|
Nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH đã giúp nhiều hộ thoát nghèo |
Trong những năm qua, Hội Nông dân thị xã Phước Long, Bình Phước luôn chủ động phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã Phước Long thực hiện cho vay kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để tạo sinh kế, việc làm và đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống, đặc biệt là khu vực nông thôn. Trong số đó, có trên 90% dư nợ cho vay để phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Đến ngày 31/10/2021, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 119.041 triệu đồng với 3.070 khách hàng vay vốn. Trong đó dư nợ của Hội Nông dân là 39.823 triệu đồng, chiếm 33% tổng dư nợ của toàn thị xã. Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã Phước Long đang thực hiện cho vay trên 8 chương trình tín dụng chính sách, góp phần giúp các hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 851 lao động; hơn 544 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 3.022 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 13 căn nhà ở xã hội cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ đó, góp phần hạn chế tình trạng vay nặng lãi hoặc phải mua chịu vật tư, vật liệu, phân bón với giá cao, bán non các sản phẩm cho tư thương với giá thấp…
Tính đến hết tháng 11-2021, Ngân hàng CSXH TX. Ba Đồn, Quảng Bình phối hợp với Hội Nông dân thị xã giải ngân hơn 50 tỷ đồng hỗ trợ 912 hội viên nông dân nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo vay vốn phát triển kinh tế.
Hội viên nông dân được vay từ nguồn vốn này nằm trong độ tuổi lao động, thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn; nông dân có thu nhập thấp, thiếu vốn, có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập. Bình quân mỗi hộ được vay trên 54 triệu đồng để phát triển các mô hình kinh tế, như: chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ.... Những địa phương có số lượng nông dân vay vốn nhiều gồm các xã: Quảng Hòa, Quảng Lộc, Quảng Sơn…
Hiện nay, tổng dư nợ do Hội Nông dân thị xã Ba Đồn quản lý gần 145 tỷ đồng với hơn 2.564 khách hàng đang dư nợ. Thời gian tới, Ngân hàng CSXH thị xã sẽ tiếp tục phối hợp cùng với Hội Nông dân thị xã rà soát, tạo điều kiện cho các hội viên có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn phát triển kinh tế.
Thời gian qua, Hội Nông dân xã Ngô Xá, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ đã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện nhận ủy thác nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhanh chóng đến tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, qua đó giúp hàng trăm hội viên giảm nghèo bền vững, ổn định cuộc sống, vươn lên sản xuất kinh doanh giỏi.
Với 827 hội viên, sinh hoạt ở 11 chi hội, hiện nay Hội Nông dân xã đang quản lý 08 Tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ ủy thác đạt trên 13 tỉ đồng, cho 311 hộ vay, với 10 chương trình cho vay: Hộ nghèo; hộ cận nghèo; học sinh sinh viên; nước sạch và vệ sinh môi trường; thương nhân hoạt động khó khăn; giải quyết việc làm; cho vay hộ mới thoát nghèo…
Để giúp các hộ vay vốn sử dụng có hiệu quả, Hội luôn quan tâm phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT cho hàng trăm lượt hộ nông dân; phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện tốt việc tư vấn, hỗ trợ nông dân tiếp cận thông tin, kiến thức cần thiết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy liên kết hợp tác. Hiện nay, Hội Nông dân xã đã xây dựng được hơn 100 mô hình kinh tế cho thu nhập từ 50-300 triệu đồng/năm.
Từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH, hội viên, nông dân đã phát triển kinh tế, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, tỉ lệ gia đình hội viên nghèo trong xã giảm từ 3,5% năm 2018 xuống còn 1,5% năm 2020. Đến hết năm 2020, toàn xã có gần 400 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
Từ hiệu quả của hoạt động ủy thác với Ngân hàng CSXH đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhanh chóng đến tay hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác đã có tác động tích cực đến chất lượng hoạt động Hội và phong trào nông dân. Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay; chú trọng đầu tư cho vay đối với các mô hình kinh tế tập thể hiệu quả như Tổ hợp tác và Hợp tác xã. Qua đó phấn đấu giảm tỷ lệ hội viên nông dân nghèo trên cả nước.