Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp hội viên, nông dân thoát nghèo
(Quỹ HTND) – Để kịp thời chuyển tải vốn tín dụng của ngân hàng CSXH đến đúng đối tượng có nhu cầu, phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội, những năm qua, chi nhánh ngân hàng CSXH tại các tỉnh, thành phố đã tăng cường việc phối hợp với các ngành, đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ... nhằm triển khai các hoạt động ủy thác nguồn vốn vay. Thông qua đó còn góp phần vào việc lành mạnh hóa các hoạt động tín dụng, hạn chế vấn nạn tín dụng đen tại địa bàn nông thôn.
Trên cơ sở thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã thường xuyên quan tâm, chủ động hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Từ đó, tín dụng chính sách ngày càng phát huy hiệu quả, trở thành “đòn bẩy” giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.
|
Các cấp Hội phối hợp với ngân hàng CSXH cùng cấp tạo điều kiện và động lực khích lệ hội viên, nông dân chủ động tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể, từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa, sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích giúp đem lại hiệu quả kinh tế rõ nét |
Nguồn vốn vay ưu đãi đã được các ngành kịp thời giải ngân cho các hộ hội viên nghèo, giúp họ tiếp cận thuận lợi thông qua những chương trình, dự án phát triển sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Có vốn, các hộ hội viên nghèo vừa có thêm nguồn lực đầu tư giúp phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm nghèo ở địa bàn nông thôn; mặt khác, vừa tạo thêm nguồn nông sản hàng hóa dồi dào nhằm đảm bảo cung ứng cho các thị trường cả trong nước và xuất khẩu.
Nhằm triển khai có hiệu quả chương trình phối hợp ủy thác nguồn vốn, Hội ND tỉnh Thái Bình cùng với chi nhánh ngân hàng CSXH tỉnh đã tích cực chỉ đạo các đơn vị cấp dưới tập trung giải ngân đối với các chương trình tín dụng. Qua đó, bảo đảm chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh một cách nhanh nhất.
Theo đó, đến hết tháng 3/2022, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt gần 3.402 tỷ đồng (tăng 2,15% so với thời điểm 31/12/2021), với 88.251 khách hàng đang vay vốn ưu đãi. Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ, người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn có điều kiện phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Một số chương trình cho vay hiện đang có dư nợ cao trên địa bàn như: Cho vay thoát nghèo (trên 1.441 tỷ đồng); vay nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn (trên 1.116 tỷ đồng); cho vay hộ nghèo (hơn 165 tỷ đồng); cho vay học sinh, sinh viên (gần 120 tỷ đồng)...
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách được chuyển tải một cách linh hoạt, đảm bảo kịp thời đến tận tay các đối tượng thụ hưởng đúng qui định đã góp phần triển khai thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, giúp các hộ dân tăng thu nhập, góp phần thúc đẩy tích cực hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Hộ gia đình anh Ngô Văn Cao ở xã Tây Phong, huyện Tiền Hải được Hội ND xã hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm của ngân hàng CSXH. Nhờ biết cách phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế đất đai, anh đã đầu tư xây dựng chuồng trại và phát triển mô hình chăn nuôi với quy mô nuôi gần 5 vạn con gà đẻ trứng thương phẩm.
Cùng với việc chăn nuôi gà, anh còn lấy ngắn nuôi dài bằng cách cho đào 1.600 m² ao trên tổng diện tích đất 11.000 m² để nuôi thả cá chim. Nhờ việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ đã giúp gia đình anh không những nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống mà còn tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên với mức thu nhập trung bình 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Đối với hộ gia đình anh Nguyễn Văn Đảng ở xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải thì nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ thực sự là đòn bẩy thiết thực, góp phần quan trọng giúp gia đình anh duy trì và phát triển mở rộng mô hình trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bắt đầu mô hình trồng nấm vào năm 2010, gia đình anh Đảng chỉ dám đầu tư ở quy mô 300 m² thì đến năm 2019 đã mạnh dạn mở rộng thêm diện tích lên thành 800m². Nhờ đó, anh có thêm cơ sở để tiếp tục đầu tư mua sắm nhiều loại máy móc phục vụ cho hoạt động sản xuất như: Máy đóng bịch phôi nấm, máy đảo bông…
Được quan tâm hỗ trợ và hướng dẫn thủ tục, với số vốn vay 80 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của ngân hàng CSXH, anh còn thêm yên tâm, vững tin với mô hình sản xuất khi luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp Hội cũng như phía ngân hàng.
Đến nay, gia đình anh Đảng không chỉ bán các sản phẩm từ nấm ở thị trường trong tỉnh mà còn xuất đi một số tỉnh, thành phố khác như: Hà Nội, Tuyên Quang, Sơn La; đồng thời, tổ chức xuất bán khoảng từ 1 - 2 vạn phôi nấm/năm cho nhân dân khắp các địa phương. Đáng chú ý, mô hình trồng nấm của anh cũng đang tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên với mức thu nhập trung bình khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng CSXH, những năm qua, đời sống cả về vật chất và tinh thần của hội viên, nông dân trên địa bàn huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình ngày càng được nâng lên rõ rệt.
Để nguồn vốn tín dụng ưu đãi của ngân hàng CSXH thực sự phát huy được hiệu quả, đi vào chiều sâu, Hội ND huyện đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, trọng tâm là thường xuyên tiến hành việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV trên địa bàn.
Bên cạnh đó, cùng với các Tổ TK&VV thực hiện nghiêm túc, minh bạch trong công tác bình xét cho vay, đảm bảo nguồn vốn vay đến đúng đối tượng cần, các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích. Các cấp Hội trong toàn huyện cũng luôn quan tâm, giúp đỡ đối với các hộ là hội viên, nông dân nghèo, cận nghèo được tiếp cận vốn vay ưu đãi để có thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống…
Đến nay, Hội ND huyện đang nhận vốn ủy thác từ ngân hàng CSXH huyện với dư nợ 78,845 tỷ đồng cho trên 2.200 thành viên vay sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, xây dựng nhà ở, nước sạch, môi trường... thông qua 63 Tổ TK&VV. Từ nguồn vốn vay kịp thời đã giúp nhiều hộ hội viên, nông dân trên địa bàn huyện vươn lên trở thành những tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế.
Với sự cần cù, chịu khó đầu tư vào sản xuất, biết nắm bắt cơ hội để phát triển kinh tế nên mặc dù trong tình hình có nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, song nhiều hội viên, nông dân đã nỗ lực vượt qua, vươn lên trở thành hộ khá, giàu, góp phần ổn định tình hình kinh tế, xã hội ở địa phương. Tiêu biểu như hộ gia đình ông Nguyễn Văn Lương ở thôn Xuân Thanh, xã Thanh Cao được xem là một trong những điển hình vượt khó vươn lên.
Được tiếp sức từ nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng CSXH huyện, gia đình ông đầu tư quy hoạch lại vườn, đào ao thả nuôi cá và mua thêm khoảng 100 gốc bưởi về trồng trên diện tích canh tác 1 ha vườn. Nhờ tích cực áp dụng những kiến thức kĩ thuật thông qua các lớp đào tạo nghề, tập huấn do các cấp Hội phối hợp tổ chức nên số cây trồng và đàn vật nuôi của gia đình đều sinh trưởng và phát triển tốt.
Gặp mùa vụ bội thu, các sản phẩm lại được giá bán trên thị trường nên nguồn thu nhập bình quân của gia đình ông Lương đạt khoảng từ 700- 750 triệu đồng/năm sau khi đã trừ hết mọi chi phí đầu tư. Từ một hộ có cuộc sống không ổn định, hiện gia đình ông đã vươn lên trở thành hộ sản xuất - kinh doanh giỏi của xã và huyện, cuộc sống ngày càng khá giả hơn, xây dựng được nhà cửa khang trang.
Cũng giống như gia đình ông Lương, trên địa bàn huyện ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương hội viên, nông dân tiêu biểu, đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo nhờ biết cách sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách. Điển hình như: Hộ hội viên Nguyễn Bắc Hà ở thị trấn Lương Sơn với mô hình nuôi gà thả vườn kết hợp với trồng bưởi mang lại nguồn thu nhập 500 triệu đồng/năm; hộ ông Hoàng Văn Chiến ở xã Tân Vinh với mô hình chăn nuôi tổng hợp và trồng cây lâm nghiệp cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm...
Những năm qua, Hội ND huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước là một trong bốn tổ chức chính trị - xã hội tham gia nhận ủy thác nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng CSXH trên địa bàn và đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hội ND huyện đã chủ động phối hợp với ngân hàng CSXH huyện triển khai thực hiện tốt các nội dung công việc ủy thác cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Hàng năm, Ban Thường vụ Hội ND huyện luôn bám sát các nội dung ủy thác, Nghị quyết của Ban đại diện Hội đồng quản trị ngân hàng CSXH huyện, các văn bản chỉ đạo của ngân hàng CSXH các cấp. Đồng thời, chỉ đạo các cấp Hội ở cơ sở, các Tổ TK&VV trực thuộc Hội quản lý thực hiện đầy đủ các nội dung ủy thác, đúng chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, của Chính phủ về công tác tín dụng đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác.
Hàng năm, Hội ND huyện cũng chỉ đạo các cấp Hội cơ sở đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến hội viên, nông dân và nhân dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp. Cụ thể như: Tổ chức lồng ghép với các hội nghị, thông qua các buổi sinh hoạt của các chi Hội ở cơ sở, sinh hoạt Câu lạc bộ….
Đến nay, đã có 8/8 cơ sở Hội phối hợp thực hiện các công đoạn để nhận ủy thác nguồn vốn với ngân hàng CSXH, thực hiện ủy thác cho vay tại 14 chương trình tín dụng được triển khai. Tổng dư nợ trong toàn huyện đạt 95.591 triệu đồng, đang triển khai cho 2.446 hộ hội viên, nông dân vay vốn thông qua 53 Tổ TK&VV do các cấp Hội quản lý.
Các cấp Hội đã làm tốt vai trò là “cầu nối” để giúp bà con nông dân nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách một cách thuận tiện nhất. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn tích cực phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn tổ chức thường xuyên các buổi tập huấn, tọa đàm để hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân đem áp dụng vào các mô hình sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cho các sản phẩm nông sản.
Từ những hoạt động phong phú, thiết thực kể trên đã tạo ra sức lan tỏa, thu hút ngày càng đông hội viên, nông dân tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu theo mùa vụ. Mặt khác, tạo điều kiện và động lực khích lệ hội viên, nông dân chủ động tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể, từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa, sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích giúp đem lại hiệu quả rõ nét. Hiện, nhiều hộ hội viên, nông dân đã phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh đạt mức thu nhập cao, ổn định cuộc sống, thoát được nghèo và vươn lên làm giàu ở địa phương.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, các cấp Hội trong cả nước tiếp tục chủ động phối hợp với ngân hàng CSXH cùng cấp triển khai tốt công tác ủy thác nguồn vốn. Đồng thời, hai ngành tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát, đảm bảo 100% nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả; tiếp tục bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội; thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…