Gương sáng nữ Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ở Đắk Nông
16:45 - 06/08/2019
Không có nợ quá hạn, không tồn đọng tiền lãi, không xâm tiêu và không vay ké là những tiêu chí mà Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 2, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) duy trì được trong nhiều năm qua. Có được kết quả này một phần không nhỏ nhờ vào nỗ lực của đảng viên trẻ H’Giang - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Nhiều hộ đồng bào dân tộc Mạ ở xã Đắk Som thuộc huyện Đắk Glong vay vốn vốn ưu đãi để mở rộng diện tích trồng cây cà phê cho thu nhập cao

Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 2 xã, Đắk Som hiện có 58 thành viên tham gia sinh hoạt, đạt mức vay vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Đăk Glong gần 3 tỷ đồng trong đó chủ yếu là đồng bào DTTS vay các chương trình tín dụng dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn.

Đồng vốn ưu đãi được bà con sử dụng vào trồng rừng, thâm canh vườn cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm để sinh lời, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, nhiều gia đình trong thôn đã mua đủ cây, con giống tốt, vật tư phân bón chọn lọc thâm canh mở rộng diện tích cà phê, hồ tiêu lên 991,5ha, đàn bò thịt, trâu sinh sản gần 1000 con. Cùng với tỷ lệ hộ thoát nghèo bình quân của thôn hàng năm đạt 3%, một số gia đình đã có “của ăn của để”, trả nợ vay đúng hạn, có điều kiện mua sắm cả máy làm đất, cắt cỏ, ô tô bán tải. Đặc biệt các thành viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 2, xã Đắk Som không chỉ sử dụng vốn vay hiệu quả kinh tế mà đã chuyển biến rõ rệt ý thức trả nợ, nộp lãi theo quy định. Tình trạng nợ hoặc nộp lãi chậm cũng chấm dứt. Suốt 5 năm qua, tổ không để nợ quá hạn, lãi tồn đọng. Mặt khác, đến quý I năm 2019, toàn tổ đạt số dư tiền gửi tiết kiệm cao nhất trong các của huyện Đắk Glong. Góp phần làm nên thành tích trên phải kể công sức không nhỏ của chị Tổ trưởng H’Giang - Đảng viên trẻ ở thôn 2, xã Đắk Som. Thực tế chứng minh từ ngày chị H’Giang làm Tổ trưởng thì nghĩa xóm tình làng thêm sâu nặng, Tổ tiết kiệm và vay vốn trở thành nơi chăm lo quyền lợi cho bà con dân nghèo. Song song đó, tổ cũng đã trực tiếp hướng dẫn đồng bào dân tộc tại thôn sống đoàn kết, thân thiện hơn. Thành viên trong tổ cũng thường xuyên bàn bạc, giúp đỡ nhau cụ thể trong việc vay vốn, sử dụng vốn vay ưu đãi vào mục đích phát triển sản xuất, phấn đấu giảm nghèo nhanh, làm giàu chính đáng.

Là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, chị H’Giang đã khéo léo chỉ bảo các thành viên lồng ghép việc triển khai, tuyên truyền giải thích những chủ trương, chính sách tín dụng của Nhà nước về tín dụng ưu đãi và hoạt động của NHCSXH mang lại tại các cuộc họp tổ dân cư với những nghiệp vụ chuyên môn của tổ. Nhờ vậy mà các vấn đề liên quan đến dân sinh và công tác vay vốn, sử dụng vốn vay đều được bà con bàn bạc công khai, dân chủ, từ việc bình xét đối tượng được vay vốn đến việc giúp đỡ nhau cách thức sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả, đến cả việc kiểm tra, giám sát đôn đốc, động viên bà con vay vốn nêu cao ý thức trả nợ nộp lãi đúng hạn, đầy đủ cho ngân hàng.  Ngoài ra, chị H’Giang luôn coi trọng công tác giao ban tập huấn do NHCSXH chính quyền, đoàn thể địa phương phối hợp tổ chức. Việc làm này đã giúp chị nắm bắt kịp thời tiếp thu kịp thời những công việc liên quan đến công tác giảm nghèo, chuyển đổi sản xuất cây trồng, vật nuôi của thôn làng và phong trào thi đua giúp nhau sử dụng vốn ưu đãi, sản xuất giỏi. “Tôi thường lân la đến từng nhà tổ viên, hôm nay nhà này, ngày sau nhà khác như thể đi chơi thôi, nhưng thực chất để xem xét bà con vay vốn, sử dụng vốn thế nào, làm ăn có trúng mùa, trúng vụ không.

Nếu có khó khăn trong khả năng của mình và tổ giúp được thì bà con bàn cách giúp, nếu vượt qua khả năng giúp đỡ thì tổ kịp báo cáo lên cấp ủy, chính quyền xã có hướng hỗ trợ kịp thời”, Tổ trưởng H’Giang chia sẻ. Sự nhiệt tình công tác của chị Tổ trưởng đã tạo được niềm tin yêu, gắn kết giữa Tổ tiết kiệm và vay vốn với mọi thành viên, tạo nên “cầu nối” bền vững để đưa NHCSXH đến gần với người nghèo vùng cao Tây Nguyên. Nhờ tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn, đồng bào DTTS không những thấy rõ lợi ích thiết thực do nguồn vốn ưu đãi mang lại, qua đó đã chuyển biến nhận thức về chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước. Theo hướng dẫn của chị H’Giang, chúng tôi đã đến thăm gia đình bà K’Rai, dân tộc Mạ là một trong những tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 2 sử dụng vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững.

Trước đây gia đình bà thuộc diện hộ nghèo, sau khi tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, được chính chị Tổ trưởng hướng dẫn, giúp đỡ bà đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng của NHCSXH để khai hoang vỡ đất trồng 1ha cà phê, 100 trụ tiêu. Từ tiền thu tại vườn cây, bà đã trả hết nợ, nộp đủ lãi vay cho ngân hàng, dành dụm mở rộng khu vực trồng trọt, chăn nuôi, phấn đấu làm giàu ngay trên miền đất cao nguyên. Thực tế cho thấy, Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 2, xã Đắk Som nói riêng và mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn tỉnh Đắk Nông nói chung từ khi được sắp xếp hoạt động lại đã và đang tác động tích cực, tạo nguồn lực giúp người dân xóa nghèo bền vững và chuyển biến về nhận thức rõ rệt hơn đối với việc vay vốn, sử dụng vốn vay ưu đãi đúng mục đích, đạt hiệu quả trong phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập nâng cao đời sống.

Nguồn: VBSP News
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường