Làm giàu từ Tổ vay vốn
15:28 - 24/09/2018
(Quỹ HTND)- Trong những năm qua, Agribank đã thực hiện nhiều chính sách để hỗ trợ người nông dân, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam. Đặc biệt là mô hình Tổ vay vốn, tổ liên kết
Nông dân vay vốn đầu tư trồng cà phê (Ảnh minh họa)


Đây là mô hình được phối hợp thực hiện giữa Agribank, Hội Nông dân Việt Nam và Hội Phụ nữ Việt Nam. Tính đến 31/3/2018, cả nước có 52.380 tổ đang hoạt động với 1.261.847 thành viên tham gia. Tổng dư nợ cho vay thông qua tổ vay vốn/tổ liên kết đạt 90.810 tỷ đồng.


Cuối năm 2016, Hội đồng Thành viên Agribank ban hành triển khai đề án "Nâng cao hiệu quả cho vay đối với hộ gia đình và cá nhân thông qua Tổ vay vốn - Tổ cho vay lưu động". Theo đó, Agribank đặt ra mục tiêu cụ thể nâng dần tỷ trọng cho vay qua tổ từ 14,2% lên 25% trên tổng dư nợ cho vay hộ gia đình, cá nhân. Sau 5 năm triển khai nâng tổng dư nợ cho vay qua tổ đạt 165.000 tỷ đồng.


Theo đại diện ngân hàng, mô hình tổ vay vốn đã trở thành một kênh dẫn vốn và quản lý vốn giúp người dân phát triển sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả, đưa họ thoát nghèo và làm giàu tại quê hương.


Một số chi nhánh cho vay qua tổ đạt hiệu quả rất tốt như: Bắc Giang, Nam Định, Bình Thuận, Gia Lai, Hà Tây, Hà Tĩnh, Phú Yên, Tây Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Tiền Giang, Quảng Trị, Thái Nguyên, Đông Anh… nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức đoàn thể các cấp, tạo điều kiện cho các hộ gia đình và cá nhân tiếp cận vốn một cách thuận lợi và có hiệu quả, nhất là đối với các hộ gia đình, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện hiểu biết về ngân hàng, là kênh dẫn vốn có hiệu quả, tốt nhất đến với các hộ gia đình và cá nhân có nhu cầu vốn vay.


Từ thực tế hoạt động, mô hình Tổ vay vốn luôn được đánh giá cao về hiệu quả nhờ chuyển tải đồng vốn đến tay bà con nông dân một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất, sử dụng vốn vay và thanh toán nợ, lãi đúng thời hạn, không xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn, nợ đọng vốn vay, đồng thời tránh được những tiêu cực hoặc tình trạng tín dụng “đen” ở nông thôn.


Tổ vay vốn còn là nơi để các thành viên gửi gắm niềm tin, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh. Một trong những nơi đang làm tốt nhất mô hình này là tỉnh Tây Ninh.


Trong quá trình sản xuất, nếu thành viên Tổ vay vốn gặp rủi ro thì liên hệ với Agribank lập tức để tìm cách giải quyết. Agribank sẽ xem xét các điều kiện để gia hạn vay vốn cho nông dân khi chẳng may hoa màu bị thiên tai hay dịch bệnh. Trong chăn nuôi, nếu kỳ hạn đến trước đợt xuất chuồng, Agribank cũng xem xét hỗ trợ, kéo dài thời hạn vay để nông dân yên tâm chăn nuôi và sinh lời.


Từ mô hình vay vốn theo tổ, hộ nông dân từ chỗ sản xuất, chăn nuôi manh mún, nay đã phát triển với quy mô sản xuất lớn hơn.
Agribank là ngân hàng vào cuộc nhanh chóng và tích cực nhất triển khai mô hình Tổ vay vốn sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ký kết nghị quyết về việc phối hợp thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ.


 Agribank đã có những bước đi bài bản, cùng với việc triển khai ký thỏa thuận liên ngành với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, kịp thời ban hành các văn bản có liên quan về hướng dẫn cho vay thông qua Tổ vay vốn và được các chi nhánh trong toàn hệ thống quán triệt, triển khai cụ thể tại các địa phương nhằm tạo ra kênh dẫn vốn và quản lý vốn hiệu quả cho nông nghiệp, nông thôn, giúp người dân phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước thoát nghèo và có cơ hội làm giàu trên quê hương.

 
Thực tế triển khai cho vay hộ gia đình và cá nhân ở nước ta đã cho thấy hiệu quả, lợi ích không nhỏ từ mô hình Tổ vay vốn đem lại.

 
Mở rộng cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân, một trong những giải pháp được Agribank đưa ra đó là: Tích cực triển khai phương pháp cho vay qua tổ nhóm, kết hợp với Hội Nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ và nhân rộng mô hình điểm giao dịch lưu động để giảm chi phí cho vay, giảm quá tải trong tín dụng hộ sản xuất khu vực nông thôn.

Minh Thúy
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng