Hợp tác xã nông nghiệp- Đôi cánh cho nông dân
07:32 - 16/04/2015
(Quỹ HTND)- Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX), trong đó có HTX nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao đời sống người nông dân. Hợp tác xã như đôi cánh để người nông dân thoát khỏi cảnh là là mặt đất bấy lâu nay.

 

Đôi cánh có bay cao?

 

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần bắt đầu từ những công việc cụ thể nhất, sát sườn nhất đối với nông dân, đó là đổi mới hoạt động của HTX. Trong xu thế hội nhập và phát triển, liên kết, hợp tác là một tất yếu khách quan, nhất là HTX trên lĩnh vực nông nghiệp. Từ quy hoạch phát triển hệ thống thủy lợi, xây dựng và nhân rộng cánh đồng lớn, khâu làm đất, chọn giống, xuống giống, nguồn nước tưới tiêu, thu hoạch, bảo quản, cơ giới hóa nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nguồn vốn tín dụng và tìm đầu ra cho sản phẩm… phải được thực hiện đồng bộ, nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận cho người dân và đảm bảo đời sống người dân được nâng lên.

         

 Cả nước hiện có khoảng 19.800 HTX, 54 liên hiệp HTX, 370 nghìn tổ hợp tác, bảo đảm việc làm cho khoảng 12,5 triệu hộ xã viên và người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, đóng góp phần đáng kể vào GDP của cả nước. Trong đó có 9.964 HTX nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản[1].

 

Các HTX có quy mô toàn xã và liên thôn hoạt động thuận lợi do có thị trường, quy mô tổ chức dịch vụ, sản xuất đa dạng hơn. Nhiều HTX nông nghiệp hoạt động đạt hiệu quả cao và đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động nông dân tham gia, làm thay đổi cách nghĩ, cách làm và ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Lĩnh vực hoạt động của các HTX ngày càng phong phú, đa dạng, gồm nhiều dịch vụ như: thủy lợi, khuyến nông, giống, vật tư, khoa học kỹ thuật, vệ sinh môi trường, nước sạch, thú y, tín dụng nội bộ, bao tiêu sản phẩm... Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện sớm và hoàn thành 3 tiêu chí quan trọng trong Bộ tiêu chí nông thôn mới là thủy lợi, thu nhập và hình thức tổ chức sản xuất.

 

Theo điều tra của Liên minh HTX Việt Nam, doanh thu và lợi nhuận của các HTX hiện nay đã có những bước tiến vượt bậc và có xu hướng tăng cao. Chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm 2013 đã tăng từ 10 đến 15% so cùng kỳ năm 2012. Thu nhập bình quân của xã viên, người lao động khu vực HTX nông nghiệp đạt từ 700 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/người/ tháng.

 

Tuy nhiên, tâm lý nhiều nông dân hiện nay vẫn chưa mặn mà lắm khi tham gia HTX, có lẽ nhiều người vẫn còn e ngại cái cảnh làm chung, ăn chung ấy.

 

Hội Nông dân cùng tham gia

 

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn khẳng định: … tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi cho Hội Nông dân Việt Nam trong việc thực hiện một số chương trình, dự án phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống của nông dân, hướng dẫn phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp…".

 

Với vai trò của mình, Hội NDVN có trách nhiệm tuyên truyền, vận động hội viên nông dân hiểu và tham gia tích cực vào các hợp tác xã để nâng cao mức sống.

         

Ngay từ tháng 7 năm 1999, BCH TƯ Hội NDVN đã ra Nghị quyết về “Vai trò và nhiệm vụ của Hội Nông dân Việt Nam trong hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân và tham gia phát triển tổ chức kinh tế tập thể ở nông thôn”, trong đó thông qua các nhiệm vụ cơ bản sau:  Tuyên truyền, vận động nông dân xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác ở nông thôn; Tham gia với các cơ quan liên quan của Nhà nước trong việc xây dựng chính sách đối với kinh tế hợp tác và giám sát thi hành pháp luật về hợp tác xã; Hội thành lập các tổ hợp tác và hợp tác xã để làm dịch vụ cho kinh tế hộ phát triển.  Xây dựng tổ chức Hội Nông dân ở những nơi có tổ chức hợp tác xã phát triển.

         

Trên cơ sở nâng cao nhận thức của cán bộ Hội về vai trò, vị trí của kinh tế tập thể đối với nông nghiệp, nông thôn và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các kiến thức về kinh tế hợp  tác cho cán bộ Hội. Các cấp Hội đã tổ chức tuyên truyền được 727.660 cuộc cho hơn 32 triệu lượt hội viên, nông dân[2].

         

Trung ương Hội đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động số 897/2005/CTrPH, ngày 11/8/2005 giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam về việc “Phát huy sức mạnh của nông dân trong đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2005 – 2010”.

         

Hội Nông dân các cấp đã chủ động tập hợp, tuyên truyền và vận động chủ hộ là hội viên nông dân xây dựng các mô hình kinh tế tập thể phù hợp  ở nông thôn nhất là các loại hình tổ hợp tác sau.[3].:

 

 Tổ hợp tác sản xuất và dịch vụ: Hội Nông dân các cấp vận động hội viên nông dân thành lập được 72.000 tổ hợp tác sản xuất và dịch vụ như: tổ thuỷ nông, tổ làm đất, tổ bảo vệ thực vật, tổ thu hoạch, tổ cung ứng vật tư hoặc tiêu thụ nông sản và các tổ chuyên ngành theo sở thích…

 

Tổ hợp  tác tín dụng: Tại thời điểm 30/11/2014, Hội Nông dân đang quản lý 23.501Tổ Vay vốn theo chương trình phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, có 549.891 hộ tham gia, dư nợ gần 19.461 tỷ đồng và 65.205 Tổ Tiết kiệm và vay vốn theo chương trình ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, có 2.285.448 hộ nông dân nghèo và đối tượng chính sách khác tham gia, dư nợ 41.803 tỷ đồng thuộc 15 chương trình tín dụng chính sách.

 

Chủ tịch Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường chỉ đạo: "Hội Nông dân các cấp cần tăng cường tư vấn, hướng dẫn các Tổ hợp tác phát triển thành các HTX: HTX sản xuất, HTX dịch vụ, HTX liên doanh, liên kết với DN, HTX cổ phần… đạt hiệu quả kinh tế cao. Căn cứ vào những điều kiện thực tế, Hội Nông dân các cấp làm đầu mối khâu nối những nhu cầu để vận động nông dân tham gia các hình thức KTTT cụ thể từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn, từ những tổ hợp tác đơn giản đến các hình thức cao hơn hoạt động đa ngành, đa nghề. Hình thành các chi, tổ Hội Nông dân trong các loại hình KTTT, để các chi Hội Nông dân vừa vận động hội viên nông dân tích cực xây dựng KTTT ngày càng vững mạnh, vừa thực hiện vai trò đại diện giám sát hoạt động của KTTT. Các chi, tổ Hội vận động hội viên hình thành các tổ chức KTTT ngay trong tổ chức của mình; giữ mối quan hệ giữa KTTT và tổ chức Hội luôn gắn kết không thể tách rời..."[4]

  

Tuy những năm qua khu vực kinh tế tập thể đã bước đầu thoát ra khỏi khủng hoảng, đã và đang khôi phục, phát triển. Nhưng sự khôi phục còn rất chậm, thực trạng đang tồn tại nhiều khó khăn, yếu kém. Bên cạnh đó lại bị tác động tâm lý không tốt của người nông dân với các hợp tác xã nông nghiệp trong nông thôn ngày xưa. Những yếu tố đó đã gây nhiều khó khăn, cản trở trong việc xây dựng và phát triển HTX của các cấp, các ngành nói chung và của Hội Nông dân Việt Nam nói riêng. Nhưng điều tất yếu, cái gì có lợi, phù hợp với quy luật sẽ nhanh chóng đứng vững và tỏa sáng.

  

Minh Hà



[1] Báo cáo Liên minh HTX VN năm 2013

[2,3]  Báo cáo Số 59 - BC/HNDTWngày 29 tháng 7 năm 2011vềHội Nông dân Việt Nam tham gia tổ chức kinh tế tập thể ở nông thôn.

[4] Nguyễn Quốc Cường- “Hội NDVN đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn”.http://danviet.vn/hoat-dong-hoi/day-manh-tuyen-truyen-van-dong-va-ho-tro-phat-trien-kinh-te-tap-the-trong-nong-nghiep-nong-thon-568199.html

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường