Hội nghị giao ban công tác ủy thác 10 tháng năm 2021
10:33 - 06/11/2021
(Quỹ HTND)- Chiều 05/11, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (CSXH) đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với 04 tổ chức chính trị - xã hội nhận dịch vụ ủy thác. 

Gần 6,4 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn ưu đãi của Chính phủ theo phương thức uỷ thác - Ảnh 2.
Điểm cầu tại Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

Mười tháng đầu năm, các cấp Hội đã tiếp tục phối hợp cùng Ngân hàng CSXH triển khai thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là một số tỉnh có chất lượng tín dụng chưa cao. Đến 31/10, 04 tổ chức Hội đang quản lý trên 189 nghìn Tổ TK&VV, với dư nợ ủy thác đạt trên 241 nghìn tỷ đồng (tăng 16.419 tỷ đồng so với cuối năm 2020), chiếm trên 99,31% tổng dư nợ.
 

Cụ thể: Hội Phụ nữ quản lý 38,40% dư nợ ủy thác, Hội Nông dân quản lý 30,34%, Hội Cựu chiến binh quản lý 16,98%, Đoàn Thanh niên quản lý 14,28%. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Ngân hàng CSXH, tổ chức Hội, đoàn thể đã chú trọng, quan tâm đến việc chỉ đạo đôn đốc xử lý thu hồi nợ quá hạn.
Bên cạnh đó, Hội, đoàn thể đã quan tâm và phối hợp với Ngân hàng CSXH làm tốt công tác huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua các Tổ TK&VV và mang lại hiệu quả thiết thực. Đến 31/10, có trên 99% số Tổ TK&VV của gần 6,4 triệu tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm với số dư 14.338 tỉ đồng.
 

Công tác củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV được quan tâm sát sao. Theo kết quả việc đánh giá, phân loại Tổ TK&VV: Được xếp loại tốt có 143.928 Tổ; Tổ xếp loại khá là 16.777 Tổ; còn lại là Tổ trung bình, yếu kém.         
 

Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) là tổ chức Hội có dư nợ uỷ thác lớn thứ 2 trong 4 tổ chức Hội đoàn thể nhận ủy thác. Đến 31/10, dư nợ do Hội quản lý đạt 73.273 tỷ đồng, cho 1.960.940 thành viên vay vốn, thông qua 52.455 Tổ TK&VV.
 

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến, đồng chí Pham Tiến Nam, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: “Với mức dư nợ ủy thác lớn đứng thứ 2 trong số 4 tổ chức chính trị - xã hội tham gia ủy thác và quản lý nguồn vốn, Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN đã tập trung chỉ đạo các tỉnh, thành Hội đẩy mạnh công tác tổ chức tập huấn đối với đội ngũ cán bộ Hội; đặc biệt là đội ngũ cán bộ Hội ở cơ sở, chi Hội trưởng, Ban quản lý Tổ TK&VV...”
 

Theo đồng chí đánh giá, nhu cầu vay vốn tín dụng cho các chương trình năm 2022, nhất là với nông dân sẽ tiếp tục tăng cao. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều hiện nay khoảng 2,75%; dự báo thời gian tới khi triển khai chuẩn nghèo đa chiều mới thì tỷ lệ hộ nghèo sẽ tăng lên khoảng trên dưới 10%.
 

"Trước tình hình đó, Ngân hàng CSXH cần dự báo, rà soát để có kế hoạch tham mưu đề xuất sát thực tế, tăng nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ nông dân nghèo vay vốn. Ngân hàng CSXH cần tiếp tục phối hợp với các đoàn thể kiến nghị Chính phủ, Quốc hội bổ sung nguồn vốn trong gói kích thích kinh tế của Chính phủ để khôi phục sản xuất sau đại dịch, đáp ứng nhu cầu vay vốn của khu vực nông thôn, hộ nghèo và các đối tượng chính sách" - Phó Chủ tịch Phạm Tiến Nam cho biết.
 
 
Phát huy những kết quả đạt được, Tổng giám đốc Ngân hàng CSXH Dương Quyết Thắng đề nghị: Các tháng cuối năm 2021, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH cùng nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ ủy thác cũng như chất lượng tín dụng chính sách xã hội. 
 

Xuân Hoa
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng