Agribank giữ vững vai trò chủ lực trên thị trường nông nghiệp, nông thôn
18:06 - 24/12/2018
(Quỹ HTND)- Những năm gần đây, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của Agribank đạt 70% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, chiếm gần 50% trong tổng mức cấp tín dụng nông nghiệp, nông thôn của toàn hệ thống ngân hàng. 
Mô hình cho vay qua Tổ vay vốn đã tạo điều kiện hơn cho bà con tiếp cận nguồn vốn mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh kinh tế hộ gia đình.

 
Hiện dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank đạt hơn 650 nghìn tỷ đồng với hơn 3,2 triệu khách hàng đang vay vốn thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên, 06 chính sách tín dụng, 01 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
 
 
Agribank đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và các Hội khác ở nông thôn nhằm hướng dẫn cho vay, giải ngân, thu nợ và chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi thông qua các Tổ vay vốn. Đến nay, dư nợ cho vay qua tổ đạt 110 nghìn tỷ đồng với hơn 57 nghìn Tổ vay vốn và hơn 1,3 triệu tổ viên. Một số chi nhánh cho vay thông qua tổ hiệu quả tại một số địa phương như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định, Phú Thọ…
 
 
Mô hình cho vay qua Tổ vay vốn đã tạo điều kiện hơn cho bà con tiếp cận nguồn vốn mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh kinh tế hộ gia đình.
 
 
Ông Trần Văn Lập ở thôn Quyết Tiến, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) bắt đâu vay vốn Agribank 500.000 đồng để phát triển kinh tế gia đình, rồi vay 2 triệu đồng, 50 triệu đồng và vay Agribank chi nhánh huyện Thường Xuân, Thanh Hóa 200 triệu đồng. Ông Lập chia sẻ: “Nhờ đồng vốn của Agribank, tôi nuôi gà, dê rồi trâu. Đến nay, gia đình tôi đã xây dựng được trang trại tổng hợp gồm: Gà, dê, trâu, tăng quy mô đàn và trồng được 10 ha keo, 10 ha luồng trên diện tích lên tới 25 ha. Mô hình mang lại thu nhập khoảng 350 triệu đồng/năm, tạo việc làm 10 - 30 lao động địa phương.
 
 
Ông Hoàng Văn Vinh, ở thôn Hưng Long, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) phấn khởi khi nhờ nguồn vốn đầu tư của Agribank, con trai không phải đi làm ăn xa, cùng gia đình làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. “Tháng 9/2017, tôi đã mạnh dạn vay 250 triệu đồng mua thêm 1 máy cày Kobuta 500 mã lực với ưu  đãi 2 năm đầu vay không lãi suất, năm thứ 3 lãi suất 50% và vay trong vòng 5 năm. Hiện, theo tính toán của gia đình, máy này có thể phục vụ 30 ha đất trồng lúa và 7,5 ha trồng màu. Nếu với giá hiện tại 300.000 đồng tiền công/sào thì mỗi năm gia đình tôi sẽ thu được 225 triệu đồng, trừ chi phí có lẽ 2 năm gia đình sẽ hoàn trả vốn.”- ông Vinh chia sẻ.
 
 
Nhằm xây dựng nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững, Agribank còn chủ động triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô 50 nghìn tỷ đồng phục vụ sản xuất “Nông nghiệp sạch” vì sức khỏe cộng đồng. Nhờ đó, nhiều đối tượng, mô hình đã được vay vốn.
 
 
Tiêu biểu như: Mô hình trồng rau, hoa, quả (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), chăn nuôi (Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nam), trồng hoa lan, nuôi bò sữa (Củ Chi, Kon Tum), hoa quả và rau an toàn ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên, thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP (Bình Thuận)… Đến nay, dư nợ Agribank đầu tư nông nghiệp sạch, công nghệ cao đạt hơn 5.100 tỷ đồng với hơn 2.300 khách hàng. Các mô hình sản xuất này bước đầu đã tạo sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp và người dân, qua đó dần hình thành “làn sóng” đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, có đóng góp tích cực đối với quá trình triển khai tái cơ cấu nền nông nghiệp.
 
 
Thời gian tới, Agribank tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, giữ vững vai trò chủ lực trên thị trường nông nghiệp, nông thôn.

Công Toàn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường