WB: Việt Nam cần 30 tỷ USD mỗi năm phát triển hạ tầng
02:27 - 12/03/2014
Nhu cầu vốn phát triển cơ sở hạ tầng lớn, nhưng Việt Nam đang thiếu cơ chế tài chính để huy động các nguồn lực.

Ngân hàng Thế giới vừa công bố báo cáo đánh giá khung tài chính cho cơ sở hạ tầng địa phương Việt Nam. Theo đó, tăng trưởng kinh tế nhanh, tốc độ đô thị hóa cao đã đặt ra áp lực phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.

Với mục tiêu GDP đạt 300 tỷ USD đến năm 2020, trong đó vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng chiếm 10 - 11% thì ước tính mỗi năm, Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD để đầu tư cho lĩnh vực này, chiếm nhiều nhất là cho hạ tầng giao thông, điện lực, thủy lợi, giáo dục, y tế..., các chuyên gia của WB nhận định.

ha-tang-do-thi1-7043-1394539474.jpg

Việt Nam gặp áp lực vốn dài hạn cho phát triển cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, vốn từ ngân sách Nhà nước, vốn viện trợ phát triển (ODA), trái phiếu Chính phủ... thường chỉ đáp ứng 50-60% nhu cầu. Bên cạnh đó, những nguồn vốn này thường bị hạn chế bởi mức trần thâm hụt ngân sách và giới hạn nợ công quốc gia.

“Một cơ chế cấp vốn bền vững cho phát triển hạ tầng địa phương tại Việt Nam không thể chỉ dựa vào ngân sách nhà nước và vốn ODA mà đòi hỏi sự tham gia sâu rộng hơn nữa của thị trường vốn và khu vực tư nhân”, bà Jennifer Sara, Giám đốc Ban Phát triển bền vững, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu.

Do vậy, việc thu hút vốn từ khu vực tư nhân và thị trường bên ngoài gần đây đã được Chính phủ tính đến, như việc thu 700.000 tỷ đồng từ người sử dụng cơ sở hạ tầng (phí giao thông, phí sử dụng nước...); 1,7 triệu tỷ đồng từ đối tác tư nhân trong nước và quốc tế, theo đánh giá của WB. Song, lượng vốn này chưa đủ để giải quyết những thách thức Việt Nam đang gặp phải.

Ngoài ra, các địa phương cũng đang thiếu trầm trọng các nguồn tài trợ do nguồn thu chủ yếu vẫn từ ngân sách Trung ương rót xuống, số còn lại phải dựa vào những nhiệm vụ không cốt lõi như bất động sản, xây dựng...

Để giải quyết các vấn đề trên, các chuyên gia quốc tế khuyến nghị Việt Nam cần có những cơ chế tài chính hiệu quả hơn để khơi thông các nguồn lực, điều phối hợp lý các nguồn thu ngân sách trung ương và địa phương, giữa các tỉnh thành với nhau.

Riêng với địa phương, báo cáo đề xuất hình thành một Quỹ Phát triển Địa phương (MDF) cho các đô thị hạng hai. Quỹ này sẽ đóng vai trò như chủ thể cho vay thứ cấp và cải thiện môi trường huy động vốn qua trái phiếu đô thị. Tuy nhiên, để phát triển hiệu quả công cụ này, các địa phương cần nâng cao tính minh bạch, giải trình để tạo thuận lợi cho việc thực hiện và triển khai sau này.

Phương Linh

Theo VnExpress.net

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng