Quỹ Hỗ trợ nông dân Trà Vinh đã đi vào hoạt động
02:55 - 29/05/2014
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 Hội nghị Lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Kết luận số 61-KL/TW ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”; Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Hội Nông dân trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020”.

Đ/c Kim Song Ven - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh (bên trái) mong muốn 20 hộ hội viên nông dân xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè sử dụng vốn vay đúng mục đích để phát triển kinh tế gia đình.

Xây dựng và phát triển thực hiện đề án: “Thành lập Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2013-2020” vừa là nhiệm vụ, vừa là điều kiện cần thiết để phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân các cấp trong việc tham gia thực hiện thắng lợi Chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 31/10/2008 của Tỉnh ủy và Quyết định số 62/QĐ-UBND tỉnh Trà Vinh về thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 Hội nghị Lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Quỹ Hỗ trợ Nông dân hoạt động không vì mục tiêu lợi nhận, nhằm hỗ trợ và giúp đỡ hội viên nông dân phát triển sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và thu phí trên số vốn cho vay, mức phí để bù đắp các chi phí cần thiết cho hoạt động của Quỹ, nhưng phải bảo toàn vốn và đảm bảo mục tiêu hỗ trợ hội viên nông dân. Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh được chia thành hai cấp: cấp tỉnh trực thuộc Hội Nông dân tỉnh và cấp huyện trực thuộc Hội Nông dân huyện, thành phố. 

Năm 2012, Ban Thường vụ Hội Nông dân Việt Nam phân bổ và ủy thác giao Hội Nông dân tỉnh quản lý nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân Trung ương đầu tư 13 dự án, tổng số vốn 4,887 tỷ đồng cho 347 hộ hội viên nông dân vay phát triển các mô hình sản xuất: lúa chất lượng cao, lúa - màu, mía nguyên liệu, ca cao xen dừa và chăn nuôi bò thịt trên địa bàn 13 xã thuộc 7 huyện trong tỉnh (trong này có 06 xã xây dựng chương trình nông thôn mới). Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh đã thu hồi vốn 11 dự án đầu tư trong năm 2012 (còn 02 dự án ca cao xen dừa chưa đến hạn). 

Năm 2013, Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh tiếp tục lập hồ sơ, trình Trung ương Hội phê duyệt và giải ngân 11 dự án mới với tổng số vốn trên 4 tỷ đồng. Hội Nông dân tỉnh đầu tư một dự án nuôi bò thịt phường 8, thành phố Trà Vinh (nguồn vốn do Hội Nông dân tỉnh quản lý) cho 16 hộ hội viên nông dân vay với số tiền 240 triệu đồng.

Trong hai ngày 17-18/4/2014 Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh Trà Vinh tiếp tục giải ngân 03 dự án, tổng số vốn 1 tỷ đồng (vốn đối ứng từ nguồn ngân sách của UBND tỉnh) đầu tư trên địa bàn 3 huyện, thành phố cho 61 hộ hộ hội viên nông dân vay vốn phát triển mô hình nuôi bò sinh sản (xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè; xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang) và mô hình trồng hoa kiển ở phường 4, Thành phố Trà Vinh.

Mỗi hộ hội viên nông dân nhận 17.500.000 đồng từ nguồn vốn QHTND tỉnh (nguồn vốn do UBND tỉnh đối ứng)
 

Từ khi thành lập đến nay, Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu giúp Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh cụ thể hóa các văn bản của Trung ương Hội và Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ Nông dân Trung ương. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp với các huyện, thành Hội và cơ sở Hội hướng dẫn lập dự án, thẩm định hồ sơ, giải ngân vốn vay kịp thời, không có nợ quá hạn. 

Qua đó đầu tư cho hộ hội viên nông dân vay vốn phát triển sản xuất, tạo mô hình, kích thích đẩy mạnh phong trào để hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, thúc đẩy hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đầu tư vốn, lao động, ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế trang trại, theo hướng chuyên canh, đa canh, trang trại tổng hợp… Sản xuất có kiến thức, có khoa học kỹ thuật, có hạch toán kinh tế, gắn sản xuất với thị trường, hướng mạnh vào sản xuất hàng hoá xuất khẩu.

Quốc Phương

Theo tamnongtravinh.gov.vn

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng