(Quỹ HTND)- Thực hiện chủ trương của Chính phủ, những năm qua các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã thực hiện có hiệu quả Nghị quyết liên tịch, văn bản thỏa thuận và hợp đồng ủy thác đã ký với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH); khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Ngay trong quý I/2014, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có những biện pháp chỉ đạo Hội Nông dân các cấp tiếp tục phối hợp với NHCSXH thực hiện tốt công tác nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giúp nông dân phát triển kinh tế, tạo việc làm, có thu nhập, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Tính đến 31/3/2014, Hội Nông dân Việt Nam đang quản lý 66.356 Tổ tiết kiệm và vay vốn (Tổ TK&VV) với 2.365.540 thành viên, số tiền dư nợ đạt 41.168 tỷ đồng của 15 chương trình tín dụng ưu đãi.
Tuy nhiên tồn tại hạn chế cơ bản trong hoạt động nhận ủy thác hiện nay là một số nơi các cấp Hội chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vấn đề sai phạm, bất cập trong quá trình thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; lựa chọn hộ vào Tổ TK&VV còn chưa chính xác; công tác thông tin báo cáo trong hệ thống Hội thực hiện chưa nghiêm túc; còn một số đối tượng chây ỳ, ỷ lại, hiểu sai mục đích vay vốn, coi vốn là ban phát của Nhà nước cho hộ nghèo.
Xuất phát từ thực trạng trên, trong thời gian tới Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tập trung chỉ đạo và giám sát chặt chẽ các cấp Hội triển khai thực hiện và phối hợp thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, chủ động phối hợp với NHCSXH cùng cấp, đồng thời chỉ đạo Hội Nông dân cấp huyện và cơ sở tổ chức đánh giá việc thực hiện dịch vụ ủy thác của từng đơn vị. Trong đó cần đi sâu phân tích, đánh giá những mặt còn hạn chế, yếu kém, tìm ra nguyên nhân và đề ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện ủy thác.
Thứ hai, chỉ đạo Hội Nông dân cấp huyên, cơ sở thực hiện tốt 06 công đoạn nhận ủy thác; củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát các Tổ TK&VV; chủ động đôn đốc các Tổ TK&VV thực hiện tốt Quy ước hoạt động và Hợp đồng ủy nhiệm với Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện, trong đó chú trọng công tác bình xét hộ vay vốn đảm bảo công khai, đúng đối tượng; tham gia đầy đủ các cuộc họp giao ban với cán bộ tín dụng Ngân hàng tại điểm giao dịch để kịp thời tháo gỡ khó khăn, ngăn chặn sai phạm; đôn đốc tổ viên trả nợ, trả lãi đúng hạn.
Thứ ba, thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát theo đúng tinh thần của Văn bản Thỏa thuận số 2976/VBTT ngày 14/12/2006; tổ chức đánh giá, phân loại chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV theo tiêu chí, thang điểm quy định trong Công văn số 896/NHCS-TDNN ngày 21/4/2011 của NHCSXH.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các đối tượng được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước; phổ biến những chính sách mới của Nhà nước về các chương trình tín dụng ưu đãi; các văn bản nghiệp vụ về các chương trình cho vay mới của NHCSXH đến cán bộ, hội viên, nông dân; chỉ đạo cán bộ Hội cơ sở, cán bộ Tổ TK&VV tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích tổ viên tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm tự nguyện.
Thứ năm, phối hợp với NHCSXH tổ chức triển khai thực hiện văn bản số 623/NHCS-TDNN ngày 14/3/2014 về cho vay vốn đối với hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo theo Quyết định số 2621/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ sáu, chỉ đạo việc gắn kết công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, dịch vụ tư vấn cho nông dân và các cấp Hội đang thực hiện công tác ủy thác để giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn hiệu quả.
Có thể khẳng định rằng năm 2014 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực, đoàn kết các cấp Hội Nông dân Việt Nam quyết tâm bám sát mục tiêu, giải pháp của Chính phủ về thực hiện chính sách đảm báo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và từng bước xây dựng Nông thôn mới ngày một tốt đẹp hơn.
Hải Minh