I. Về Nghị định số 41/2010/NĐ-CP.
Câu 1: Gia đình Ông A có đăng ký thường trú tại Thị trấn B, Ông A có được coi là hộ gia đình ở khu vực nông thôn không?
Trả lời: Theo Điều 3 của Nghị định: “Nông thôn là phần lãnh thổ không thuộc nội thành, nội thị các thành phố, thị xã, thị trấn, được quản lý bởi cấp hành chính cơ sở là Uỷ ban nhân dân xã”.
Theo quy định trên, ông A ở khu vực Thị trấn, được quản lý bởi cấp hành chính là Uỷ ban nhân dân thị trấn nên không được coi là thuộc khu vực “Nông thôn” và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.
Câu 2: Như vậy, Ông A không được hưởng cơ chế bảo đảm tiền vay như Nghị định số 41/2010/NĐ-CP quy định?
Trả lời: Nghị định số 41/2010/NĐ-CP là hệ thống các biện pháp, chính sách của Nhà nước (bảo đảm tiền vay; cơ cấu lại nợ; miễn giảm lãi suất; miễn nộp lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm...). Cơ chế bảo đảm tiền vay chỉ là một trong các chính sách đó.
Ông A không được hưởng đầy đủ các chính sách theo quy định tại Nghị định. Tuy nhiên, cũng như các khách hàng là tổ chức, cá nhân khác, nếu Ông A đáp ứng các điều kiện như quy định tại khoản 2 Điều 4 “Quy định thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP...” ban hành kèm theo Quyết định số 881/QĐ-HĐQT-TDHo thì đều được xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản và mức vay có thể còn cao hơn quy định tại Nghị định.
Các điều kiện đó là:
a/ Sử dụng vốn vay có hiệu quả và trả nợ gốc, lãi vốn vay đầy đủ trong quan hệ vay vốn với NHNo Việt Nam hoặc các tổ chức tín dụng khác;
b/ Có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ khả thi, có hiệu quả; hoặc có dự án đầu tư, phương án phục vụ đời sống khả thi phù hợp với quy định của pháp luật;
c/ Có khả năng tài chính để thực hiện nghĩa vụ trả nợ;
d/ Được xếp hạng tín nhiệm theo tiêu chí phân loại khách hàng của NHNo Việt Nam;
đ/ Trường hợp khách hàng có đủ điều kiện được vay không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định tại điểm a, b, c, d nêu trên, NHNo nơi cho vay và khách hàng vẫn có thể thoả thuận về việc bên thứ ba có uy tín, có năng lực tài chính cam kết (bằng văn bản) trả nợ thay, nếu khách hàng vay không trả được nợ.
Các điều kiện này cũng đã được quy định tại Điều 48 “Quy định thực hiện các biện pháp bảo đảm tiền vay...” ban hành kèm theo Quyết định số 1300/QĐ-HĐQT-TDHo.
Câu 3: Đối với hộ gia đình, cá nhân có quan hệ tín dụng lần đầu với NHNo Việt Nam chưa đủ cơ sở để chấm điểm xếp hạng tín nhiệm, cho phép chi nhánh được cho vay không có bảo đảm như hộ gia đình, cá nhân được xếp hạng tín nhiệm?
Trả lời: Cho vay không có bảo đảm mức độ rủi ro rất cao, do đó chi nhánh phải tuân thủ đầy đủ, đúng đắn điều kiện đã quy định.
Câu 4:Hộ gia đình, cá nhân nào được coi là Chủ trang trại?
Trả lời: Theo Điều 3 của Nghị định: “Chủ trang trại là cá nhân, hộ gia đình thực hiện kinh doanh nông nghiệp với quy mô lớn, phù hợp với các quy định của pháp luật”.
Câu 5: Có thể giải thích rõ hơn về khái niệm (thuật ngữ):“Quy mô lớn, phù hợp với các quy định của pháp luật”?
Trả lời: Theo hướng dẫn tại Thông tư Liên tịch số 69/2000/TTLT-BNN-TCTK giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Tổng cục Thống kê thì tiêu chí định lượng để xác định kinh tế trang trại là:
1/ Giá trị sản lượng hàng hoá và dịch vụ bình quân năm:
+ Đối với các tỉnh phía Bắc và Duyên hải miền Trung: từ 40 triệu đồng trở lên;
+ Đối với các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên: từ 50 triệu đồng trở lên.
2/ Quy mô sản xuất phải tương đối lớn và vượt trội so với kinh tế nông hộ tương ứng với từng ngành sản xuất và vùng kinh tế:
a/ Đối với trang trại trồng trọt:
a.1. Trang trại trồng cây hàng năm
+ Từ 02 ha trở lên đối với các tỉnh phía Bắc và Duyên hải miền Trung;
+ Từ 03 ha trở lên đối với các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên.
a.2. Trang trại trồng cây lâu năm
+ Từ 03 ha trở lên đối với các tỉnh phía Bắc và Duyên hải miền Trung;
+ Từ 05 ha trở lên đối với các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên.
+ Từ 0,5 ha trở lên đối với cây trồng là trồng hồ tiêu.
a.3. Trang trại Lâm nghiệp: Từ 10 ha trở lên đối với các vùng trong cả nước
b/ Đối với trang trại chăn nuôi
b.1. Chăn nuôi đại gia súc: trâu, bò, vv...
+ Chăn nuôi sinh sản, lấy sữa có thường xuyên từ 10 con trở lên;
+ Chăn nuôi lấy thịt có thường xuyên từ 50 con trở lên.
b.2. Chăn nuôi gia súc: lợn, dê, vv...
+ Chăn nuôi sinh sản: có thường xuyên từ 100 con trở lên (đối với dê, cừu) và từ hơn 20 con trở lên (đối với lợn, vv...);
+ Chăn nuôi lấy thịt: từ 100 con trở lên, nhưng không kể lợn sữa (đối với lợn); từ 200 con trở lên (đối với dê, cừu);
b.3. Chăn nuôi gia cầm: gà, vịt, ngan, ngỗng...có thường xuyên từ 2.000 con trở lên (không tính số đầu con dưới 7 ngày tuổi).
c/ Trang trại nuôi trồng thuỷ sản: diện tích mặt nước để nuôi trồng có từ 02 ha trở lên (riêng đối với nuôi tôm thịt theo kiểu nuôi công nghiệp có từ 01 ha trở lên).
d/ Đối với các loại sản phẩm nông lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản có tính chất đặc thù như: trồng hoa, cây cảnh, trồng nấm, nuôi ong, giống thuỷ sản và đặc thuỷ sản thì áp dụng tiêu chí 1 (giá trị sản lượng hàng hoá).
Theo thực tế, các tiêu chí trên đã không còn phù hợp, Bộ NN&PTNT đang có kế hoạch sửa đổi, thay thế quy định này.
Trong khi chưa sửa đổi vẫn áp dụng các tiêu chí này để xác định.
Câu 6: Gia đình Ông Nguyễn Văn Hai được Uỷ ban nhân dân xã xác nhận thuộc khu vực nông thôn, có nhu cầu vay vốn để đi lao động có thời hạn ở nước ngoài (xuất khẩu lao động) có được áp dụng cơ chế bảo đảm tiền vay như Nghị định quy định không?
Trả lời: Vay để đi lao động có thời hạn ở nước ngoài là nhằm mục đích xoá đói giảm nghèo và từng bước nâng cao đời sống như Điều 1 của Nghị định đã quy định. Như vậy thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định và được áp dụng cơ chế bảo đảm tiền vay như Nghị định quy định.
Câu 7: Trường hợp nào thì được áp dụng mức tối đa?
Trả lời: Để được cho vay không có bảo đảm ở mức tối đa, khách hàng vay phải thoả mãn điều kiện “cần và đủ”.
- Điều kiền “cần” là phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 881/QĐ-HĐQT-TDHo.
- Điều kiện “đủ” là phải căn cứ vào các yếu tố sau:
+ Tổng mức đầu tư (chi phí) của dự án, phương án SXKD;
+ Số vốn tự có tối thiểu theo quy định hiện hành của NHNo Việt Nam (ngắn hạn là 10% và trung dài hạn là 20%);
+ Nguồn vốn tự huy động khác của khách hàng vay (nếu có);
+ Tính khả thi, hiệu quả của dự án, phương án SXKD;
+ Khả năng trả nợ của khách hàng vay.
Như vậy, không phải bất cứ khoản vay nào cũng áp dụng mức tối đa như quy định.
Ví dụ 1: Tổng chi phí xây dựng chuồng trại đầu tư dự án nuôi gà của Ông Hai là 70 triệu đồng; Ông Hai đã có 20 triệu (bằng tiền mặt và vật liệu xây dựng); Doanh nghiệp chế biến ký hợp đồng tiêu thụ và ứng trước 10 triệu trong thời gian 1 năm (sẽ được khấu trừ khi thu mua sản phẩm). Như vậy, nếu dự án của Ông Hai khả thi, có hiệu quả, khả năng trả nợ tốt thì Ông Hai được vay tối đa 40 triệu không có bảo đảm bằng tài sản.
Nếu Ông Hai không có nguồn ứng trước (10 triệu đồng) thì được vay đến 50 triệu đồng không có bảo đảm bằng tài sản.
Ví dụ 2: Anh A có nhu cầu vay vốn đi lao động có thời hạn tại Malayxia; theo hợp đồng ký với doanh nghiệp, tổng chi phí anh A phải bỏ ra là 50 triệu đồng. Theo quy định hiện hành, NHNo sẽ cho vay tối đa 80% tổng chi phí. Như vậy nếu đủ điều kiện, anh A được vay tối đa không có bảo đảm đến 42,5 triệu đồng.
Câu 8: Ông Nguyễn Văn Tư được chi nhánh A phê duyệt cho vay 300 triệu đồng để thực hiện dự án nuôi tôm công nghiệp. Trường hợp này áp dụng cơ chế bảo đảm tiền vay theo Nghị định 41 như thế nào?
Trả lời: Nếu ông Tư đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Quyết định số 881/QĐ-HĐQT-TDHo của NHNo Việt Nam thì được cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đến 50 triệu đồng; số tiền còn lại (250 triệu đồng) ông Tư phải thế chấp, cầm cố, bảo lãnh bằng tài sản theo quy định hiện hành của NHNo Việt Nam.
Nếu ông Tư là chủ trang trại thì được xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đến 200 triệu đồng, số còn lại (100 triệu đồng) ông Tư phải thế chấp, cầm cố, bảo lãnh bằng tài sản.
Khi đăng ký giao dịch bảo đảm, ông Tư không phải nộp lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của Bộ Tài chính.
Câu 9: Thế nào là Hộ kinh doanh?
Trả lời: Điều 49 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định:
1. Hộ kinh doanh do một cá nhân là công dân Việt Nam hoặc một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng không quá mười lao động, không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
2. Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành nghề có điều kiện. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.
3. Hộ kinh doanh có sử dụng thường xuyên hơn mười lao động phải chuyển đổi sang hoạt động theo hình thức Doanh nghiệp.
Câu 10: Tại sao đã cho vay không có bảo đảm bằng tài sản nhưng vẫn yêu cầu khách hàng vay nộp bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử đất và đất không có tranh chấp. Đây có phải là biện pháp bảo đảm tiền vay?
Trả lời: Việc giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy xác nhận của UBND xã không phải là biện pháp bảo đảm tiền vay; TCTD (nơi cho vay) giữ các loại giấy tờ này chỉ nhằm hạn chế việc khách hàng sử dụng để cùng một lúc vay và có dư nợ tại nhiều TCTD dẫn đến rủi ro trong hoạt động ngân hàng.
Câu 11: NHNo nơi cho vay có phải đăng ký thông tin tài sản bảo đảm không?Khi trích lập dự phòng rủi ro thì tính tỷ lệ khấu trừ (giá trị C) như thế nào? Có được xử lý (phát mại) để thu hồi nợ không?
Trả lời:
- Vì không phải áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay nên NHNo nơi cho vay không phải nhập thông tin tài sản bảo đảm theo quy định; tuy nhiên “Bộ phận kế toán của NHNo nơi cho vay phải nhận, bảo quản tại kho các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp theo quy định hiện hành của NHNo Việt Nam như đối với giấy tờ có giá”.
- Khi trích lập dự phòng rủi ro, NHNo nơi cho vay không tính giá trị khấu trừ (giá trị C trong công thức tính bằng “không” ).
- Trong trường hợp khách hàng không trả đầy đủ, đúng hạn nợ gốc và lãi vay, NHNo nơi cho vay không được xử lý (phát mại) giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp để thu hồi nợ.
Câu 12: Sau khi vay, do ảnh hưởng của các nguyên nhân khách quan (thiên tai, dịch bệnh...) dẫn đến khó khăn về tài chính, khách hàng vay không trả được nợ đúng hạn, các TCTD (trong đó có NHNo Việt Nam) có cơ chế hỗ trợ thế nào?
Trả lời:
- Trường hợp khách hàng gặp khó khăn về tài chính, chưa trả được nợ đúng hạn do nguyên nhân khách quan (thiên tai, dịch bệnh...) NHNo nơi cho vay xem xét thực hiện cơ cấu lại nợ (gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ) theo quy định hiện hành.
- Trường hợp khách hàng đang có nợ cơ cấu lại, có nhu cầu vay mới để SXKD hoặc khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, NHNo nơi cho vay căn cứ vào tính khả thi, hiệu quả của dự án, phương án SXKD và khả năng trả được nợ của khách hàng để xem xét cho vay mới mà không phụ thuộc vào dư nợ cũ chưa trả nợ đúng hạn của khách hàng.
- Trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, có thông báo của cấp có thẩm quyền (UBND tỉnh, thành phố hoặc Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT), NHNo nơi cho vay được xem xét cho khoanh nợ tối đa là 02 năm và không tính lãi cho người vay đối với số dư nợ hiện còn tại thời điểm thiên tai, dịch bệnh xảy ra theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam và hướng dẫn của NHNo Việt Nam.
Câu 13: Trường hợp khách hàng đang có nợ cơ cấu lại (thuộc nhóm 2, 3 hoặc 4), được NHNo cho vay mới, số dư nợ mới cho vay được phân loại vào nhóm nào?
Trả lời: Theo quy định hiện hành về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, nếu khách hàng có từ hai (02) khoản vay trở lên tại một chi nhánh (hoặc TCTD) mà bất cứ khoản vay nào bị phân loại vào nhóm nợ có độ rủi ro cao hơn thì các khoản vay còn lại đều được phân loại vào nhóm có rủi ro cao nhất đó.
Như vậy, nếu khách hàng đã có nợ nhóm 4 thì khoản vay mới cũng phân loại vào nhóm 4.
Câu 14: Ông Hà Văn Hồng có mua bảo hiểm “bảo an tín dụng” tại Công ty cổ phần Bảo hiểm NHNo Việt Nam (ABIC), khi vay vốn NHNo Việt Nam có được hưởng chế độ ưu đãi gì?
Trả lời: Khoản 4 Điều 6 của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 881/QĐ-HĐQT-TDHo đã nêu rõ: “Đối với khách hàng có tham gia mua bảo hiểm trong nông nghiệp, NHNo Việt Nam có chính sách miễn, giảm lãi phù hợp với khả năng tài chính từng thời kỳ và căn cứ vào số tiền, thời gian mua bảo hiểm của khách hàng”.
Như vậy, đối với những khách hàng mua bảo hiểm thường xuyên, NHNo Việt Nam sẽ có chính sách ưu đãi về việc miễn, giảm lãi tiền vay.
Câu 15: Trách nhiệm của UBND xã khi xác nhận đất đang sử dụng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và không có tranh chấp được quy định như thế nào trong Nghị định? Làm thế nào để hạn chế rủi ro khi UBND xã xác nhận không đúng, xác nhận 02 lần...?
Trả lời: Các chi nhánh cần xây dựng và báo cáo với Cấp uỷ, Chính quyền địa phương về Đề án mở rộng và nâng cao chất lượng đầu tư vốn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố có văn bản “Chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND cấp dưới trong việc hỗ trợ các TCTD thẩm định, cho vay, thu hồi nợ vay theo quy định của pháp luật”, trong đó quy định rõ trách nhiệm của UBND xã khi xác nhận không đúng, xác nhận 02 lần...dẫn đến rủi ro trong đầu tư tín dụng của NHNo nơi cho vay.
II. Về Quyết định số 666/QĐ-HĐQT-TDHo.
Câu 1: Theo quy định tại khoản 2 Điều 3: “Ân hạn là khoảng thời gian từ ngày khách hàng nhận tiền vay lần đầu tiên cho đến ngày trước liền kề ngày bắt đầu của kỳ hạn trả nợ gốc đầu tiên”. Tuy nhiên theo IPCAS có khái niệm ân hạn nợ gốc và lãi. NHNo Việt Nam cần quy định thống nhất?
Trả lời: Nếu Trung tâm Công nghệ thông tin khi xây dựng phần mềm IPCAS có quy định ân hạn nợ lãi là không đúng. Tổng giám đốc sẽ chỉ đạo Trung tâm sửa quy định này cho phù hợp với quy định tại Quyết định số 666/QĐ-HĐQT-TDHo.
Câu 2: Thời gian ân hạn nợ gốc có nằm ngoài thời hạn cho vay?
Trả lời: Thời hạn cho vay là khoảng thời gian được tính từ khi khách hàng bắt đầu nhận vốn vay cho đến thời điểm trả hết nợ gốc và lãi vốn vay đã được thỏa thuận trong Hợp đồng tín dụng giữa NHNo Việt Nam và khách hàng.
Như vậy, thời gian ân hạn nợ gốc phải là một phần của thời hạn cho vay (không nằm ngoài thời hạn cho vay).
Câu 3: Trường hợp chủ hộ giao dịch vay vốn với NHNo nơi cho vay, nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên thành viên khác trong gia đình thì người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có phải lập ủy quyền không?
Trả lời: NHNo nơi cho vay phải kiểm tra để xác định tên người sử dụng đất được ghi như thế nào: người sử dụng đất là cá nhân (trong nước) hay là người Việt Nam định cư ở nước ngoài; hoặc ghi tên chủ hộ (người sử dụng đất là hộ gia đình); hoặc ghi cả tên vợ và chồng (quyền sử dụng đất là tài sản chung của cả vợ và chồng)…
Nếu quyền sử dụng đất là tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình thì phải lập giấy ủy quyền hoặc khi nhận làm bảo đảm tiền vay phải lập Hợp đồng thế chấp bằng tài sản của bên thứ ba theo mẫu số 5B1 ban hành kèm theo Quyết định số 1300/QĐ-HĐQT-TDHo.
Câu 4: Căn cứ vào văn bản/quy định nào để xác định năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự của cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam?
Trả lời: Theo Điều 6 và Điều 7 Nghị định số 138/2006/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2006 thì “Trong trường hợp cá nhân là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, thì năng lực pháp luật dân sự của cá nhân đó được xác định theo các quy định từ Điều 14 đến Điều 16 của Bộ Luật dân sự” và “Trong trường hợp cá nhân là người nước ngoài xác lập, thực hiện giao dịch dân sự tại Việt Nam thì năng lực hành vi dân sự của cá nhân là người nước ngoài đó được xác định theo quy định từ Điều 17 đến Điều 23 của Bộ Luật dân sự”.
Câu 5: Trường hợp khách hàng là hộ gia đình, cá nhân, NHNo nơi cho vay cần lưu giữ tài liệu, giấy tờ gì để làm căn cứ chứng minh không có nợ nhóm 4, nhóm 5 tại các TCTD khác?
Trả lời: Điểm 3.3 khoản 3 Điều 7 quy định: “Đối với hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp vay vốn không phải bảo đảm bằng tài sản, giao cho giám đốc NHNo nơi cho vay xem xét, quyết định có thể không khai thác, thu thập thông tin về tình hình nợ nhóm 4, nhóm 5 tại các tổ chức tín dụng khác”.
Như vậy, nếu NHNo nơi cho vay xét thấy cần thiết và quyết định vẫn phải khai thác thông tin từ các TCTD khác thì văn bản trả lời của CIC, Trung tâm phòng ngừa và xử lý rủi ro … là những tài liệu, giấy tờ cần lưu giữ cùng hồ sơ vay vốn.
Câu 6: Theo quy định tại khoản 1 Điều 13: “Trường hợp định giá lại tài sản bảo đảm, nếu giá trị tài sản giảm thấp so với lần định giá ban đầu thì mức cho vay hoặc dư nợ cũng giảm theo tương ứng”. Vậy thời gian để giảm dư nợ bao nhiêu ngày/tháng là hợp lý? Nếu giá trị tài sản tăng lên có được cho vay tăng thêm không?
Trả lời: Thời gian để giảm dư nợ (bao nhiêu ngày/tháng) là do NHNo nơi cho vay và khách hàng thỏa thuận tùy theo khả năng trả nợ và yêu cầu an toàn vốn vay…
Trường hợp giá trị tài sản tăng lên, NHNo nơi cho vay có thể xem xét cho vay tăng thêm. Tuy nhiên cần kiểm soát chặt chẽ việc xác định giá trị tài sản, tránh trường hợp cán bộ tín dụng thông đồng với khách hàng thỏa thuận tăng giá trị tài sản tùy tiện, không có căn cứ để cho vay tăng thêm.
Câu 7: Đối với các mẫu biểu khác (ngoài Hợp đồng tín dụng) các chi nhánh có được sửa đổi, bổ sung không?
Trả lời: Không được sửa đổi, bổ sung trừ 02 mẫu sau:
- Đối với mẫu 01B/CV, NHNo nơi cho vay bỏ 01 dòng: “Hiện cư trú tại….. xã (phường) ….. Huyện (quận, thị xã) ……. Tỉnh (thành phố) …..”.
- Đối với mẫu 01G/CV phần “ghi chú”, NHNo nơi cho vay bỏ đoạn: “Phải ghi cụ thể từng đối tượng vay vốn (…)”.
Câu 8: Nhân viên cơ quan công chứng không chứng nhận vào Điều lệ doanh nghiệp (vì không có đóng dấu của doanh nghiệp mà chỉ có chữ ký của các thành viên góp vốn). Chi nhánh có được chấp thuận cho doanh nghiệp nộp bản sao không?
Trả lời: Chi nhánh được chấp thuận cho doanh nghiệp nộp bản “sao y bản chính”. Tuy nhiên, cán bộ tín dụng phải có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu giữa bản sao và bản gốc (bản chính) để bảo đảm tính hợp pháp.
Câu 9: Trong trường hợp doanh nghiệp chưa được kiểm toán thì trong bộ hồ sơ kinh tế có bắt buộc phải có báo cáo kiểm toán không?
Trả lời: Không bắt buộc phải có.
Câu 10: NHNo nơi cho vay có phải lưu giữ các hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, các chứng từ liên quan đến sử dụng vốn vay không?
Trả lời: NHNo nơi cho vay không phải lưu giữ các hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, các chứng từ liên quan đến sử dụng vốn vay (trừ trường hợp cho vay hỗ trợ lãi suất theo quy định của Chính phủ hoặc pháp luật có quy định khác). Để hạn chế rủi ro, tránh tình trạng khách hàng quay vòng hóa đơn, chứng từ… để vay vốn nhiều lần, nhiều nơi, khi cho vay NHNo nơi cho vay phải ghi trên hóa đơn, chứng từ liên quan dòng chữ: “đã cho vay số tiền…. đồng (USD) ngày…. tháng … năm… và ký, ghi rõ họ, tên cán bộ tín dụng”.
Câu 11: Đối với khoản vay vượt quyền phán quyết của Phòng giao dịch, đề nghị NHNo Việt Nam cho phép giám đốc chi nhánh được ủy quyền cho giám đốc phòng giao dịch ký kết hợp đồng?
Trả lời: Đối với khoản vay vượt quyền phán quyết, sau khi thẩm định, nếu đồng ý cho vay các cán bộ có liên quan của phòng giao dịch phải ghi rõ ý kiến phê duyệt (số tiền, thời hạn, lãi suất cho vay…), sau đó gửi toàn bộ hồ sơ và kèm theo tờ trình lên ngân hàng cấp trên trực tiếp để xem xét, phê duyệt khoản vay. Nếu đồng ý cho vay, giám đốc ngân hàng cấp trên trực tiếp sẽ thông báo bằng văn bản cho phòng giao dịch để hạch toán kế toán, giải ngân… theo quy định và có thể ủy quyền cho giám đốc phòng giao dịch ký kết hợp đồng.
Việc ủy quyền thường xuyên ký kết hợp đồng bảo đảm tiền vay và hợp đồng tín dụng thực hiện theo quy định tại Quyết định số 2171/QĐ-NHNo-PC ngày 25 tháng 12 năm 2007 và Quyết định số 855/QĐ-NHNo-PC ngày 08 tháng 7 năm 2010.
Câu 12: Điểm 3.5 khoản 3 Điều 17 quy định:“Hồ sơ khoản vay sau khi được ký duyệt cho vay, được chuyển cho kế toán thực hiện nghiệp vụ hạch toán kế toán, thanh toán… và khoản 3 Điều 32 quy định trách nhiệm của “cán bộ kế toán cho vay” là không phù hợp với hệ thống IPCAS?
Trả lời: Trong trường hợp giao dịch một cửa, cán bộ tín dụng đồng thời là kế toán cho vay (giao dịch viên) nên sẽ trực tiếp thực hiện nghiệp vụ hạch toán kế toán, thanh toán… và đồng thời phải chịu trách nhiệm thực hiện các công việc như quy định tại khoản 3 Điều 32.
Câu 13: Có khoản vay chia thành 4 kỳ hạn trả nợ: 01/02/2011; 01/02/2012; 01/02/2013; 01/02/2014. Đến 01/02/2011 khách hàng không trả được nợ, NHNo nơi cho vay có thể dư nợ gốc sang kỳ thứ 3 là ngày 01/02/2013 được không?
Trả lời: Về nguyên tắc có thể thực hiện được. Nhưng cần xem xét, đánh giá trên 02 phương diện trước khi thực hiện:
+ Trách nhiệm các cán bộ có liên quan khi thẩm định, phê duyệt khoản vay.
+ Cơ sở, căn cứ nào để điều chỉnh sang kỳ thứ 3 (tại sao không phân bổ cho 3 kỳ).
Câu 14: Những cán bộ tham gia hội đồng tư vấn tín dụng có được cho vay không?
Trả lời: Các cán bộ, nhân viên không thuộc đối tượng quy định tại Điều 26 đều được xem xét cho vay nếu đủ điều kiện theo quy định.
Câu 15: Trên giấy đề nghị vay vốn có ghi đầy đủ các thành viên trong gia đình, nhưng có người đi làm ăn, công tác ở xa, không thể lấy được chữ ký, có thể coi là hợp lệ?
Trả lời: Theo hướng dẫn ghi trên giấy đề nghị vay vốn, NHNo nơi cho vay yêu cầu khách hàng “ghi đầy đủ các thành viên trong gia đình (từ 18 tuổi trở lên)”, không bắt buộc phải lấy đủ chữ ký của các thành viên đó. Nếu vì lý do đặc biệt không thể lấy đủ chữ ký các thành viên trong gia đình, vẫn được coi là hợp lệ.
Câu 16: Trên giấy đề nghị vay vốn, có bắt buộc phải ghi cụ thể các đối tượng vay vốn? Trường hợp danh mục vật tư hàng hóa quá nhiều không thể ghi chi tiết trên giấy đề nghị vay vốn, có thể lập bảng kê đính kèm không?
Trả lời:
- Việc yêu cầu ghi cụ thể các đối tượng vay vốn là bắt buộc, nhằm:
+ Giúp cho cán bộ thẩm định, quyết định cho vay có cơ sở xác định đúng đắn các chi phí cần thiết, hợp lý khi thực hiện dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh.
+ Là cơ sở để kiểm tra, đánh giá việc sử dụng vốn vay của khách hàng có đúng hay không đúng với thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng.
+ Là cơ sở để thống kê, báo cáo chính xác, trên cơ sở đó giúp cho công tác quản trị, điều hành tín dụng có hiệu quả.
- NHNo nơi cho vay hướng dẫn khách hàng lập bảng kê đính kèm trong trường hợp danh mục vật tư hàng hóa quá nhiều không thể ghi chi tiết trên giấy đề nghị vay vốn.
Câu 17: Việc quy định: “chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày giải ngân, cán bộ tín dụng phải kiểm tra việc sử dụng vốn vay và tài sản bảo đảm tiền vay” rất khó thực hiện đối với trường hợp các doanh nghiệp được cho vay theo hạn mức tín dụng?
Trả lời: Hiện tại Ban kiểm tra kiểm soát nội bộ đang dự thảo quy định về quy trình kiểm tra sau khi cho vay. Trong khi chưa ban hành văn bản, các chi nhánh tạm thời thực hiện quy định trên đối với trường hợp doanh nghiệp vốn không quá 01 lần/tháng.
Câu 18: Thu lãi quá hạn trong trường hợp khách hàng có nợ quá hạn do một phần nợ gốc của một kỳ hạn không trả nợ đầy đủ, đúng hạn thực hiện như thế nào?
Trả lời: Ngày 16 tháng 4 năm 2002, NHNN Việt Nam có công văn số 405/NHNN-CSTT “V/v hướng dẫn thực hiện quy định về chuyển nợ quá hạn”. Tại tiết b Điểm 1 có nêu: “b/ Đến kỳ hạn trả nợ gốc trong thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong HĐTD, nếu khách hàng không trả nợ đúng hạn số nợ gốc phải trả của kỳ hạn đó và không được TCTD chấp thuận điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc thì TCTD chuyển toàn bộ số dư nợ gốc thực tế còn lại của HĐTD đó sang nợ quá hạn”.
Và tại tiết b Điểm 3 có nêu: “Đối với dư nợ quá hạn chuyển theo trường hợp b Điểm 1 của văn bản này, thì chỉ áp dụng lãi suất nợ quá hạn đối với phần dư nợ gốc của kỳ hạn mà khách hàng không trả được đúng hạn; đối với phần dư nợ gốc chưa đến kỳ hạn trả nợ nhưng phải chuyển nợ quá hạn thì TCTD áp dụng mức lãi suất cho vay trong hạn đã thỏa thuận trước đó trong HĐTD.
Như vậy, các chi nhánh chỉ áp dụng lãi suất nợ quá hạn đối với phần dư nợ gốc của kỳ hạn mà khách hàng không trả được đúng hạn.
Câu 19: Khi cho vay hộ gia đình theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP có thể dùng hợp đồng tín dụng thay cho sổ vay vốn được không?
Trả lời: Chi nhánh được dùng hợp đồng tín dụng thay cho sổ vay vốn.
Câu 20: Trong thực tế có đối tượng đầu tư (cho vay nuôi tôm hùm) không thể thu hồi vốn trong vòng 12 tháng/kỳ. Có thể định kỳ hạn nợ gốc dài hơn không?
Trả lời: Việc định kỳ hạn nợ gốc phải theo quy định tại Quyết định số 666/QĐ-HĐQT-TDHo. Chi nhánh cần khuyến cáo khách hàng vay thực hiện thả tôm theo nhiều tháng tuổi tại các lồng khác nhau và theo cách “gối vụ” để thường xuyên có thu nhập quay vòng, trả nợ vốn vay.