Ninh Bình: Nguồn vốn ưu đãi giúp nông dân thoát nghèo
10:10 - 24/08/2022
(Quỹ HTND)- Thời gian qua, nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH để phát triển sản xuất; nâng cao thu nhập.

Mô hình nuôi cá cho hiệu quả kinh tế cao của gia đình chị Mai Thị Hằng.


Từ một hộ nghèo của xã, chị Bùi Thị Lưu ở thôn Ngọc, xã Thạch Bình, huyện Nho Quan được Hội ND xã Thạch Bình tạo điều kiện tín chấp với Ngân hàng CSXH cho vay 50 triệu đồng chuyển đổi hơn 1 mẫu đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, khoai, cỏ voi phục vụ chăn nuôi.
 

Cùng với đó, chị còn đầu tư xây dựng khu chuồng trại, chăn nuôi 10 con lợn nái, 50 con lợn thương phẩm và 10 con trâu bò. Ứng dụng khoa học kỹ thuật từ những kiến thức được tập huấn, vừa làm, chị vừa học hỏi thêm kinh nghiệm từ những mô hình phát triển kinh tế của các hội viên, nông dân khác.
 

Nhờ đó, mô hình chăn nuôi của gia đình chị phát huy hiệu quả. Đến nay, gia đình chị thu nhập ổn định từ 100 triệu - 150 triệu đồng/năm.
 

Chị Lưu tâm sự: "Được vay vốn với lãi suất ưu đãi, hồ sơ thủ tục đơn giản, không thế chấp tài sản, việc đầu tư đúng thời điểm đã giúp cho gia đình tôi tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhờ đó, tôi có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất và hoàn trả vốn vay đúng thời hạn".
 

Hay gia đình chị Mai Thị Hằng tại xóm Chùa, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh cũng vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ đồng vốn ưu đãi từ ngân hàng CSXH.
 
 
Chi Hội ND xóm Chùa đã tạo điều kiện cho chị Hằng tham gia vào Tổ TK&VV do Hội quản lý. Qua những buổi sinh hoạt, chị bàn với gia đình làm hồ sơ đề nghị vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Được các cấp Hội và Ngân hàng CSXH tạo điều kiện, chị vay 50 triệu đồng từ vốn Chương trình cho vay hộ nghèo.


Bên cạnh việc cho vay vốn, tổ Hội nhận thấy chăn nuôi là hướng đi phù hợp với gia đình chị nên cũng tư vấn, hỗ trợ gia đình nên đầu tư chuồng trại chăn nuôi lợn, đào ao thả cá. Nhờ sự cần cù, chịu khó, nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, đến nay mô hình chăn nuôi của gia đình chị có 8 con lợn nái, gần 50 con lợn thịt và 1,5 mẫu mặt nước ao nuôi các loại cá truyền thống mỗi năm sau khi trừ chi phí chị có thu nhập đạt hơn 100 triệu đồng.
 
 
Chị Hằng chia sẻ: “Trước kia, chưa được các cấp Hội giúp đỡ tư vấn về khoa học kỹ thuật, lựa chọn con giống phù hợp nên gia đình tôi dù vất vả quanh năm cũng chỉ đủ ăn. Nhờ có các cấp Hội giúp đỡ, gia đình đã lựa chọn hướng phát triển kinh tế phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
 
 
Hiện toàn tỉnh có 664 Tổ TK&VV cho 25.106 hộ vay vốn với tổng dư nợ 836,45 tỷ đồng; 569 Tổ liên kết với 10.969 thành viên tham gia với tổng dự nợ 1.983 tỷ đồng. Với việc mang nguồn vốn đến với hội viên nông dân đặc biệt là các hộ nghèo, hộ chính sách đã góp phần nâng cao vị thế của Hội ND các cấp, thu hút nhiều hội viên tham gia tin tưởng vào tổ chức Hội.
 
 
Thời gian tới, các cấp tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để hội viên nâng cao trách nhiệm trong việc sử dụng vốn vay,đồng thời nâng cao vai trò của Tổ TK&VV để đồng vốn được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.
 
Thanh Tâm
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng