|
(Quỹ HTND)- Những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân hoạt động rất hiệu quả, được các cấp ủy, chính quyền ở địa phương ghi nhận. Đạt được thành quả đó, là do các cấp Hội đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của QHTND, từ đó nông dân đồng tình ủng hộ tham gia xây dựng Quỹ phát triển, nhiều hộ nông dân liên kết thành lập tổ, nhóm nông dân cùng mục đích sản xuất, thông qua các dự án vay vốn của các tổ, nông dân đã biết cách đầu tư, sử dụng hiệu quả đồng vốn vào sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, từ đó tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập.
Hiện nay, tệ nạn xã hội đang diễn biến phức tạp ở nông thôn, đó là: Tệ đánh bạc, cho vay nặng lãi, buôn bán trẻ em, lừa đảo xuất khẩu lao động, tệ nạn ma túy, mại dâm; sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, bảo quản chế biến, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, mất an toàn vệ sinh lao động, ô nhiễm môi trường; tình hình bất bình đẳng giới, khoảng cách người giàu và người nghèo ngành càng tăng... đang gây bức xúc dư luận xã hội.
Do đó, để cho hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân phát triển bền vững thì người nông dân phải có sức khỏe, làm việc trong môi trường an toàn, xã hội không có tệ nạn, không dịch bệnh.... Để xây dựng xã hội văn hóa, an toàn trật tự ở nông thôn thì việc hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển kinh tế, phải gắn với công tác xã hội, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm; bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân; phong trào vệ sinh yêu nước; phòng chống bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người; phòng chống các tệ nạn xã hội...
Thông qua hoạt động Qũy Hỗ trợ nông dân, nhiều loại hình tổ hợp tác giúp nhau sản xuất gắn với công tác xã hội được hình thành, phát triển. Hoạt động của tổ hợp tác đã giúp nông dân hiểu biết kỹ thuật sản xuất, kinh doanh đúng quy trình, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, giảm thiểu tác động nguy hại tới môi trường sinh thái, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Qua đó, đã tạo điều kiện đoàn kết, phát huy tình làng nghĩa xóm, xây dựng và hình thành người nông dân kiểu mới, nhiều hoạt động mang tính xã hội như mô hình nhóm lồng ghép truyền thông sức khỏe sinh sản/ kế hoạch hóa gia đình/bình đẳng giới/ tín dụng/tiết kiệm- khuyến nông; Câu lạc bộ phòng chống tệ nạn xã hội; tư vấn về tiền hôn nhân ...phát triển, tạo cơ hội cho nông dân có cơ hội tiếp cận với kiến thức về sản xuất và xã hội.
Điển hình như Hội Nông dân xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã tích cực thực hiện hiệu quả công tác Hội thông qua việc phát triển kinh tế gắn với công tác xã hội. Để giúp nông dân trong xã có việc làm ổn định đời sống đồng chí Vì Thi Oanh - Phó chủ tịch HND xã đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã “ Dệt thổ cẩm truyền thống”, với 15 thành viên. Để có vốn đầu tư chị đã mạnh dạn vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh là 300 triệu đồng. Sau 4 năm sản xuất kinh doanh, đến nay số thành viên đã tăng lên 30 người, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.
Trong các buổi họp, sinh hoạt của hợp tác xã, ngoài quán triệt nhiệm vụ kinh doanh, chủ nhiệm còn phổ biến tuyên truyền vận động các thành viên chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về dân số- kế hoạch hóa gia đình, phòng chống các tệ nạn xã hội; tổ chức đăng ký xây dựng gia đình văn hóa; đồng thời để giúp những người bị nhiễm HIV/AIDS; Hội Nông dẫn còn thành lập câu lạc bộ “ Đồng tâm” với 20 thành viên là những người nhiễm HIV, để tư vấn cách phòng tránh lẫy nhiễm cho gia đình, cộng đồng, đồng thời giúp nhau về vốn, ngày công, kinh nghiệm sản xuất...
Quỹ Hỗ trợ nông dân thật sự là “bà đỡ” và là điều kiện giúp hội viên nông dân phát triển ngành nghề, xây dựng và mở rộng các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác. Đời sống bà con nông dân được nâng cao, đã tạo điều kiện cho các phong trào thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ được duy trì, phát triển; giữ gìn, bảo tồn tinh hoa, văn hóa bản sắc dân tộc, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.