|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm một vườn ổi sản xuất theo mô hình VietGAP tại TX.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Nguồn Internet |
(Quỹ HTND)- Biết có buổi làm việc vào chiều ngày 16/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tại Phủ Thủ tướng, nên tôi đến sớm! 14g cuộc họp bắt đầu, thì trước đó khoảng 10 phút, đã thấy Thủ tướng đi ra và ngồi vào vị trí chủ trì. Ông điềm tĩnh mở, xem tài liệu, thi thoảng lấy bút gạch và viết điều gì đó. 14g kém 5, khách mời và các thành viên đã đến đông, phòng họp rộn những lời chào, lời chúc, những câu chuyện thường ngày. Thỉnh thoảng bắt gặp những khuôn mặt đăm chiêu, lo lắng của những người trong các bộ, ngành và Trung ương Hội.
Lắng nghe Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân - ông Nguyễn Quốc Cường và ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo. Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành có ý kiến giải trình, phát biểu xoay quanh những kiến nghị, đề xuất của Hội Nông dân. Thủ tướng đặc biệt quan tâm đến 7 vấn đề lớn như: 36% hộ nông dân canh tác dưới 0,2ha đất, thu nhập chỉ bằng 76% so với mức bình quân chung/người của cả nước; hầu hết nông dân không có tư duy hợp tác; chính sách tín dụng khó tiếp cận; tiêu thụ nông sản vẫn khó khăn, sự lặp lại của “được mùa rớt giá”; đầu tư cho nông nghiệp từ vốn ngân sách tăng không đáng kể, vốn đầu tư toàn xã hội giảm và ngư dân ra khơi đánh cá bị tàu Trung Quốc vây, uy hiếp... Có vẻ như Thủ tướng rất sốt ruột, có lúc ông ngồi yên, gõ gõ ngón tay trên mặt bàn, có khi du người về phía trước hay ngả lưng về sau....Trong sự tĩnh lặng và nghiêm túc đó, thì bỗng nhiên Thủ tướng cởi mở, chân thành: “Nào, mời mọi người ăn chè đi, của Văn phòng nấu đấy, toàn là thứ nông dân mình làm ra cả”. Tất cả mọi người dự họp đều vui và thư thái hơn về mặt tinh thần.
Có một chi tiết rất thú vị, mà ai trong số cán bộ Trung ương Hội Nông dân đến họp cũng “giật mình”, khâm phục trí nhớ của Thủ tướng - Đấy là khi đang nghe báo cáo về vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, ông nói ngay: “Cái này anh Chín Cần có đề xuất và năm 2002, Chính phủ đã chuyển 40 tỷ từ vốn vay sang vốn cấp cho Quỹ Hỗ trợ nông dân, giao cho Trung ương Hội quản lý, điều hành”. Ông nói thêm: “Còn Quyết định 673, Chính phủ sẽ nhắc nhở, đôn đốc chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố thực hiện”. Lúc đó, tự dưng tôi nhớ, một lần được nghe ông Hoàng Trọng Thủy, Phó Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Hội Nông dân kể, khi được Thường trực giao
chuẩn bị bài cho lãnh đạo Chính phủ phát biểu tại Hội nghị Tổng kết và Biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi...... Khi văn bản đến tay Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, xem xong, ông bảo, mình đã thêm chữ “người” trước 2 chữ “nông dân” rồi, sao lại thiếu!? Do không được gần ông, tôi biết không nhiều, nhưng những gì trong buổi làm việc ấy và những câu chuyện kể về ông, tôi tin ông có trí nhớ rất tuyệt!
Khoảng 17g, Thủ tướng kết luận, ghi nhận và đánh giá cao báo cáo của Hội và Văn phòng Chính phủ. Ông nhấn mạnh rằng: “Ở nông thôn còn 10,5% hộ nghèo, khoảng hơn 9 triệu khẩu, phải thu hẹp diện hộ nghèo. Vấn đề là Hội cần nắm vững các chính sách. Chính sách nào đã lạc hậu, đã có cần bổ sung, chính sách còn thiếu cần làm mới. Hội Nông dân cần phát hiện, kịp thời đề xuất, các bộ ngành chức năng cần phối hợp. Cái nào ra thông tư, cái nào là Thủ tướng ra quyết định - sẽ làm ngay. Chính sách và vốn phải cùng đến với người nông dân”.
Và Thủ tướng đã hết mình làm điều đó với nông dân, với Hội Nông dân Việt Nam.