(Quỹ HTND)- Đây là mô hình được các chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) và các cấp Hội ND phối hợp triển khai đã giúp hàng ngàn hộ nông dân mở rộng quy mô phát triển sản xuất, kinh doanh theo mô hình trang trại, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
|
Thông qua tổ vay vốn, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất |
Cuối năm 2016, Hội đồng Thành viên Agribank ban hành triển khai đề án “Nâng cao hiệu quả cho vay đối với hộ gia đình và cá nhân thông qua Tổ vay vốn - Tổ cho vay lưu động”. Theo đó, Agribank đặt ra mục tiêu cụ thể đó là nâng dần tỷ trọng cho vay qua tổ từ 14,2% lên 25% trên tổng dư nợ cho vay hộ gia đình, cá nhân; sau 5 năm triển khai nâng tổng dư nợ cho vay qua tổ đạt 165.000 tỷ đồng.
Tiềm năng về thị trường tín dụng hộ gia đình và cá nhân còn rất lớn, khi nước ta có đến gần 24 triệu hộ gia đình, trong đó hơn 15 triệu hộ sinh sống ở khu vực nông thôn. Thực tế triển khai cho vay hộ gia đình và cá nhân ở nước ta đã cho thấy hiệu quả, lợi ích không nhỏ từ mô hình này đem lại. Tổ trưởng các tổ vay vốn cơ sở đều là cán bộ Hội ND tại địa phương nên họ hiểu rõ hoàn cảnh kinh tế của từng người trong thôn xóm, khu dân cư. Điều này đã giúp ngân hàng an tâm hơn trong việc lựa chọn, đưa tiền đến đúng đối tượng, đúng mục đích sử dụng để đồng vốn phát huy hiệu quả. Thông qua tín chấp, Agribank đã tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên Hội ND không phải đến ngân hàng, việc đăng ký nhu cầu vay vốn, giải ngân, thu nợ đều thực hiện tại UBND xã, thị trấn. Thông qua tổ vay vốn, nhiều nông dân được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước ổn định đời sống.
Chị Sùng Thị Vừ, Tổ trưởng Tổ vay vốn cụm bản Nặm Giắt, xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu (Sơn La) thông tin: Việc thành lập điểm giao dịch tại xã là rất cần thiết. Theo đó, đối với các khoản cho vay nhỏ lẻ dưới 200 triệu đồng tại địa bàn đều thực hiện cho vay tại các Tổ vay vốn. Hiện tại, Tổ tôi có 47 thành viên, vay 1,6 tỷ đồng. Có thời điểm, các thành viên vay gần 4 tỷ đồng. Nhờ tiếp cận vốn vay nhiều hộ đã thoát nghèo.
Từ nhiều năm nay, Tổ vay vốn Hội ND làng Cao Thắng, xã Cao Thịnh, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) được coi là một điển hình trong công tác dẫn vốn của Agribank đến hội viên. Sau hơn 10 năm hoạt động, tổ vay vốn luôn được đánh giá cao về hiệu quả hoạt động nhờ sử dụng vốn vay và thanh toán nợ, lãi đúng kỳ hạn; không xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn, nợ đọng vốn vay. Hầu hết các hộ đều sử dụng vốn vay vào phát triển các ngành nghề phụ ở địa phương như: Chế biến nông sản, buôn bán nhỏ, chăn nuôi lợn, trồng rừng...
Nói về hiệu quả hoạt động của Tổ vay vốn, anh Hà Tùng Lâm - hội viên nông dân Hội ND làng Cao Thắng, xã Cao Thịnh, cho biết: Từ 50 triệu đồng vay của Agribank, anh đã đầu tư trồng 1,7 ha dứa, chăn nuôi 7 con bò thịt, nuôi dê. Doanh thu bình quân hàng năm gần 600 triệu đồng, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động.
Tại Quảng Trị, chị Lê Thị Tâm, hội viên chi Hội ND thôn Tân Trang, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ đã xây dựng trang trại tổng hợp khép kín trên diện tích 10 ha vay vốn tín chấp 1 tỷ 250 triệu đồng theo thỏa thuận liên ngành số 799 giữa Hội Nông dân Việt Nam và Agribank. Giờ đây, trang trại tổng hợp của chị Tâm có 1.000 con lợn thịt; 30 con lợn nái siêu nạc; nhân giống thêm 50 lợn nái rừng; 70 con chó lai; 2.000 con gà; 300 con ngan, vịt; 02 hồ thả cá các loại; 50 gốc thanh long ruột đỏ; 500 cây bơ; 03 ha tràm và 01 ha cỏ để nuôi bò và một số loại cây khác... sau khi trừ chi phí, chị thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Chí Thiện - chi Hội trưởng chi Hội ND ấp An Khương, xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết, hiện ấp đã thành lập Tổ vay vốn với 50 thành viên, với số vốn vay tại Agribank chi nhánh Chợ Gạo - Tiền Giang gần 2 tỷ đồng. Tham gia mô hình này, các thành viên trong Tổ vay vốn được Agribank hỗ trợ vốn để đầu tư phát triển kinh tế.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thôi, ở ấp An Khương, xã An Thạnh Thủy có 8 công đất, trong đó trồng dừa khoảng 5,5 công, số còn lại ông dành để triển khai các mô hình nuôi heo, nuôi gà và làm hầm biogas nhờ nguồn vốn vay của Agribank Chợ Gạo 50 triệu đồng. Sau đó ông vay 200 triệu đồng tại Agribank để nuôi heo. Ông cho biết: "Đến nay, gia đình tôi có 450 con heo (trong đó có khoảng 40 con heo nái và trên 400 con heo thịt). Thu nhập từ các nguồn bán dừa, gà và heo... đạt khoảng 1,4 tỷ đồng/năm". Hiện ông đã trả hết nợ ngân hàng.
Gia đình ông Nguyễn Ngọc Nhơn ở ấp Tân Thắng, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo có 16 công đất và cũng được vay vốn từ mô hình cho vay qua Tổ vay vốn. Năm 2016, thông qua tổ vay vốn của Hội ND ấp, gia đình ông được Agribank chi nhánh Chợ Gạo cho vay 170 triệu đồng. Có vốn, ông đã cải tạo đất trồng dừa, nuôi bò và trồng nhiều loại hoa màu như: Bắp, ớt… Nhờ siêng năng chịu khó, nên thu nhập từ các nguồn đầu tư vừa kể trên khá ổn định. Sau nửa chu kỳ sử dụng vốn, gia đình đã có tích lũy và trả hết nợ ngân hàng.
Ông Phạm Văn Tẩy, Tổ trưởng Tổ vay vốn ấp Phước Bình 2, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) chia sẻ: Tổ của ông hiện có 50 hộ tham gia vay vốn với số tiền vay gần 2 tỷ đồng. Đến nay, những hộ gia đình này đều có kinh tế ổn định.
Đến nay, hệ thống Tổ vay vốn của Agribank được triển khai tại 53 chi nhánh với khoảng 36.000 tổ đang hoạt động (số lượng tổ vay vốn nhiều nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng) với trên 939.000 thành viên tham gia, tổng dư nợ các Tổ vay vốn quản lý đạt xấp xỉ 45.000 tỷ đồng. Bình quân mỗi tổ có 23 tổ viên, dư nợ bình quân mỗi tổ quản lý 995 triệu đồng.
Nhiều chi nhánh trong hệ thống Agribank triển khai mô hình cho vay thông qua tổ vay vốn hiệu quả như: Agribank Bắc Giang, Nam Định, Bình Thuận, Gia Lai, Hà Tây, Hà Tĩnh, Phú Yên, Tây Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Tiền Giang, Quảng Trị...
Nhờ áp dụng thành công mô hình tổ vay vốn, Agribank không những tăng trưởng mạnh mẽ dư nợ cho vay nông nghiệp, tiết kiệm chi phí và nhân lực mà tỷ lệ nợ xấu cũng rất thấp. Thông qua các Tổ vay vốn, người dân có cơ hội được nói lên nguyện vọng, nhu cầu về vốn của mình. Cách hỗ trợ đồng vốn trực tiếp cho bà con linh hoạt, phù hợp của Agribank đã giúp người dân thoát nghèo và làm giàu thành công.