Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Nghệ An: Đến 2020 đạt 150 tỷ đồng
04:04 - 10/12/2014
(Quỹ HTND)- Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Nghệ An vừa tiến hành khảo sát hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân (Quỹ HTND) trên địa bàn tỉnh.

 

Từ sau khi Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, tỉnh Hội đã xây dựng Đề án "Đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ HTND" trình Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện cấp bổ sung vốn cho Quỹ HTND tỉnh, tổng số tiền 12 tỷ đồng. Năm 2014, HĐND tỉnh đã thống nhất sau khi cân đối nguồn thu- chi sẽ cấp bổ sung thêm 2- 5 tỷ đồng.

 

Hiện đã có 21/21 đơn vị Hội Nông dân cấp huyện xây dựng được Quỹ HTND, năm 2014 có 9 đơn vị Quỹ cấp huyện đã được phê duyệt kế hoạch và cấp vốn bổ sung với mức từ 100- 500 triệu đồng/đơn vị.

 

Bộ máy điều hành Quỹ HTND đã được kiện toàn ở cả hai cấp (tỉnh, huyện), Ban điều hành Quỹ cấp tỉnh gồm 7 đồng chí do đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh làm trưởng Ban, có kế toán và cán bộ chuyên trách. Ban Kiểm soát Quỹ cấp tỉnh gồm 3 đồng chí, trưởng Ban là đồng chí Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.

 

Từ đầu năm 2014, ngoài nguồn ngân sách cấp, Hội Nông dân tỉnh giao chỉ tiêu vận động Quỹ đến cấp Hội cơ sở với mức đóng góp từ 50- 100 ngàn đồng/năm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tới 80% số xã có các loại Quỹ khác nhau như: Quỹ Hội, Quỹ người già, Quỹ do hội viên, nông dân đóng góp hoạt động theo mô hình Quỹ tín dụng nhân dân. Các Quỹ này đang dư nợ trong nhân dân theo các mục tiêu riêng của từng Quỹ, do các chi hội tự quản lý. Việc chuyển đổi phương thức quản lý của các Quỹ này theo Điều lệ Quỹ Hỗ trợ nông dân là việc khó khăn. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đang bàn, tìm giải pháp chỉ đạo và tổ chức thực hiện, tuy nhiên chưa nhận được sự đồng thuận của đa số hội viên và các chi hội nông dân.

 

Về sử dụng vốn: Nguồn vốn Quỹ Trung ương ủy thác và nguồn vốn Quỹ HTND cấp tỉnh, huyện đang cho vay theo dự án nhóm hộ với mức vay, mức phí do BTV TƯ Hội quy định. Tổng nguồn vốn HND tỉnh đang quản lý là 25,5 tỷ đồng, dư nợ cho 1.133 hộ vay với 92 dự án, không có nợ quá hạn. Các mô hình chăn nuôi chiếm 75%, chủ yếu là nuôi bò sinh sản, bò thịt và chăn nuôi lợn, mô hình trồng trọt 12% gồm trồng lúa cao sản, trồng rau, màu, cây công nghiệp… mô hình dịch vụ, ngành nghề chiếm 9% gồm: Làm đất, tưới tiêu, vận chuyển, nghề mộc, nghề làm hương thẻ, mây tre đan, dệt vải thổ cẩm, chế biến hải sản…

 

Nhìn chung các mô hình đều đem lại hiệu quả, tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi của địa phương. Thông qua dự án vay vốn đã góp phần chuyển đổi nhận thức của hội viên nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, quảng canh sang liên kết, nâng quy mô, thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bước đầu hình thành các nhóm hộ sản xuất theo hướng hàng hóa, vùng chuyên canh…

 

Cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh ý thức hơn về trách nhiệm của mình đối với tổ chức Hội nói chung và Quỹ HTND nói riêng, đã có nhiều chuyển biến trong việc tạo điều kiện, bổ sung nguồn vốn cho Quỹ HTND các cấp trong tỉnh. Tuy nhiên, đối với cấp xã còn nhiều khó khăn do kinh phí eo hẹp, ngân sách chủ yếu được cấp nên việc thực hiện Quyết định 673 còn nhiều hạn chế, mới dừng lại ở việc tạo điều kiện cho tổ chức Hội Nông dân tham gia các dịch vụ trong phong trào xây dựng nông thôn mới để gây Quỹ HTND.

 

Tại buổi làm việc với Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh, đồng chí Chủ tịch, Trưởng ban điều hành Quỹ HTND đã chỉ ra một số giải pháp nhằm xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ; trong đó có việc thành lập Ban vận động Quỹ HTND các cấp. Đây là giải pháp phát triển Quỹ lâu dài, bền vững. Đồng chí khẳng định: Trước hết muốn làm tốt việc này cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hoạt động Quỹ HTND trong nhân dân để tranh thủ sự ủng hộ về tinh thần và vật chất, lấy đối tượng hộ sản xuất kinh doanh giỏi làm nòng cốt để vận động tạo vốn Quỹ HTND.

 

Với 467 tổ chức cơ sở Hội, 5.609 chi hội và gần 500.000 hội viên, mỗi hội viên góp 50.000 đồng xây dựng Quỹ HTND/năm; đồng thời mỗi năm ngân sách tỉnh cấp bổ sung 5 tỷ đồng thì đến năm 2020 Quỹ HTND tỉnh Nghệ An đạt tối thiểu 150 tỷ đồng, bình quân mỗi cơ sở có 01 dự án ít nhất là 300 triệu đồng. 

Phương Anh

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường