Kon Tum: Phát triển nguồn vốn giúp hội viên, nông dân thoát nghèo
10:00 - 29/10/2019
(Quỹ HTND) – Xác định rõ tầm quan trọng của nguồn vốn vay ưu đãi, thời gian qua, các cấp Hội ND luôn tích cực, chủ động phối hợp với ngân hàng đảm nhiệm tốt một số công đoạn nhận ủy thác vay vốn. Từ đó, tạo thêm nguồn lực, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn để hỗ trợ hội viên, nông dân nghèo, là người dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức, đầu tư phát triển kinh tế, giúp thoát nghèo bền vững.

Có vốn, lại được hướng dẫn về kỹ thuật để biết cách chăm sóc đàn vật nuôi, nhiều hội viên, nông dân phát huy tốt hiệu quả đồng vốn và ổn định cuộc sống


 
Trong năm 2019, thực hiện chương trình liên tịch, các cấp Hội trong tỉnh đã tích cực phối hợp với ngân hàng CSXH tiếp tục đối chiếu dư nợ, củng cố dịch vụ uỷ thác tại cấp xã, củng cố các Tổ TK&VV và tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân về quy trình thủ tục vay vốn. Cán bộ Hội các cấp còn thường xuyên phối hợp với phía ngân hàng tiến hành giải ngân kịp thời nguồn vốn quay vòng sau khi thu hồi vốn hoặc khi có nguồn bổ sung mới, đảm bảo vốn đến đúng tay các đối tượng thụ hưởng.

 
Nhờ đó, kết quả cho vay trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Tính đến 31/5/2019, mức cho vay toàn tỉnh đạt 85.895 triệu đồng; thu nợ đạt 55.654 triệu đồng, nâng tổng dư nợ do các cấp Hội nhận ủy thác thông qua kênh ngân hàng CSXH triển khai các chương trình tín dụng chính sách đạt 719.509 triệu đồng, với 18.658 thành viên tham gia tại 485 Tổ TK&VV do các cấp Hội thành lập và quản lý.

 
Hiện toàn tỉnh đã tăng thêm 4 Tổ TK&VV; tăng 95 thành viên tham gia; tăng 19.871 triệu đồng mức dư nợ so với cuối năm 2018.

 
Cùng với đó, chất lượng tín dụng trên địa bàn từng bước được các cấp Hội duy trì và giữ ổn định. Có 485/485 số Tổ TK&VV đều được ủy nhiệm thu lãi, đạt 100%. Tỷ lệ thu lãi, thu tiết kiệm tự nguyện hàng tháng vẫn thường xuyên duy trì ở mức đạt 95,5% so với kế hoạch; đến nay, tổng số tiền tiết kiệm tự nguyện của hội viên, nông dân do các cấp Hội thu đạt 16.099 triệu đồng.

 
Mặt khác, Hội cũng phối hợp với các ngân hàng thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ ủy thác nguồn vốn vay cho các cán bộ được phân công làm công tác quản lý, theo dõi chương trình ủy thác, Tổ trưởng các Tổ TK&VV và Tổ vay vốn. Nhờ đó, công tác hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng đi vào nền nếp.

 
Trong 5 tháng đầu năm 2019, Hội ND tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với ngân hàng CSXH tổ chức 02 lớp tập huấn về nghiệp vụ vay vốn cho 80 cán bộ Hội ở cơ sở và các Tổ trưởng Tổ TK&VV tham gia.

 
Việc củng cố chất lượng của các Tổ TK&VV, Tổ vay vốn được phối hợp thực hiện thường xuyên và liên tục. Qua xếp loại, đánh giá các Tổ TK&VV hàng năm, hiện toàn tỉnh có 277 Tổ xếp loại Tốt; 138 Tổ xếp loại Khá; 56 Tổ xếp loại Trung bình; 14 Tổ còn xếp loại Yếu.

 
Hàng năm, các cấp Hội đã tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ. Đồng thời, tích cực phối hợp với các ngân hàng thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá phân loại chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV, Tổ vay vốn để từ đó có giải pháp nhằm củng cố, kiện toàn đối với những Tổ xếp loại trung bình, yếu kém.

 
Bên cạnh đó, để tiếp tục chương trình phối hợp giữa Hội với ngân hàng Nông nghiệp & PTNT tỉnh tổ chức thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ; Hội ND tỉnh đã ký Thỏa thuận hợp tác với Agribank chi nhánh tỉnh.

 
Đến nay, Hội đã bảo lãnh cho 157 hộ hội viên, nông dân tham gia tại 14 Tổ vay vốn được vay ưu đãi để mua sắm vật tư, cây, con giống, máy móc trang thiết bị phục sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ đạt 4.357 triệu đồng.
 

Song song với việc hỗ trợ về vốn, thời gian qua, các cấp Hội trong tỉnh cũng thường xuyên tích cực phối hợp với ngành chức năng, các công ty, doanh nghiệp tổ chức nhiều lớp tập huấn để chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cho hàng trăm nghìn lượt hộ hội viên, nông dân được hưởng lợi từ nguồn vốn uỷ thác của các ngân hàng trên địa bàn biết cách chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng, vật nuôi.

 
Nội dung chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể như: Kỹ thuật sản xuất rau an toàn; sản xuất nông sản theo quy trình VietGap; chăn nuôi theo hướng an toàn để bảo vệ môi trường; hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả; phương pháp bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch…

 
Ngoài ra, để góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen trên địa bàn tỉnh, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Hội ND tỉnh còn hợp tác với ngân hàng Nông nghiệp & PTNT chi nhánh tỉnh Kon Tum và ủy thác với ngân hàng CSXH triển khai gói tín dụng tiêu dùng; mức cho vay tối đa lên đến 30 triệu đồng và hoàn chỉnh thủ tục, giải ngân ngay trong ngày.

 
Nhờ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi kịp thời với các thủ tục đơn giản đã giúp nhiều hội viên, nông dân trong tỉnh có thêm điều kiện đầu tư và đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách còn giúp hội viên, nông dân nghèo yên tâm bám đất, bám làng, phát triển sản xuất, thay đổi nhận thức để vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống.


 

Hữu Bình
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng