Ngân hàng đồng hành cùng nông dân
17:07 - 14/05/2019
(Quỹ HTND)- Thời gian qua, các ngân hàng như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có Hội Nông dân trong việc hỗ trợ tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, trở thành kênh dẫn vốn và quản lý vốn hiệu quả, giúp người nông dân từng bước xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống.
Anh Vàng Thống Cáo (áo đen)ở Quản Bạ, Hà Giang được nhận quà tặng "Nông dân sản xuất giỏi" của Agribank (ảnh: Agribank)


Đến nay, NHCSXH đã cho vay thông qua 180.967 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ 193.314 tỷ đồng, trong đó qua Hội Nông dân là 56.958 tổ với dư nợ là 60.362 tỷ đồng, với gần 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang được vay vốn.


Thông qua việc thực hiện cho vay qua các tổ vay vốn, tổ tiết kiệm – vay vốn do các tổ chức chính trị - xã hội quản lý đã giúp tiết kiệm chi phí của các tổ chức tín dụng trong quản lý vốn vay, tạo điều kiện để khách hàng được giảm lãi vay; hỗ trợ Ngân hàng trong công tác thẩm định, đánh giá khách hàng cũng như trong việc đôn đốc, thu hồi nợ vay, đặc biệt là tại những địa bàn dân cư phân bố không tập trung, điều kiện giao thông khó khăn, phương tiện liên lạc còn hạn chế.


Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân được vay không có tài sản bảo đảm để sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.


Riêng trong năm 2018, tổng doanh số cho vay của NHCSXH đạt 62.078 tỷ đồng với hơn 2,1 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.


 Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp hơn 300 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hỗ trợ vốn đầu tư SXKD, tạo việc làm cho hơn 245 nghìn lao động; giúp hơn 6 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 51 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng trên 1,3 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng gần 30 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, hơn 2,8 nghìn căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

 
Một số chương trình có doanh số cho vay lớn, như cho vay hộ nghèo, cận nghèo; cho vay sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; cho vay hộ mới thoát nghèo; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... Tổng dư nợ đạt trên 3.000 tỷ đồng, tăng 254 tỷ đồng so với đầu năm.

 
Trong năm 2018, với 18 chương trình tín dụng đang dư nợ, có 12 chương trình có dư nợ tăng, trong đó tập trung tăng mạnh ở các hộ sản xuất kinh doanh, hộ mới thoát nghèo, nhà ở xã hội...

 
Năm 2018, chất lượng hoạt động ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh Quảng Bình đạt nhiều kết quả nổi bật. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh đã huy động được trên 352 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn huy động lớn nhất từ trước đến nay.


Trong đó, tiền gửi từ các tổ tiết kiệm và vay vốn là 108 tỷ đồng, đạt 109% kế hoạch, tăng gần 25 tỷ đồng so với đầu năm 2018. Doanh số cho vay các chương trình ủy thác đạt 1.195 tỷ đồng với trên 35 ngàn lượt khách hàng vay.

 
Tính đến 31/3, tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH tỉnh Quảng Ninh gần 2.900 tỷ đồng, tăng 79,18 tỷ đồng so với đầu năm. Doanh số cho vay đạt trên 260 tỷ đồng, tăng hơn 34% (so cùng kỳ năm 2018).


Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt trên 2.800 tỷ đồng. Trong quý I/2019 đã có khoảng 7.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng, với mức cho vay bình quân đạt trên 25 triệu đồng/khách hàng.


Thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, Agribank đã cho vay qua 68.871 tổ vay vốn với tổng dư nợ đạt 122.203 tỷ đồng.Agribank tại các chi nhánh luôn đồng hành cùng nông dân trong phát triển nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo.


Năm 2017, tổng dư nợ Agribank Sóc Trăng đạt trên 9.200 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ cho vay phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là 84,5% tổng dư nợ. Năm 2018, tổng dư nợ tăng lên trên 10.100 tỷ đồng. Đặc biệt từ đầu năm đến nay, tổng dư nợ đạt trên 10.400 tỷ đồng, trong đó dư nợ trong lĩnh vực phục vụ nông nghiệp, nông thôn trên 8.600 tỷ đồng.

 
Xác định Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là chương trình kinh tế trọng tâm tạo ra bước đột phá mới trong phát triển cây trồng, vật nuôi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lam Đồng. Đến 30/11/2018 dư nợ cho vay phát triển NNCNC của chi nhánh Agribank Lâm Đồng là 2.340 tỷ đồng với hơn 6.500 khách hàng vay còn dư nợ.


Thông qua NNCNC, thu nhập của người dân đã được cải thiện đáng kể, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

 
Hiện nay, Lâm Đồng đã tiếp cận được công nghệ mới như nhà kính, nhà lưới, tưới nước tiết kiệm, công nghệ sinh học, công nghệ xử lý môi trường, công nghệ thủy canh... được áp dụng đồng bộ; đưa xuất khẩu nông sản của Lâm Đồng chiếm 80% tổng giá trị xuất khẩu của cả tỉnh.


Nhiều sản phẩm của địa phương đã được chứng nhận nhãn hiệu, liên kết sản xuất theo chuỗi và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, điển hình như sản phẩm hoa lan của Công ty TNHH Hoa Mặt Trời, Cty TNHH Trường Hoàng; rau hoa của Công ty TNHH trang trại Lang Biang, Công ty TNHH Phong Thúy, Công ty TNHH TAFA Việt, Công ty cổ phần Bel Gà trong lĩnh vực chăn nuôi…


Với sự quan tâm và vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, hy vọng trong thời gian tới thu nhập và đời sống của người dân ở nông thôn ngày càng cải thiện, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Hải Lâm
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường