Ký kết Văn bản thỏa thuận 11789/VBTT về việc thực hiện ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác
11:54 - 03/01/2022
(Quỹ HTND) – Mới đây, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cùng 04 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác (gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) tổ chức ký kết Văn bản thỏa thuận số 11789/VBTT-NHCS-HPN-HND-HCCB-ĐTN ngày 28/12/2021 “về việc thực hiện ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác” và để thay thế cho văn bản 3948/VBTT đã ký trước đây. 

Gần 6,4 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn ưu đãi của Chính phủ theo phương thức uỷ thác - Ảnh 2.
Điểm cầu tại Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tại buổi giao ban trực tuyến năm 2021 với Ngân hàng CSXH
 
Theo đó, trên cơ sở đánh giá kết quả triển khai Văn bản thỏa thuận số 3948/VBTT, NHCSXH đã thống nhất cùng 4 tổ chức chính trị xã hội Trung ương ký kết Văn bản thỏa thuận số 11789/VBTT nhằm thực hiện một số nội dung công việc trong quy trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với một số nội dung thay đổi, cập nhật cho phù hợp với thực tiễn.
 

Cụ thể như: Chia nội dung cụ thể công việc nhận ủy thác cho từng cấp; điều chỉnh mức phí ủy thác được thực hiện theo thỏa thuận giữa NHCSXH và các Hội, đoàn thể cấp Trung ương trong từng thời kỳ, phân biệt giữa đơn vị cấp xã thuộc vùng có điều kiện khó khăn và không thuộc vùng có điều kiện khó khăn; thay đổi tỷ lệ phí ủy thác được hưởng theo chất lượng dư nợ tín dụng nhận ủy thác...
 

Các bên cam kết hợp tác chặt chẽ, toàn diện trên mọi mặt hoạt động theo hướng phát triển lâu dài, bền vững; tạo điều kiện tận dụng các lợi thế, cung cấp và sử dụng các sản phẩm dịch vụ của nhau nhằm hỗ trợ thực hiện tốt nhiệm vụ của mỗi bên. Đồng thời, có trách nhiệm chỉ đạo hệ thống dọc thuộc phạm vi quản lý của mình ký Văn bản liên tịch và Hợp đồng ủy thác trên cơ sở Văn bản thỏa thuận 11789 nhằm giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sớm tiếp cận với dịch vụ tài chính, tiết kiệm của NHCSXH một cách nhanh chóng, thuận lợi, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí khi vay vốn.
 

Trên cơ sở thực hiện Điều 5 Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ, NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội đã ký kết văn bản liên tịch, văn bản thỏa thuận “về tổ chức thực hiện uỷ thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác” để thực hiện trong suốt những năm qua. Thông qua hoạt động phối hợp chặt chẽ giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị xã hội đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của tổ chức Hội, đoàn thể, giúp nhân dân được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, tạo một kênh dẫn vốn hữu hiệu, tin cậy đối với nhân dân và cấp ủy Đảng, chính quyền.
 

Hội Nông dân Việt Nam luôn nhận thức rõ vai trò của hoạt động hỗ trợ tín dụng chính sách, coi đây là một trong các giải pháp quan trọng để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; đồng thời, thúc đẩy công tác Hội và các phong trào thi đua do Hội phát động, trọng tâm là phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Những năm qua, các cấp Hội đã chủ động, tích cực phối hợp với NHCSXH, chính quyền địa phương các cấp, các ngành để kịp thời đưa nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến với hàng triệu hội viên, nông dân trong cả nước.
 

Kết quả, tính đến 31/12/2021, tổng dư nợ ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị xã hội đạt 244.694 tỷ đồng, chiếm 98,68%/tổng dư nợ NHCSXH. Trong đó, Hội Nông dân Việt Nam đang nhận thực hiện hoạt động ủy thác đạt 74.099 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 30,28%/tổng dư nợ ủy thác.
 
Anh Đức
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng