Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại tỉnh Yên Bái
09:33 - 20/09/2022
(Quỹ HTND)- Vừa qua, đồng chí Lương Quốc Đoàn - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, thành viên HĐQT Ngân hàng CSXH đã chủ trì buổi làm việc với Ban đại diện HĐQT và chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Yên Bái theo chương trình kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội năm 2022. 

Quang cảnh buổi làm việc tại Yên Bái.


Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Yên Bái có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao so với mặt bằng chung của cả nước (chiếm gần 26% số hộ toàn tỉnh) nên vốn tín dụng chính sách được xác định là một trong những nguồn lực quan trọng để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
 

Ban Đại diện HĐQT và chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã bám sát các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết của Hội đồng quản trị, các văn bản chỉ đạo của Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam để chủ động tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh triển khai hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn; trọng tâm là tham mưu, tăng cường năng lực hoạt động cho chi nhánh, phòng giao dịch Ngân hàng CSXH và chuyển vốn uỷ thác từ ngân sách địa phương sang Ngân hàng CSXH để cho vay hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
 

Năm 2021 và 7 tháng đầu năm 2022 với lũy kế doanh số cho vay là 1.920 tỷ đồng, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 41.544 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận để sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, cải thiên thu nhập, giải quyết nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.
 

Trong đó, có 7.281 hộ nghèo, 4.855 hộ cận nghèo, 4.556 hộ mới thoát nghèo, 5.859 hộ sản xuất, kinh doanh và thương nhân tại vùng khó khăn vay vốn tín dụng chính sách giúp giải quyết việc làm cho 4.532 lao động, xây dựng mới 25.041 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn, xây dựng 51 căn nhà ở xã hội; cho vay phục hồi 11 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập và mua 1.800 máy tính hỗ trợ học sinh, sinh viên học tập trực tuyến.
 
 
Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã giúp làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn năm 2021 từ 7,04% về 4,76% (giảm 2,28% so với năm 2020). Đời sống vật chất và tinh thần của hộ nghèo, hộ cận nghèo và đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn ngày càng được cải thiện; góp phần tích cực trong công tác xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương; góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen ở khu vực nông thôn.
 
 
Tại buổi làm việc, các thành viên trong Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm, khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn. Các đại biểu cũng đưa ra những đề xuất, kiến nghị trong thời gian tới tập trung vào việc xem xét, nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với một số chương trình tín dụng như: Nâng thời hạn cho vay tối đa đối với hộ mới thoát nghèo lên 10 năm; nâng mức cho vay tối đa Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ 10 triệu đồng lên 20 triệu đồng/công trình; nâng mức cho vay tối đa đối với Chương trình hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn và thương nhân là cá nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn lên mức 100 triệu đồng/hộ để phù hợp hơn với quy mô và mô hình hiện nay. Tiếp tục quan tâm, bổ sung thêm nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH Việt Nam đối với Chương trình cho vay giải quyết việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để đáp ứng nhu cầu giải quyết việc làm cho lao động tại các khu vực đô thị trong tỉnh.
 
 
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn ghi nhận và biểu dương những cố gắng của Ban đại diện Hội đồng quản trị và chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đạt được. Đồng chí cũng đề nghị Ban đại diện Ngân hàng CSXH cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến các đối tượng được thụ hưởng các chương trình một cách hiệu quả nhất; đề nghị các tổ chức chính trị xã hội hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn người vay vốn sử dụng đồng vốn vay hiệu quả; thường xuyên quan tâm đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho các thành viên Ban quản lý Tổ TK&VV vì đây là nhân tố chính trong xác định đúng các đối tượng thụ hưởng, hướng dẫn người vay lập hồ sơ, sử dụng vốn.
 

Bên cạnh đó, phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong việc kiểm tra, giám sát thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách để nhằm mang lại hiệu quả đồng vốn vay đảm bảo đúng đối tượng. Đề nghị các sở, ban ngành địa phương tiếp tục quan tâm, bổ sung ngân sách địa phương cho nguồn vốn chính sách tín dụng để thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững…


Trước đó, đoàn công tác có chuyến kiểm tra thực tế tại một số hộ vay vốn tại xã La Pán Tẩn; làm việc với Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện Mù Cang Chải.
 
An Đức
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường