Hội nghị giao ban công tác ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác năm 2021
(Quỹ HTND)- Vừa qua, tại Hà Nội, Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Dương Quyết Thắng chủ trì Hội nghị giao ban công tác ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với các tổ chức chính trị - xã hội tại Trung ương nhằm đánh giá những kết quả năm 2021 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.
|
Quang cảnh Hội nghị |
Tham dự Hội nghị có Trưởng Ban Kiểm soát, các Phó Tổng Giám đốc, các Ban chuyên môn nghiệp vụ, Trung tâm Đào tạo, Trung tâm CNTT Ngân hàng CSXH, các Ban chuyên môn theo dõi công tác ủy thác và đại diện Lãnh đạo của 04 tổ chức chính trị - xã hội tại Trung ương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Dương Quyết Thắng nhấn mạnh: Năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, gây nhiều tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới và Việt Nam, ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Trước tình hình đó, Ngân hàng CSXH đã phối hợp cùng với 04 tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện tốt các nội dung ủy thác đã ký, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với những kết quả khả quan.
Đến ngày 31/12/2021 tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 256.324 tỷ đồng, tăng 22.779 tỷ đồng so với năm 2020. Tổng dư nợ đạt 247.970 tỷ đồng với gần 6,4 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ, trong đó dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt 244.694 tỷ đồng, chiếm 98,68% tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 646 nghìn lao động, giúp gần 2,3 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 37,6 nghìn lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng gần 1,4 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng hơn 1,1 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo và 6,2 nghìn căn nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP; 1.357 doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh và trả lương cho hơn 379 nghìn người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19.
Thảo luận tại Hội nghị, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho biết, trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid - 19 tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, nguồn vốn tín dụng góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng ủy thác thông qua đổi mới nội dung công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, tập huấn; chủ động tham gia phối hợp, giám sát việc triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; Nghị quyết 68 của Chính phủ, Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; tổ chức triển khai tốt các nội dung ủy thác theo Văn bản thỏa thuận số 11789 đã ký ngày 28/12/2021 ở Trung ương về việc thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác...
Năm 2022, Ngân hàng CSXH và 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác thống nhất cao với 11 giải pháp phối hợp trong đó tập trung triển khai thực hiện hoàn thành kế hoạch tín dụng năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao (8%) và các chính sách cho vay ưu đãi trong Chương trình phát triển và phục hồi kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11 của Chính phủ với tổng nguồn vốn 38,4 ngàn tỷ đồng, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng đối tượng; triển khai tổng kết đánh giá kết quả 20 năm thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác từ cơ sở; nâng cao chất lượng hoạt của Tổ TK&VV chưa liền canh, liên cư, dư nợ thấp, hoạt động yếu kém; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc hoạt động ủy thác của cấp dưới, đặc biệt việc thực hiện nhiệm vụ của tổ chức chính trị - xã hội cấp xã về quản lý, giám sát hoạt động Tổ TK&VV trong công tác bình xét cho vay, đôn đốc thu hồi nợ, tham gia giao dịch tại điểm giao dịch xã…