Đòn bẩy hỗ trợ người nghèo
10:54 - 11/02/2020
Thời gian qua, NHCSXH tỉnh Hưng Yên đã tích cực phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể triển khai có hiệu quả chương trình cho vay giải quyết việc làm, từ đó tạo đòn bẩy hỗ trợ người lao động mở rộng SXKD, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

NHCSXH tỉnh Hưng Yên giải ngân vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã

Để góp phần giữ ổn định đời sống và phát triển SXKD của người dân, các cấp, ngành của tỉnh thực hiện nhiều biện pháp giải quyết vấn đề lao động và việc làm. Một trong những biện pháp thiết thực đó là tạo điều kiện về vốn, hỗ trợ kỹ thuật và khuyến khích người nông dân đầu tư phát triển SXKD. Là đơn vị giải ngân cho vay nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ trên địa bàn, NHCSXH tỉnh luôn quan tâm triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng. Đối với chương trình cho vay giải quyết việc làm, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền những ưu đãi của nguồn vốn vay đến người dân, ngân hàng tiến hành thẩm định, giải ngân cho vay thuận lợi, nhanh chóng các dự án vay vốn. Cùng với các chương trình cho vay hộ nghèo, cho vay HSSV, NS&VSMTNT…, hàng trăm tỷ đồng vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Thông qua Quỹ quốc gia về việc làm, NHCSXH tỉnh đã hỗ trợ cho vay nhiều đối tượng lao động yếu thế, người khuyết tật, lao động khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động SXKD, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình, cộng đồng.


Giám đốc NHCSXH tỉnh Nguyễn Thị Xuân cho biết: “Đây là một trong số các chương trình tín dụng hiệu quả nhất trong các chương trình tín dụng của NHCSXH tỉnh thời gian qua. Các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, chủ yếu đầu tư vào phát triển trang trại, nâng cao hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi, SXKD, giúp thoát nghèo bền vững”. Trong quá trình triển khai, cùng với tăng cường tuyên truyền, giải ngân cho các đối tượng vay vốn, NHCSXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức hội, đoàn thể thực hiện đầu tư cho các chương trình, dự án sử dụng nhiều lao động, hỗ trợ phát triển ngành nghề, từ đó góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong năm 2019, NHCSXH tỉnh đã giúp cho 1.755 dự án được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, qua đó có 2,4 nghìn lao động được tạo việc làm ổn định. Hầu hết các dự án vay vốn được đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, phát triển nghề phụ, nghề truyền thống và kinh doanh tổng hợp.


Trong tổng số các dự án cho vay, dự án thuộc kinh tế hộ gia đình chiếm đa số, tập trung ở vùng nông thôn, chủ yếu thu hút lực lượng lao động nông nghiệp nhàn rỗi. Đến hết năm 2019, dư nợ cho vay giải quyết việc làm đạt trên 126 tỷ đồng, tăng 31,3 tỷ đồng so với ngày 31/12/2018. Toàn tỉnh có 3.496 khách hàng còn dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm. Với cách triển khai cho vay thiết thực, với đúng nhu cầu, đối tượng cho vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm đã xuất hiện nhiều cách làm mới trong trồng trọt và chăn nuôi của các hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã làm ăn có hiệu quả, tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho nhiều lao động ở địa phương.


Hiện nay, chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm thực hiện theo Nghị định số 74/2019/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Nghị định này có hiệu lực từ cuối năm 2019 với nhiều ưu đãi thuận lợi cho người lao động như: Đối với cơ sở SXKD, mức vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng. Mức vay cụ thể do NHCSXH xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ SXKD, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn. Thời hạn vay vốn tối đa 120 tháng. Lãi suất vay vốn bằng lãi suất vay vốn đối với hộ cận nghèo theo quy định pháp luật về tín dụng đối với hộ cận nghèo.


Để chính sách tín dụng này tiếp tục đi vào cuộc sống, thời gian tới, các cấp, các ngành cần quan tâm, xem xét cấp thêm nguồn vốn cho chương trình cho vay giải quyết việc làm, làm cơ sở để các địa phương thực hiện giải ngân theo Nghị định số 74/2019/NĐ-CP, từ đó giúp các gia đình, cơ sở SXKD phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm trong việc duy trì và mở rộng SXKD. Tăng cường công tác phối hợp giữa ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và NHCSXH trong xây dựng kế hoạch tạo việc làm và giải ngân nguồn vốn. Ưu tiên cho vay các cơ sở SXKD tạo nhiều việc làm, đặc biệt là việc làm phi nông nghiệp; ưu tiên cho vay đối với lao động là người khuyết tật, lao động thanh niên, phụ nữ nông thôn. Cùng với đó, ngành chức năng đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền chính sách vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm cho người lao động; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm. Chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm cũng cần đổi mới hoạt động, các hội, đoàn thể lồng ghép hoạt động tín chấp nguồn vốn với các chương trình khuyến nông, khuyến công, chuyển giao KHKT để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.
 
Minh Nghĩa
Nguồn: Ngân hàng Chính sách xã hội
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng