Vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư nuôi ốc nhồi, nông dân Thanh Hóa nhanh khấm khá
16:48 - 26/09/2022
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp nhiều hộ dân ở Thanh Hóa có vốn phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, tạo việc làm, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống theo hướng bền vững. 

Có vốn nuôi bò sinh sản, nuôi ốc nhồi

Trước đây gia đình chị Nguyễn Thị Yến (thôn 3, xã Liên Lộc, Hậu Lộc) là hộ nghèo do vợ chồng không có việc làm ổn định, con gái lại ốm đau thường xuyên. Năm 2012, chị Yến được Hội LHPN huyện nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH huyện Hậu Lộc cho gia đình vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo để đầu tư nuôi bò sinh sản. Từ 2 con bò giống ban đầu, sau 5 năm, nhờ cần cù, chịu khó, vợ chồng chị Yến đã phát triển được đàn bò với số lượng là 10 con. Năm 2017, gia đình chị Yến thoát nghèo.
 

Năm 2018, chị Yến tiếp tục được Ngân hàng CSXH Hậu Lộc cho vay chương trình hộ vừa mới thoát nghèo đầu tư nuôi thêm lợn, trồng một số loại cây ăn quả như táo, bưởi, ổi... Đến nay thu nhập của gia đình chị Yến đạt hơn 100 triệu đồng/năm và trả được nợ cho ngân hàng.
 

Người dân phấn khởi khi được cán bộ Ngân hàng CSXH Thanh Hoá giải ngân vốn vay ưu đãi tại điểm giao dịch xã. Ảnh: Hà Giang


"Công tác triển khai cho vay theo đúng định hướng phát triển kinh tế các ngành nghề thế mạnh của địa phương sẽ bảo đảm khả năng phát huy hiệu quả nguồn vốn vay"- Ông Nguyễn Tiến Trứ
Cùng được vay vốn Ngân hàng CSXH, anh Lê Văn Tăng ở thôn 6, xã Quảng Hòa, huyện Quảng Xương lại đầu tư mô hình nuôi ốc nhồi Anh Tăng cho biết: Gia đình vốn có truyền thống làm nông nghiệp, nhận thấy trồng lúa hiệu quả không cao, trong khi ốc phát triển nhanh ở môi trường nước, thị trường lại đang có nhu cầu tiêu thụ ốc, nên anh quyết định đầu tư mô hình nuôi ốc.

Còn cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng cơ khí của gia đình anh Đỗ Văn Ngự (thôn Tân Sơn, xã Hà Tân, huyện Hà Trung) thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Anh Ngự đã được cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH Hà Trung và chính quyền địa phương tuyên truyền việc vay vốn theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Gia đình anh đã đăng ký vay vốn và được giải ngân cho vay 100 triệu đồng vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm, để đầu tư vào mua thêm máy móc và mở rộng cơ sở kinh doanh.


Hơn 98 % tổng dư nợ được ủy thác

Thời gian qua, Ngân hàng CSXH tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện tốt hoạt động ủy thác cho vay vốn tín dụng thông qua các tổ chức chính trị - xã hội. Tính đến hết tháng 6/2022, dư nợ ủy thác tại Thanh Hóa qua 4 tổ chức chính trị - xã hội đạt 11.571,6 tỷ đồng, chiếm 98,9% tổng dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo việc làm cho gần 379.000 lao động, giúp hỗ trợ xây dựng hàng trăm nghìn công trình nước sạch, vệ sinh, chỉnh trang nhà cửa…
 

Phó Giám đốc chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Tiến Trứ cho biết: Hiện nay, chi nhánh đang tiếp tục bám sát Nghị quyết số 11 của Chính phủ, tích cực khai thác các nguồn vốn tín dụng chính sách từ Trung ương, kết hợp với nguồn vốn địa phương ủy thác thông qua các dự án, đề án phục vụ các mục tiêu kích cầu, đẩy mạnh sản xuất, tạo việc làm cho người dân. Công tác triển khai cho vay theo đúng định hướng phát triển kinh tế các ngành nghề thế mạnh của địa phương sẽ bảo đảm khả năng phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Đồng thời, tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ quá hạn; nâng cao vai trò của chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội địa phương, cơ sở trong việc thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Nguồn: Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường