|
Từ nguồn vốn Quỹ HTND, nhiều hộ nông dân đã đầu tư chăn nuôi hiệu quả |
Trong nhiệm kỳ qua đã có 1.626.165 lượt hội viên đăng ký tham gia phong trào, qua bình xét có 1.096.979 lượt hộ hội viên đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Tỷ lệ hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp bình quân đạt 67,45 % so với số hội viên đăng ký.
Các cấp Hội đã làm tốt công tác tuyên truyền và nhân rộng các mô hình hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng cây Cam đường xã Kim An (Thanh Oai); trồng rau an toàn xã Văn Đức, trồng hoa ly xã Đa Tốn (Gia Lâm); chăn nuôi thủy sản xã Phú Đông (Ba Vì); phát triển cây bưởi Diễn xã Hữu Văn, chăn nuôi gà xã Lam Điền (Chương Mỹ); chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học xã Hồng Hà (Đan Phượng); trồng táo Đài Loan xã Di Trạch (Hoài Đức…
Nhờ đó, phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã góp phần khơi dậy trong mỗi hội viên nông dân ý chí, dám nghĩ, dám làm, vượt qua mọi khó khăn để vươn lên làm giàu.
Các hộ nông dân đã tích cực, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khao học kỹ thuật vào sản xuất,
nhiều hội viên hội nông vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Song song với việc khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của nông dân, các cấp Hội đã tích cực vận động hội viên, nông dân, nhất là những hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi tổ chức tương trợ, giúp đỡ các hộ nông dân khác có hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất, hướng dẫn học nghề.... đã trực tiếp và phối hợp giúp đỡ 32.014 hộ thoát nghèo, góp phần tích cực vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn xuống còn 1,16% (2018).
Nhằm nâng kiến thức cho hội viên nông dân trong áp dụng khoa trong học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Các cấp Hội đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ, tập huấn, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao, các phương pháp thu hoạch, bảo quản, chế biến tiên tiến để giảm hao hụt sau thu hoạch, tăng thêm giá trị nông sản giúp nông dân nâng cao thu nhập.
Hội Nông dân Hà Nội đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng, ký Chương trình phối hợp hoạt động giữa hai ngành giai đoạn 2016 – 2020. Đồng thời chỉ đạo các cấp Hội tăng cường tuyên truyền vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội; giới thiệu các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp đến với hội viên, nông dân.
Trong nhiệm kỳ 2013 – 2018 tổ chức hàng ngàn buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến, kiến kinh doanh, kỹ năng quản lý... cho trên 1,4 triệu lượt cán bộ, hội viên nông dân, cán bộ hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ hội nghề; tư vấn, dạy nghề cho trên 63.000 lượt người.
Chỉ tính riêng năm 2017, 2018 Hội Nông dân Hà Nội đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức 4 Hội thảo “Tọa đàm đối thoại giữa Nhà Khoa học - Nhà Nông và Doanh nghiệp”; 4 Hội thảo “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng công nghệ và đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp an toàn, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường nông thôn”.
Thông qua các cuộc hội thảo, cán bộ, hội viên nông dân đã trao đổi trực tiếp với các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất như phương pháp áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cách phòng trừ dịch, bệnh trên cây trồng và vật nuôi, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật...
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tăng cường khai thác các nguồn vốn tín dụng ưu đãi giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Đối với Quỹ Hỗ trợ nông dân, đến nay tổng nguồn vốn đạt trên 593 tỷ đồng cho 5270 lượt dự án và 165.602 lượt hộ vay vốn. Dư nợ Ngân hàng Chính sách Xã hội đạt trên 1.731 tỷ đồng, cho 63.593 hộ vay; Dư nợ NHNN & PTNT là trên 1.449 tỷ đồng ho 22491 hộ vay.
Thông qua việc lập dự án vay vốn, tổ chức sản xuất đã giúp hội viên, nông dân được bổ sung kiến thức về khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế, kinh doanh và thông tin kiến thức về thị trường, điều này rất có ý nghĩa và rất quan trọng trong xây dựng người nông dân mới.
Trong nhiệm qua, các cấp Hội đã tổ chức 89 lớp tập huấn, tư vấn trang bị kiến thức cho hội viên nông dân về hội nhập kinh tế quốc tế, sở hữu trí tuệ.
Đến nay đã có 16 sản phẩm nông nghiệp được Hội Nông dân các cấp tư vấn, bảo hộ và làm chủ sở hữu như: Mây, tre đan Phú Nghĩa, Chương Mỹ; Rau hữu cơ Sóc Sơn; Rau an toàn Sen Chiểu, Phúc Thọ; Bưởi tôm vàng Đan Phượng; Thuốc nam, bắc xã Ninh Hiệp, Gia Lâm; Bánh tẻ Phú Nhi, Sơn Tây; Khoai lang Đồng Thái, Ba Vì; Miến Dương Liễu, Hoài Đức; gà đồi và miến tại huyện Ba Vì; Ổi sạch huyện Gia Lâm; Khoai tây xã Hương Ngải, Thạch Thất; Tương làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây…
Hà Nội cũng xây dựng được 121 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, thực phẩm an toàn, trong đó có 52 chuỗi các sản phẩm có nguồn gốc động vật và 69 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia.
Toàn Thành phố hiện có 178 hợp tác xã, cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Trong đó, nhiều Hợp tác xã, Tổ hợp tác thực hiện tốt việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp.
Các cấp Hội xây dựng 291 mô hình tổ chức hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ nông dân. Trong đó có 18 mô hình cấp thành phố và cấp huyện, 143 mô hình cấp cơ sở. Hội đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các phiên giao dịch, giới thiệu, quảng bá sản phẩm của các huyện, thị và một số tỉnh, thành phố tại điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm của Trung tâm Trợ giúp nông dân Hà Nội (số 33 Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội).
Đồng thời, các cấp Hội đã phối hợp với các cơ quan truyền thông của Trung ương và Hà Nội tổ chức các hoạt động truyền thông, xây dựng các phóng sự về các mô hình như: mô hình nuôi cá chép giòn, nuôi cá tạo sông trong ao tại Sài Sơn huyện Quốc Oai; mô hình trồng cây dược liệu ở xã Ba Vì, huyện Ba Vì...
Thông qua Phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, Hà Nội đã hình thành và phát triển một số vùng sản xuất tập trung; vệ sinh an toàn thực phẩm; giá trị sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng; thị trường cơ bản ổn định; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chuỗi ngày càng hiệu quả hơn, từng bước hình thành thói quen tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.