(Quỹ HTND)- Ngày 25/9/2014, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và Tạp chí Ngân hàng đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển bền vững Ngân hàng Chính sách xã hội góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Hội thảo nhằm làm rõ hơn những thành công, kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong thời gian qua; đề xuất các giải pháp, kiến nghị góp phần hoàn thiện mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của NHCSXH tiến tới phát triển bền vững.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: Thành công trong hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH đã thể hiện ở nhiều mặt. Đó là đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển an sinh xã hội. Đồng thời, NHCSXH cũng làm tốt việc phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình thực hiện như Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ và Đoàn Thanh niên để thực hiện sứ mệnh cho vay giảm nghèo cùng ngân hàng.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ hơn những thành công, những kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm trong triển khai và phối hợp triển khai các chương trình tín dụng CSXH trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp kiến nghị góp phần hoàn thiện mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của NHCSXH tiến tới phát triển bền vững trong thời gian tới.
Ở góc độ đơn vị nhận ủy thác vốn vay, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Hà Văn Chung, cho rằng: Tổ chức bộ máy quản lý, điều hành gọn nhẹ, phương thức cho vay uỷ thác từng phần qua 4 tổ chức hội, đoàn thể (Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ và Đoàn Thanh niên), thành lập mạng lưới trên 200 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn trên cả nước… đã đưa nguồn vốn vay đến đúng đối tượng, tiết kiệm tối đa chi phí và nhân lực cho NHCSXH và người vay vốn. Đây là việc thực hiện quá trình dân chủ hóa, xã hội hóa chính sách tín dụng của Nhà nước thực hiện giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo TS. Kinh tế, Nhà báo Nguyễn Minh Phong, dư nợ sau 11 năm tăng 18 lần, cho vay nông dân nợ quá hạn đã thấp nhưng cho vay qua NHCSXH nợ quá hạn còn thấp hơn, chỉ dưới 1%, điều này đã nói lên hiệu quả của tín dụng ưu đãi. Theo TS. Nguyễn Minh Phong, bên cạnh việc cần sự tăng vốn, tăng tự chủ tài chính cho NHCSXH, ngân hàng cũng cần đa dạng các sản phẩm dịch vụ. Ngoài phương thức trực tiếp cho vay, cần ưu tiên cho vay phục vụ tái cơ cấu theo các chuỗi cung ứng sản xuất các nhóm, ngành, sản phẩm chủ lực liên kết giữa hộ gia đình - doanh nghiệp và các đoàn tổ chức hội, đoàn thể địa phương, đặc biệt là các chương trình tín dụng ưu đãi ủy thác qua 4 tổ chức hội, đoàn thể.
Tổng dư nợ cho vay của NHCSXH đạt 126.349 tỷ đồng, mới chiếm khoảng hơn 3% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của toàn ngành ngân hàng, TS Nguyễn Ngọc Thao, Chủ nhiệm Khoa Tài chính công, Học viện Hành chính Quốc gia đề xuất, Chính phủ cần tăng cường bố trí nguồn vốn với quy mô lớn hơn nữa để cho vay. Cùng với đó, cần thiết mở rộng các chương trình, dự án cho vay của NHCSXH.
Từ năm 2003 đến hết tháng 8/2014 đã có trên 24,8 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn tín dụng chính sách. Góp phần giúp trên 3,2 triệu hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo (tính đến hết năm 2013); thu hút, tạo việc làm cho trên 11 triệu lao động, trong đó trên 103 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp 3.236 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 5.909 nghìn công trình cung cấp nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn; gần 700 nhà chòi tránh lũ cho hộ nghèo tại 7 tỉnh miền Trung; hơn 96 nghìn căn nhà vượt lũ cho hộ gia đình vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, gần 484 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách chưa có nhà ở trên toàn quốc... |
Đức Trung