Nâng cao vai trò của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới
02:45 - 20/05/2014
Những năm qua, Hội Nông dân đã không ngừng phát huy vai trò, nhiệm vụ, có nhiều đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà. Nhân Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2013-2018, phóng viên Báo Ninh Thuận có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Ngọt, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh về hoạt động Hội và phong trào nông dân.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh và các đại biểu tham quan trang trại

PV: Xin đồng chí cho biết một số thành tựu nổi bật trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh trong nhiệm kỳ qua?

Đồng chí Nguyễn Văn Ngọt: Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Trung ương Hội và đặc biệt là sự đoàn kết, thống nhất của cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh (CB, HV, ND), hoạt động của Hội và phong trào nông dân trong nhiệm kỳ qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác giáo dục, tuyên truyền tiếp tục được đổi mới; chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội ngày càng được nâng lên. Các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất- kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”; phong trào “Nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới”… từng bước được đổi mới, ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần tích cực trong việc giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

5 năm qua, toàn tỉnh có 196.300 hộ nông dân đăng ký thi đua; đã bình chọn được 116.100 hộ HV, ND đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, đạt 59%, tăng 53,5% so với nhiệm kỳ trước. Hội Nông dân triển khai thực hiện 4 dự án khoa học với tổng kinh phí trên 900 triệu đồng; thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân, tiếp nhận trên 6 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương và UBND tỉnh, qua đó hỗ trợ cho trên 400 hộ HV, ND có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, mở ra nhiều hướng làm ăn mới nhằm tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Hội cũng đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho gần 200.000 lượt CB, HV, ND. Qua các phong trào và những hoạt động thiết thực đã xuất hiện nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ mới trong việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản ở địa phương. Việc hỗ trợ về vốn cho HV, ND cũng được quan tâm đẩy mạnh. Trong 5 năm, các cấp Hội đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách Xã hội tín chấp cho nông dân vay vốn, với tổng số tiền trên 2.367 tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng ngàn lượt HV, ND mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Thực hiện phong trào “Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng- an ninh”, các cấp hội đã vận động HV, ND tích cực phát huy tốt vai trò của gia đình, xã hội tham gia ngăn ngừa, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; phối hợp quản lý, giáo dục, giúp đỡ các đối tượng là con em nông dân vi phạm pháp luật; xây dựng mô hình tổ tự quản ở nông thôn, cùng chính quyền giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn dân cư. Trên 200.000 lượt hộ gia đình HV, ND đạt danh hiệu gia đình “Nông dân văn hoá”, tăng 57,27% so với nhiệm kỳ trước. Ngoài ra, Hội cũng đã phối hợp xoá 5.368 nhà tạm, vận động xây dựng 5.035 nhà tình thương trị giá hàng trăm tỷ đồng, giúp đỡ cho các HV, ND có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Từ những việc làm thiết thực đã góp phần giúp cho 5.677 hộ HV, ND thoát nghèo bền vững.

Công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội cũng luôn được chú trọng. Nhiệm kỳ qua, Hội đã phát triển mới 19.720 hội viên, nâng tổng số hội viên hiện lên 68.634 người, đạt 88 % trên tổng số hộ nông nghiệp và 52,2 % lao động nông thôn.

PV: Với kết quả đó, trong nhiệm kỳ mới 2013-2018, Hội đề ra những nhiệm vụ trọng tâm gì?

Đồng chí Nguyễn Văn Ngọt: Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong nhiệm kỳ tới đó là, nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, trình độ học vấn, khoa học -kỹ thuật, nghề nghiệp cho CB, HV, ND. Bởi đây là nhiệm vụ mang tính quyết định cho sự thành công của các nhiệm vụ khác. Bên cạnh đó, Hội sẽ tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện, nhằm thực hiện tốt vai trò đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân và công tác xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho nông dân, đồng thời triển khai có hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới, giữ gìn ổn định chính trị-xã hội trên địa bàn nông thôn.

PV: Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội đề ra, theo đồng chí cần tập trung vào những giải pháp nào?

Đồng chí Nguyễn Văn Ngọt: Trên cơ sở phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, bám sát các mục tiêu, phương hướng của Đại hội lần này, Hội Nông dân đã đã đề ra các giải pháp cụ thể, trong đó tập trung triển khai thực hiện tốt các giải pháp sau: Chủ động phối hợp với các ban, ngành có liên quan xây dựng chương trình cụ thể để tuyên truyền cho CB, HV, ND nâng cao hơn nữa nhận thức về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Hội, đặc biệt là quán triệt sâu rộng Nghị quyết Trung ương 7 về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” gắn với việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Các cấp Hội tích cực đổi mới nội dung, hướng mạnh hoạt động về cơ sở triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, khuyến khích HV, ND phát huy nội lực, khai thác tốt các tiềm năng, sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học -kỹ thuật, công nghệ sinh học, chú trọng phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại, mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã, khôi phục, phát triển ngành nghề truyền thống, mở ra hướng làm ăn mới, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với nhu cầu thị trường và điều kiện sinh thái từng vùng, bảo đảm năng suất đi đôi với chất lượng sản phẩm, có sức cạnh tranh cao trong nước và xuất khẩu, nhằm giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cải thiện đời sống nông dân. Tiếp tục thành lập, nhân rộng, phát triển các CLB Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và các hộ này giúp các hộ nghèo về kiến thức, vốn, kinh nghiệm sản xuất, góp phần tạo điều kiện cho các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ngoài ra, các cấp Hội mở rộng các hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất; thực hiện tốt chương trình liên tịch với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách Xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp cho HV, ND vay vốn phát triển sản xuất, đồng thời tích cực vận động HV, ND hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ”, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống nông thôn mới hiện đại… Qua đó nâng cao chất lượng đời sống vật chất cũng như tinh thần, góp phần tích cực trong việc xây dựng nông thôn mới.

Tin rằng, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, và sự phối hợp, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, của các sở, ban, ngành và đoàn thể trong tỉnh, hoạt động của Hội và phong trào nông dân trong nhiệm kỳ mới sẽ đạt được những thành quả tốt hơn, góp phần cùng với Đảng bộ, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, xứng đáng là lực lượng trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân, xây dựng nông thôn mới, góp phần đẩy nhanh công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Ông Phạm Tấn Vinh,
Chủ tịch Hội Nông dân Ninh Phước:

Những năm qua, Hội Nông dân huyện Ninh Phước không ngừng phát huy vài trò, trách nhiệm động viên, khuyến khích bà con nông dân tham gia thi đua lao động sản xuất, cải thiện đời sống gia đình, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội. Trong nhiệm kỳ tới, tôi mong rằng Hội Nông dân tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng cho cán bộ, hội viên, nông dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; khuyến khích nông dân tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; tích cực vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, giúp bà con nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới

Ông Mai Thanh Liêm,
Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Hải (Phan Rang- Tháp Chàm):

Mặc dù là địa phương thuộc vùng đô thị nhưng có trên 70% người dân sống bằng nông nghiệp. Vấn đề đặt ra của nhiều nông dân ở địa phương là làm sao để nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất khi phải canh tác trên diện tích đất nông nghiệp hạn hẹp. Để góp phần cùng nông dân giải quyết vấn đề này, tôi mong rằng trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh cần tích cực phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, giúp bà con nâng cao thu nhập. Bởi đây không chỉ là mong muốn của nông dân xã Thành Hải mà là nguyện vọng của nhiều người dân sản xuất nông nghiệp là chính

Ông Mai Văn Duối,
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thắng (Bác Ái):

Là xã miền núi, bà con phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ hạn chế, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, ảnh hưởng nhiều đến phát triển nông nghiệp, đời sống, thu nhập. Ngoài việc đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nông dân, Hội Nông dân cũng cần có các giải pháp phối hợp với ngành chức năng, tranh thủ từ các nguồn để hỗ trợ cho bà con về vốn, giống cây trồng, vật nuôi, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học- kỹ thuật, dạy nghề… tạo việc làm ổn định, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, cải thiện thu nhập, góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Theo NTO

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường