Yên Bái: Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH
08:49 - 04/03/2020
(Quỹ HTND)- Những năm qua, Hội ND các cấp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt việc nhận ủy thác nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, giúp người nông dân có điều kiện xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Đàn trâu gia đình chị Hoàng Thị Thắm, bản Bát, xã Thạch Lương, huyện Văn Chấn

Hiện, các cấp Hội đang quản lý tổng dư nợ 735 tỷ đồng từ chương trình ủy thác với Ngân hàng CSXH cho 23.500 hộ nông dân vay thông qua 677 Tổ TK&VV.


Nhiều Hội ND các cấp cơ sở đã làm tốt hoạt động nhận ủy thác như là: Hội ND huyện Lục Yên cho 3.796 hộ vay, dư nợ 112.438 tỷ đồng thông qua 86 Tổ TK&VV; Hội ND huyện Mù Cang Chải hiện đang quản lý hơn 53 tỷ đồng vốn vay ủy thác từ Ngân hàng CSXH với 49 Tổ TK&VV, cho 1.731 lượt hộ hội viên vay…


Đến nay, đã có 9/9 Hội ND cấp huyện ký văn bản liên tịch với Ngân hàng CSXH, 164/180 Hội cấp xã ký Hợp đồng uỷ thác với Ngân hàng CSXH. Số tổ TK&VV do Hội ND quản lý đạt 677 Tổ, 23.769 hộ nông dân vay với dư nợ 770.514 triệu đồng.


Hầu hết các hộ vay vốn đều chấp hành nghiêm việc trả lãi hàng tháng và trả nợ gốc khi đến hạn. Số Tổ TK&VV đạt loại tốt chiếm 99%, số tổ khá chiếm 1%, không có tổ yếu, kém.


Từ các nguồn vốn vay ủy thác của Hội, nhiều gia đình hội viên, nông dân đã được tiếp cận nguồn vốn để cải tạo công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, phát triển trồng trọt, chăn nuôi, làm nghề… Thông qua đó, hội viên, nông dân mạnh dạn đưa các giống cây, con mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ, xây dựng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Nhiều hội viên từ hộ nông dân nghèo, sản xuất nhỏ lẻ đã trở thành các chủ trang trại có quy mô lớn, sản xuất nông sản hàng hóa, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần xây dựng nông thôn mới. 


Anh Mai Văn Tình, thôn Khang Chính, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, trước đây là một trong những hộ khó khăn của xã. Đầu năm 2016, được vay 50 triệu đồng của Ngân hàng CSXH, anh đầu tư phát triển mô hình tổng hợp, trồng 2 ha quế, 4 ha cây ăn quả có múi, cải tạo 1.000 m2 ao nuôi cá, 150 m2 ao nuôi ba ba. Từ những kiến thức được học thông qua các lớp tập huấn về chăn nuôi, áp dụng đúng quy trình về vệ sinh phòng dịch, đến nay thu nhập hàng năm của gia đình đạt gần 200 triệu đồng/năm.


Hay như gia đình chị Hoàng Thị Thắm, ở bản Bát, xã Thạch Lương, huyện Văn Chấn được Hội ND xã bảo lãnh cho vay 30 triệu đồng mua một trâu nái sinh sản, sau một năm, trâu đẻ thêm một nghé và cơ bản thoát nghèo. Năm 2017, chị được vay thêm 50 triệu đồng nữa nên chuyển hướng sang mua trâu nuôi vỗ béo để bán. Năm nay, nuôi được bốn trâu, bình quân mỗi trâu lãi từ 5 - 7 triệu đồng, thời gian nuôi vỗ 3 - 5 tháng, hiệu quả hơn nhiều so với nuôi trâu sinh sản


Bên cạnh đó, Hội cũng làm tốt công tác vận động các hộ vay vốn gửi tiết kiệm, đến nay 100% số Tổ TK&VV do Hội quản lý có số dư tiết kiệm, 99% số hộ vay tham gia gửi tiết kiệm.


Với việc mang nguồn vốn đến với hội viên nông dân đặc biệt là các hộ nghèo, hộ chính sách đã góp phần nâng cao vị thế của Hội ND các cấp, thu hút nhiều hội viên tin tưởng tham gia vào tổ chức Hội.
 
Hà Giang
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường