Để tín dụng chính sách thực sự là “đòn bẩy” giúp nông dân thoát nghèo
(Quỹ HTND)- Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Phù Cát (Bình Định) đã quan tâm, chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Từ đó, đưa tín dụng chính sách trở thành “đòn bẩy” giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.
|
Nhờ vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội mà nông dân có điều kiện chăn nuôi bò |
Hàng năm, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn luôn quan tâm, hỗ trợ về cơ sở vật chất, mở rộng phạm vi hoạt động của tổ chức tín dụng về chính sách xã hội. Hiện nay, phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã mở 18 điểm giao dịch tại 18 xã, thị trấn tại các điểm giao dịch đều công khai thông tin về tín dụng chính sách xã hội và trang bị đầy đủ hòm thư góp ý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và khách hàng đến giao dịch, theo dõi, giám sát hoạt động của ngân hàng.
Bên cạnh đó, chính quyền và các Hội, đoàn thể ở các xã, thị trấn thường xuyên quan tâm đến công tác bình xét cho vay, kiểm tra và hướng dẫn hộ vay thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh nhằm hạn chế tình trạng người vay sử dụng vốn sai mục đích, số hộ chậm trả lãi, trả vốn dần dần. Tính đến ngày 30/4, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt hơn 630 tỷ đồng với 12.671 hộ vay vốn.
Trong đó, cho vay hộ nghèo 57,3 tỷ đồng, 1.093 hộ vay; cho vay học sinh, sinh viên 82 tỷ đồng/2.039 hộ vay; cho vay giải quyết việc làm 106,5 tỷ đồng/2.540 hộ vay; cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 61,5 tỷ đồng/1.351 hộ vay; cho vay theo chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 112 tỷ đồng/6.138 hộ vay, cho vay hộ cận nghèo theo Quyết định 15 là 144 tỷ đồng/2.635 hộ vay, cho vay hộ mới thoát nghèo 34,6 tỷ đồng/639 hộ vay...
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn có điều kiện phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống. Điển hình như hộ chị Nguyễn Thị Phương ở thôn Thuận Phong, xã Cát Lâm trước đây thuộc diện hộ cận nghèo, năm 2018, được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 50 triệu đồng đầu tư trồng đậu phộng và nuôi bò. Sau thời gian tích cực canh tác, chị đã có thu hoạch và bán sản phẩm, trừ hết các chi phí thu lãi trên 50 triệu đồng.
Có vốn, chị đã dùng tiền lãi thu được để tiếp tục đầu tư mua bò và phát triển mô hình chăn nuôi. Đến nay, đàn bò của gia đình chị đang có 6 con, không những thoát nghèo, chị còn xây dựng được nhà cửa khang trang.
Hộ chị Hồ Thị Kim Bình ở thôn An Điềm, xã Cát Lâm cho biết: Cách đây 5 năm, chị được Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng thông qua kênh Hội ND. Nhờ số vốn ban đầu đó chị đã đầu tư vào chăn nuôi. Đến nay, chị đã hoàn trả lại được vốn và cho ngân hàng, kinh tế gia đình cũng từ đó mà đi lên.
Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường khai thác các nguồn vốn, chú trọng hướng dẫn sử dụng vốn tín dụng chính sách chặt chẽ và có hiệu quả, bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững.