|
Nguồn vốn ủy thác giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội đầu tư sản xuất, thâm canh, tăng năng suất, tăng thu nhập cho gia đình |
Đến hết năm 2019, 100% Hội ND cấp tỉnh, huyện đã ký Văn bản liên tịch với Ngân hàng CSXH cùng cấp. 85,8% tổng số Hội ND cấp xã trong cả nước đã ký Hợp đồng ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH cấp huyện.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện ủy thác luôn được Ban Thường vụ Hội ND các cấp quan tâm. Ở mỗi cấp đều phân công 01 đồng chí lãnh đạo trực tiếp phụ trách và bố trí cán bộ hoặc bộ phận chuyên trách theo dõi, tổ chức thực hiện.
Có 04/06 khu vực dư nợ ủy thác tăng trên 3.500 tỷ đồng so với cuối năm 2014 gồm: Trung du và miền núi phía Bắc 12.274 tỷ đồng, tăng 4.426 tỷ đồng (+56,39%); đồng bằng Sông Hồng 10.898 tỷ đồng, tăng 3.502 tỷ đồng (+47,35%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 17.928 tỷ đồng, tăng 5.254 tỷ đồng (+41,45%); đồng bằng Sông Cửu Long 11.684 tỷ đồng, tăng 3.948 tỷ đồng (+51,03%).
Hiện tại, Thanh Hóa là đơn vị có dư nợ ủy thác cao nhất đạt 3.221 tỷ đồng; có 23 đơn vị dư nợ cao trên 1.000 tỷ đồng, gồm Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, Thái Nguyên, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Tây Ninh, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang; còn lại 40 đơn vị có dư nợ từ 500 - dưới 1.000 tỷ đồng.
Trong các chương trình tín dụng uỷ thác qua Hội ND có 07 chương trình dư nợ chiếm tỷ trọng lớn trên 3.000 tỷ đồng (hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường, học sinh sinh viên, giải quyết việc làm, hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn) với tổng dư nợ đạt 59.735 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 93.7%, còn lại các chương trình khác có tổng dư nợ 4.015 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 6,3%.
Công tác tuyên truyền, phổ biến về chính sách tín dụng ưu đãi được các cấp Hội triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Thông tin bằng tờ rơi, trên báo, tạp chí, bản tin công tác Hội, đặc biệt trên nền tảng điện tử của Hội (cổng thông tin, Website, báo, tạp chí điện tử....), Đài phát thanh, đài truyền thanh cấp huyện, hệ thống truyền thanh của xã, phường, thị trấn; các cuộc sinh hoạt chi, tổ Hội, Câu lạc bộ nông dân, Tổ TK&VV, các lớp tập huấn cán bộ Hội; thông qua các cuộc thi do Hội ND và Ngân hàng CSXH tổ chức như: Tổ trưởng Tổ TK&VV giỏi, Nghiệp vụ giỏi, tài năng văn nghệ Ngân hàng CSXH các cấp; tìm hiểu về Chỉ thị 40 - CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”...
Năm năm qua, các cấp Hội đã ban hành hàng nghìn văn bản các loại để chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn thực hiện công tác tuyên truyền. Cung cấp, phối hợp với các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương xây dựng hàng trăm tin bài, phóng sự tuyên truyền, phản ánh về hoạt động tín dụng ủy thác giữa Hội ND với Ngân hàng CSXH phát trên sóng truyền hình; tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm tổng kết 15 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách tại địa phương... Riêng ở Trung ương Hội đã biên tập, in ấn và phát hành hàng vạn bản tài liệu tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước chuyển đến Hội cấp dưới; xây dựng hàng loạt tin, bài thường kỳ về hoạt động ủy thác phát trên kênh VOV Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nông thôn Ngày nay, Tạp chí Nông thôn mới; xây dựng chuyên trang Quỹ HTND nhằm giúp hội viên, nông dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách.
Mỗi năm, các cấp Hội đã thực hiện hàng nghìn cuộc kiểm tra về hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Riêng ở Trung ương Hội, hàng năm, Ban chuyên môn theo dõi trực tiếp tổ chức Đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác từ 25- 30 tỉnh, thành Hội. Tại mỗi tỉnh kiểm tra 02 huyện, 04 xã, 08 - 10 Tổ TK&VV và 05 - 10 hộ vay. Cùng với đó, trong các hoạt động khác của Thường trực và các Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội tại địa phương đều gắn với công tác kiểm tra, đánh giá hoạt động ủy thác của Hội. Các Ban, đơn vị chuyên môn khác và Đoàn công tác của Trung ương Hội đều tham gia tuyên truyền, nắm bắt, phản ảnh về hoạt động ủy thác.
Sau các cuộc kiểm tra đều có văn bản thông báo cho đơn vị được kiểm tra biết những ưu điểm, hạn chế để kịp thời khắc phục.
Nhờ có vốn kịp thời, hộ nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội đầu tư sản xuất, thâm canh, tăng năng suất, tăng thu nhập cho gia đình, vươn lên thoát nghèo và làm giàu, bộ mặt nông thôn thay đổi, góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, đẩy lùi “tín dụng đen”, tích cực thực hiện chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2014 từ 5,8% xuống còn dưới 4% vào cuối năm 2019.