|
Hội viên nông dân xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar tham quan mô hình sản xuất của hộ SXKD giỏi (Ảnh: Báo Dak Lak điện tử) |
Kết quả đến 31/12/2016 tổng nguồn vốn cấp tỉnh và huyện đạt 19.519.851.000 đồng, có 10/15 đơn vị cấp huyện, 127/184 cơ sở Hội tổ chức vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia xây dựng Quỹ tăng 8 đơn vị so với thời điểm cùng kỳ năm trước.
Một số huyện làm tốt công tác vận động các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng Quỹ như Hội Nông dân TP. Buôn Ma Thuột, Krông Năng, Krông Búk, Cư M’gar, Krông Bông...
Nhiều cơ sở Hội tổ chức vận động xây dựng Quỹ trên 20 triệu như: HND xã Khuê Ngọc Điền, Hòa Thành huyện Krông Bông; xã Ea Đáh, Phú Lộc, huyện Krông Năng; xã Pơng Đ’Rang, huyện Krông Búk; 100% huyện, thị, thành Hội được Ủy ban nhân dân cấp vốn Quỹ HTND từ nguồn ngân sách;
11/15 đơn vị tham mưu cấp ủy thành lập Ban vận động Quỹ HTND cấp huyện.
Một số mô hình vay vốn Quỹ HTND mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Dự án “Trồng và Chăm sóc hoa, cây cảnh” tại xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột; Dự án “Trồng và Chế biến tinh dầu sả” tại xã Ea Tir, huyện Ea H’Leo; Dự án “Chăn nuôi bò vỗ béo” tại xã Hòa An, huyện Krông Pắk, Dự án “Nuôi cá nước ngọt” tại xã Ea Blang, thị xã Buôn Hồ...
15/15 huyện, thị, thành Hội lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên như mô hình Trồng cây sa chi tại xã Ea Sin, huyện Krông Buk; mô hình kinh tế tập thể Trồng và chế biến tinh dầu sả tại xã Ea Tir, huyện Ea H’Leo...
Việc vay vốn Quỹ HTND thực hiện mô hình, dự án đã tạo niềm tin cho cho cán bộ, hội viên, nông dân, thu hút nhiều hội viên tham gia. Hội coi trọng phương châm “vận động đi đôi với hỗ trợ nông dân” nhằm tập hợp đông đảo nông dân vào tổ chức Hội; nâng cao chất lượng hoạt động chi, tổ Hội góp phần xây dựng Hội vững mạnh. Thông qua dự án vay vốn Quỹ HTND đã thu hút gần 2 ngàn nông dân tham gia vào tổ chức Hội...
Các dự án vay vốn Quỹ HTND có sự liên kết giữa các hộ vay từ mô hình nhỏ, đơn giản như tổ, nhóm nông dân cùng sở thích, tổ hợp tác, chi hội nghề nghiệp đến hợp tác xã.
Tỷ lệ dự án đầu tư ở lĩnh vực trồng trọt chiếm gần 21%, chăn nuôi trên 75%, phát triển ngành nghề 0,4%. Nguồn vốn đã tạo việc làm cho trên 7 ngàn lao động; góp phần thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo của tỉnh.
Tiêu biểu là một số dự án kết thúc chu kỳ sản xuất kinh doanh các hộ vay vốn mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, chuyển đổi mô hình khác có hiệu quả hơn như: Dự án Chăn nuôi heo thịt tại xã Hòa Phú, TP. Buôn Mê Thuật chuyển đổi sang mô hình nuôi cá Lăng đuôi đỏ và chăn nuôi bò sinh sản. Dự án nuôi heo rừng tại xã EaNam, Cư Mốt huyện Ea Hleo chuyển sang mô hình Chăn nuôi bò sinh sản…
Các cấp Hội Nông dân đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động làm cho cán bộ, hội viên nông dân và các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển Quỹ HTND.
Kết quả giai đoạn 2011-2015 các cấp Hội đã tổ chức tuyên truyền được 87.253 buổi cho 4.960.445 lượt cán bộ, hội viên nông dân tham gia; các chi, tổ Hội nông dân cũng đã tổ chức tuyên truyền được 12.256 buổi cho trên 551.520 lượt hội viên, nông dân nắm được chủ trương, chính sách, có cơ hội tham gia giám sát việc thực hiện vốn vay.
Có thể nói việc hỗ trợ cho nông dân vay vốn sản xuất thông qua Quỹ HTND đã phát huy hiệu quả thiết thực. Nguồn vốn đã giúp nhiều hộ hội viên nông dân đầu tư, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển ngành nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ.
Hoạt động của Quỹ HTND cũng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn, thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, khai thác tiềm năng thế mạnh của từng vùng để tạo ra các loại nông sản hàng hóa, dịch vụ đạt chất lượng, hiệu quả cao.
Tuy nhiên, theo Hội Nông dân tỉnh, tại một số địa phương, kết quả công tác vận động đóng góp, ủng hộ Quỹ HTND còn hạn chế.
Vì vậy, để nâng cao nguồn vốn Quỹ HTND, tiếp tục tiếp sức cho bà con phát triển sản xuất, thời gian tới, tỉnh Hội sẽ chủ động tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành Quỹ các cấp; huy động các nguồn vốn từ ngân sách, vận động ủng hộ từ hội viên, nông dân; thực hiện các dịch vụ chuyển tải vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Đồng thời điều tra, khảo sát lựa chọn những mô hình kinh tế có hiệu quả, chú trọng mô hình kinh tế hợp tác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm tại địa phương.