành lập Quỹ. Quỹ Hỗ trợ nông dân là công cụ, phương tiện của Hội trong vận động, tập hợp, xây dựng phong trào nông dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Hội vững mạnh theo phương thức vận động quần chúng, chăm lo và đem lại lợi ích cho quần chúng. Đến ngày 2.3.1996, Quỹ Hỗ trợ nông dân được thành lập có bộ máy tổ chức, tài khoản riêng và bắt tay vào họat động - Quỹ được sinh ra và lớn lên từ bên trong của công cuộc xóa đói giảm nghèo và trở thành phương tiện quan trọng của Hội Nông dân trong tập hợp, đoàn kết, tổ chức và hỗ trợ nông dân và xây dựng Hội vững mạnh.
“Giảm nghèo đa chiều” vừa được Chính phủ thông qua - Đó là cách tiếp cận mới về kinh tế, an sinh xã hội cho người nghèo ở mức cao hơn – Điều này, đồng nghĩa với số lượng hộ nghèo trong cả nước tăng lên 1,2 - 1,5 lần so với hiện nay. Nông dân, nông nghiệp, nông thôn nước ta đang trong quá trình hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, Quỹ Hỗ trợ nông dân vừa phải hỗ trợ nông dân thoát nghèo, vừa phải tăng tốc giúp nông dân làm giàu và giúp người nông dân đã hết tuổi lao động trong diện khó khăn, đã trở nên những thách thức mới cam go, thúc đẩy sự vận động bên trong đối với Hội Nông dân mà trước hết là đội ngũ cán bộ đang hoạt động trong Quỹ Hỗ trợ nông dân trong các nhiệm vụ:
- Tạo thêm nguồn lực vốn, đội ngũ cán bộ chuyên trách có năng lực, sáng tạo, công nghệ thông tin...
- Mở rộng đối tượng phục vụ của Quỹ như: Nông dân cao tuổi, tai nạn, bệnh tật, khó khăn trong đời sống và các mô hình làm giàu của nông dân bằng việc liên kết, hợp tác, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới...
- Hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội theo yêu cầu của chương trình xây dựng nông thôn mới..
- Quản lý an toàn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Đặt dưới sự chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Trung ương Hội, hoạt động của Ban Điều hành và Quỹ Hỗ trợ nông dân có tính “độc lập tương đối”, tuân thủ theo nguyên tắc tài chính, kế toán của Nhà nước, do vậy, đổi mới phương thức hoạt động luôn là vấn đề trọng tâm của công tác xây dựng cơ quan vững mạnh. Việc mở rộng liên kết ngang với các tổ chức ngân hàng, tài chính, doanh nghiệp, cấp ủy, chính quyền địa phương là khâu then chốt để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ: Tạo thêm nguồn lực, mở rộng quy mô, tăng thêm vốn cho Quỹ ở 3 cấp. Thắt chặt mối liên kết dọc với các ban, trung tâm thuộc Trung ương Hội và Ban Chấp hành Hội Nông dân các địa phương là điều kiện đảm bảo cho quản lý, sử dụng vốn an toàn, hiệu quả, tới đúng địa chỉ vay và góp phần tích cực vào xây dựng phong trào nông dân, xây dựng Hội Nông dân vững mạnh.
20 năm xây dựng, trưởng thành - được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực, Thường vụ Trung ương Hội qua các nhiệm kỳ, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã có bước tiến dài, có nhiều thành tích tiêu biểu... Hy vọng Quỹ sẽ có bước tiến bộ mới, chất lượng mới trong hành trình hỗ trợ nông dân thoát nghèo - no đủ - làm giàu.