Đồng vốn chính sách ngày càng phát huy hiệu quả
17:11 - 16/08/2019
(Quỹ HTND)- Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự chỉ đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, những năm qua, các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có Hội NDVN đã tích cực thực hiện tốt các chính sách tín dụng hỗ trợ hội viên, nông dân giảm nghèo và an sinh xã hội.
Ngân hàng Chính sách đã giúp hội viên, nông dân có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Chính sách xã hội là công cụ đặc thù của Đảng, Nhà nước để thực hiện chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Để nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến đúng các đối tượng cần hỗ trợ phải có sự chung tay vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, từ việc bình xét, xác định đối tượng đến tuyên truyền, vận động hội viên sử dụng vốn đúng mục đích, hoàn trả vốn đúng hạn cũng như giám sát việc thực hiện chính sách xã hội.


Hình thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở nhằm công khai hóa, xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đồng thời, củng cố hoạt động của tổ chức chính trị- xã hội ở cơ sở.


Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên ở cơ sở đã tích cực vào cuộc, cùng với Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động, cho vay, giám sát thực hiện tín dụng chính sách xã hội.


Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có trên 200.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn với hàng triệu tổ viên. Đồng vốn ưu đãi của Nhà nước đã đến tận tay người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Ngân hàng Chính sách Xã hội trở thành cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước trong việc quan tâm đến người nghèo, đối tượng chính sách.


Theo đó, tính đến ngày 30/6/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 198.505 tỷ đồng, tăng 10.713 tỷ đồng so với 31/12/2018 với hơn 6,6 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang được vay vốn.

 
Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 173.855 tỷ đồng, tăng 8.714 tỷ đồng so với năm 2018, hoàn thành 66% kế hoạch. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,78% tổng dư nợ; trong đó nợ quá hạn chiếm 0,39% tổng dư nợ.
 
 
Trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có hơn 1.158 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 113 nghìn lao động, trong đó hơn 3 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 8 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng hơn 760 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng hơn 10 nghìn căn nhà ở cho các đối tượng chính sách…

 
Riêng dư nợ ủy thác qua Hội Nông dân đạt 61.594 tỷ đồng, chiếm 31,16% tổng dư nợ ủy thác, tăng 3.154 tỷ đồng so với cuối năm 2018. Thông qua việc thực hiện ủy thác, Hội Nông dân có điều kiện củng cố tổ chức và thu hút hội viên.

 
Bên cạnh việc phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng, hội viên nông dân hăng hái gửi tiết kiệm. Đến 30/6/2019, số Tổ tiết kiệm và vay vốn đã triển khai hoạt động tiết kiệm tự nguyện là 56.494 tổ, đạt tỷ lệ 99,93% số tổ, hơn 2 triệu thành viên tham gia gửi tiền tiết kiệm với tổng số dư tiền gửi đạt 2.773 tỷ đồng.
 

Thời gian tới, Hội NDVN và các tổ chức chính trị - xã hội khác tiếp tục quan tâm, phối hợp với ngân hàng triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen.

Ngọc Hải
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường