Cách đây 13 năm, đồng bào dân tộc Mông ở xã Thúy Loa (Na Hang) tái định cư tại thôn Tiên Tốc, xã Bình An, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang). Trên vùng đất này, bà con đã đầu tư nuôi trâu, trồng mía, cuộc sống ngày càng ấm no.
|
Vợ chồng anh Tráng A Bào chăm sóc đàn trâu của gia đình |
Tiên Tốc như một thung lũng nhỏ, tứ bề là núi cao bao phủ. Nơi đây nổi tiếng với nghề nuôi trâu và có nhiều triệu phú từ nuôi trâu. Trưởng thôn Tráng A Bào hào hứng khi nói về đời sống mới của người dân trong thôn. Thôn có 53 hộ dân, trong đó có 39 hộ tái định cư thủy điện Tuyên Quang. Người dân thực hiện nuôi trâu vỗ béo, có thu nhập khá. Trong thôn có gia đình ông Giàng A Làng là “vua trâu”. Hiện gia đình ông có 150 con trâu, mỗi năm thu lãi trên 200 triệu đồng từ bán trâu thương phẩm.
Trưởng thôn Tráng A Bào cũng chọn dựng nghiệp từ nuôi trâu vỗ béo. Trung bình một năm, anh thực hiện 4 lần vào đàn, mỗi lần từ 4 đến 5 con, vỗ béo khoảng 3 tháng, trừ chi phí cho lãi 20 - 30 triệu đồng/đàn. Như vậy, tiền lãi từ nuôi trâu vỗ béo của gia đình anh Bào đạt khoảng hơn 100 triệu đồng/năm.
Để thúc đẩy phong trào nuôi trâu vỗ béo ở Tiên Tốc, Hội Nông dân xã Bình An đã tín chấp với NHCSXH huyện cho hơn 30 hộ trong thôn vay vốn, trung bình từ 30 - 50 triệu đồng/hộ. Tiêu biểu như gia đình ông Tráng A Mày đã sử dụng nguồn vốn vay 50 triệu đồng từ NHCSXH đầu tư mua trâu vỗ béo và thoát nghèo từ năm 2017, hiện là một trong những hộ có thu nhập khá trong thôn. Đến nay, trong thôn có 33 hộ tham gia nuôi trâu vỗ béo và 15 hộ chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Hàng năm, từ chăn nuôi trâu vỗ béo, nhà ít lãi từ 30 - 50 triệu đồng, nhà nhiều từ 100 - 200 triệu đồng.
Ngoài đầu tư chăn nuôi trâu vỗ béo, người dân Tiên Tốc còn trồng mía hiệu quả. Năm 2013, UBND xã Bình An đưa cây mía về trồng tại Tiên Tốc với gần 1ha. Để vận động bà con, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cho máy cày vào tận ruộng, cán bộ xã đến từng chân ruộng hướng dẫn bà con cách đặt mía giống, cách bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại… “Mật ngọt” của cây mía đã giúp nhiều hộ dân có thu nhập cao ngay sau năm đầu tiên như gia đình anh Tráng A Nhầy, Tráng A Màng trồng 5.000 - 7.000m
2 mía, mỗi vụ mía thu 40 - 50 triệu đồng. Diện tích mía đã tăng lên 17ha, sản lượng mía đạt hơn 1.000 tấn/năm. Tiên Tốc nay trải dài một màu xanh của mía. Ông Tráng A Thăng có 0,7ha bảo rằng, cây mía là cây cho thu nhập ổn định nhất, trồng được ở những vùng đất xấu, bạc màu, lại được nhà máy bao tiêu đầu ra. Ông tiếp tục đầu tư thâm canh tăng năng suất để nâng cao thu nhập cho gia đình.
Với cách làm hiệu quả từ phát triển nuôi trâu vỗ béo và trồng mía, người Mông Tiên Tốc từng bước giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng.