|
Các HTX nông nghiệp được Hội hỗ trợ kiến thức và vốn |
Sau 17 năm hoạt động, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tập trung huy động nguồn lực, đáp ứng nhu cầu vay vốn cho trên 36 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách, với tổng doanh số cho vay đạt gần 567 nghìn tỷ đồng.
Đến 31/10/2019, với trên 20 chương trình tín dụng, tổng dư nợ đạt trên 201 nghìn tỷ đồng với trên 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang có quan hệ vay vốn.
Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư tới 100% xã, phường, thị trấn trong cả nước; góp phần giúp trên 5,4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho gần 4 triệu lao động, trong đó gần 126 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp gần 3,7 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập.
Vốn chính sách cũng giúp xây dựng trên 12,6 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn, trên 14 nghìn căn nhà tránh lũ cho hộ nghèo tại các tỉnh miền Trung, gần 105 nghìn căn nhà ở vùng ngập lũ Đồng bằng Sông Cửu Long và trên 586 nghìn căn nhà cho hộ nghèo, đối tượng chính sách ở địa bàn nông thôn.
Có thể nói, tín dụng chính sách xã hội đã gắn liền với nông nghiệp – nông dân - nông thôn; gắn liền với chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Một trong những bài học kinh nghiệm, tạo nên thành công trong quá trình triển khai tín dụng chính sách xã hội đó là việc Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, từ đó huy động sức mạnh của toàn xã hội cùng chăm lo cho người nghèo, đối tượng chính sách.
Phương thức đó, qua tổng kết, đánh giá là hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn và cấu trúc hệ thống chính trị của Việt Nam. Cùng với Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong tổ chức triển khai tín dụng chính sách, đem lại nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Với vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của giai cấp nông dân, trong những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam từ Trung ương tới cơ sở đã phát huy vai trò tích cực trong thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Đến 31/10/2019, dư nợ ủy thác qua Hội Nông dân đạt 62.332 tỷ đồng, thông qua 55.841 Tổ TK&VV, với hơn 2 triệu hội viên là hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách đang có quan hệ vay vốn với Ngân hàng Chính sách xã hội.
Thông qua hoạt động ủy thác, Hội Nông dân các cấp đã tuyên truyền sâu rộng, làm thay đổi nhận thức trong cộng đồng. Người dân nghèo khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn thay đổi suy nghĩ, cách làm; chủ động tiếp cận vốn tín dụng để đầu tư sản xuất, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống; từng bước tiếp cận với nền sản xuất hàng hóa, với quan hệ tín dụng; xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chế độ cấp phát, cho không của Nhà nước.
Hội viên nông dân nghèo, từ tâm thế “bị động” nay chủ động trở thành chủ thể chính trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Hoạt động ủy thác thông qua các tổ chức chính trị xã hội nói chung, Hội Nông dân nói riêng với quy trình, thủ tục chặt chẽ, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và khả năng quản lý của mỗi bên đã góp phần đưa vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng nhất, quy mô rộng lớn nhất, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng.
Cán bộ tổ chức Hội, Ban quản lý Tổ Tiết kiệm và vay vốn trở thành những “mắt xích” quan trọng và hiệu quả, cùng đội ngũ cán bộ ngân hàng đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn trong nhân dân, góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi; tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, duy trì, khôi phục ngành nghề truyền thống, mở ra những ngành nghề sản xuất kinh doanh mới, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giúp nông dân thoát nghèo.
Tín dụng chính sách xã hội đã có sức lan tỏa sâu rộng trọng xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh; củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Sự phối hợp giữa Hội Nông dân và Ngân hàng Chính sách xã hội trong những năm qua đã khẳng định sự phù hợp, đúng đắn về chủ trương xã hội hóa tín dụng chính sách, huy động tổng lực sự tham gia của hệ thống chính trị vào công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Thời gian tới, trước yêu cầu phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, vấn đề đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, nhất là các hoạt động dịch vụ hỗ trợ vốn, trong đó có hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đòi hỏi các cấp Hội cần tiếp tục phát huy vai trò một cách tích cực và hiệu quả.