Vốn chính sách giúp trên 1,4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo
16:09 - 19/11/2019
(Quỹ HTND)- Từ năm 2016 đến ngày 31/8/2019, có gần 8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với doanh số cho vay đạt 221.693 tỷ đồng.
Nông dân được tâp huấn thông qua các lớp tập huấn của Hội

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Giai đoạn từ năm 2016 đến ngày 31/8/2019, có gần 8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với doanh số cho vay đạt 221.693 tỷ đồng; góp phần giúp trên 1,4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo.


Nguồn vốn trên đã tạo việc làm cho trên 775 nghìn lao động; gần 200 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 4,9 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; trên 108 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo.


Đến hết tháng 8/2019, tổng nguồn vốn đạt 207.708 tỷ đồng, tăng 63.052 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 199.823 tỷ đồng, tăng 57.295 tỷ đồng so với cuối năm 2015, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 9,7%, với trên 6,6 triệu khách hàng còn dư nợ.

 
Nguồn vốn tín dụng chính sách được tập trung ưu tiên cho vay đối với hộ nghèo, hộ DTTS tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. Đến 31/8/2019, dư nợ của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chiếm 55,9% tổng dư nợ và dư nợ tại vùng DTTS và miền núi chiếm 52,6% tổng dư nợ toàn quốc. 

 
Những năm qua các cấp Hội Nông dân luôn đồng hành cùng Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai các chương trình tín dụng chính sách đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định khẳng định, các chương trình tín dụng chính sách xã hội được ban hành thể hiện sự đột phá trong tư duy lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tạo sự chuyển biến nhận thức mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị, đó là chuyển cách làm từ “cho con cá bằng đưa cần câu” cho người nghèo.


Đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến người nghèo và các đối tượng chính sách đã thúc đẩy họ tìm cách làm ăn, sử dụng vốn có lợi nhất, bớt dần sự ỷ lại để vươn lên thoát nghèo.


Năm năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách được ủy thác qua Hội Nông dân đã giúp cho trên 3 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất; 132.472 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, tạo việc làm cho trên 12 nghìn lượt lao động, trên 2 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường và hơn 115 nghìn căn nhà cho hộ nghèo được xây dựng…, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 từ 5,97% xuống còn 5,5% vào cuối năm 2018 và thiết thực đóng góp xây dựng nông thôn mới.

 
Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nam Định đã triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ, đảm bảo 100% vốn tín dụng chính sách đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể chính trị - xã hội nhận ủy thác vốn từ các cấp.


Từ năm 2010 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nam Định đã giải ngân cho 348.106 lượt khách hàng với số tiền 7.395,6 tỷ đồng. Đến ngày 30/9/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 3.023,3 tỷ đồng với 104.120 hộ vay.


Trong đó, một số chương trình trọng điểm như cho vay hộ nghèo 326 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo 893,5 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo 428,5 tỷ đồng; cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn 206,9 tỷ đồng; cho vay NS&VSMTNT 1.010,6 tỷ đồng…


Từ nguồn vốn vay 10 năm qua, 67.504 lượt hộ nghèo, 45.118 lượt hộ cận nghèo, 14.432 hộ mới thoát nghèo và 221.052 các đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần giúp 30.106 hộ thoát nghèo, 8.662 hộ thoát cận nghèo.


Qua đó góp phần thực hiện các tiêu chí về giảm nghèo trong xây dựng NTM. Cụ thể: Hộ nghèo giảm dần qua các năm cả về số lượng và tỷ lệ (năm 2011, số hộ nghèo là 54.646 hộ, tỷ lệ 9,95%; đến năm 2019, số hộ nghèo còn 13.106 hộ, tỷ lệ 2,15%).


Tính đến tháng 9/2019, nguồn vốn tín dụng chính sách tỉnh Hòa Bình đã tạo điều kiện cho 193.830 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn được vay vốn tạo việc làm, phát triển SXKD, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, trong đó có 46.950 lượt hộ nghèo và 27.730 lượt hộ cận nghèo.


Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp các xã đạt một số tiêu chí xây dựng NTM như: Tiêu chí hộ nghèo, vốn chính sách đã giúp 30.007 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tiêu chí lao động có việc làm, vốn chính sách góp phần tạo việc làm cho 78.325 lao động, 122 lao động đi xuất khẩu ở nước ngoài.


Vốn chính sách đã giúp hơn 30.659 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập; tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, vốn tín dụng chính sách đã góp phần đầu tư xây dựng 84.356 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; tiêu chí nhà ở dân cư, đã trợ giúp 20.997 hộ nghèo xây dựng nhà ở kiên cố...


Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giải quyết một số vấn đề thiết yếu của cuộc sống cho người nghèo, hộ chính sách, đồng bào tại nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, góp phần phát triển kinh tế xã hội và giảm nghèo, hạn chế tín dụng đen, tạo nguồn lực cho địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Hải Thành
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng