(Quỹ HTND)- Nguồn vốn vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) đã giúp bà con nông dân đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ nông nghiệp, cây, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, mở rộng quy mô sản xuất.
|
Bà con phát triển chăn nuôi gia súc hiệu quả từ vốn vay của Agribank |
Bà Nguyễn Thị Lê ở thôn 1, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng Agribank huyện để đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Sau vài năm, bà đã trả vốn vay cho ngân hàng đúng kỳ hạn và lại tiếp tục vay để đầu tư chăn nuôi.
Khi chăn nuôi lợn không có lãi, gia đình tôi đã vay ngân hàng huyện 200 triệu đồng làm chuồng trại mua 100 con thỏ về nuôi. Đến nay, thỏ đã sinh sản được 200 con thỏ, với giá 70.000 đồng/kg, gia đình bà thu về khoảng gần 60 triệu đồng và trừ chi phí bà thu lãi trên 20 triệu đồng" - bà Lê cho biết.
Gia đình ông Ma Văn Ân, thôn Pá Làng, xã Thanh Tương, huyện Na Hang vay 50 triệu đồng của Agribank Nà Hang đầu tư nuôi trâu vỗ béo. Một năm gia đình ông đã trả được hết gốc và lãi cho ngân hàng. Sau đó, ông tiếp tục vay 200 triệu tại Agribank Nà Hang đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi kết hợp đào ao thả cá. Đến nay, trong chuồng nuôi của gia đình ông luôn duy trì từ 8 - 10 con trâu, 10 con lợn thịt và 1.000 m2 ao cá. Sau khi trừ chi phí, ông thu lãi gần 100 triệu đồng/năm.
Đến nay, Agribank chi nhánh Bắc Ninh đã đầu tư mở rộng hiệu quả trên các lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn; đầu tư cho nông dân cải tạo hàng nghìn ha ruộng trũng hiệu quả thấp thành vùng nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao như các xã: Bình Dương, Quỳnh Phú (huyện Gia Bình), Trung Chính, Phú Hòa (huyện Lương Tài); đầu tư cho phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa ở các xã: Tam Giang (huyện Yên Phong); Ninh Xá (huyện Thuận Thành), góp phần chắp cánh cho các làng nghề hồi sinh và phát triển nổi tiếng trong và ngoài nước như: Gốm Phù Lãng (huyện Quế Võ); tranh Đông Hồ (huyện Thuận Thành); tre trúc Xuân Lai (huyện Gia Bình)…
Khu đất 6 ha của gia đình ông Nguyễn Văn Can, ở thôn Hoàn Dương, xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam được đầu tư xây dựng trang trại bò khá bài bản với 90 con bò giống từ nguồn vốn vay ngân hàng Agribank. Việc khai thác sữa đạt sản lượng từ 150-800 kg/ngày với giá bán hiện tại từ 12-14 nghìn đồng/kg. Đàn bò của gia đình ông cho lợi nhuận từ 50-70 triệu đồng/tháng. Hiện dư nợ của ông tại Agribank chi nhánh Duy Tiên là 2,8 tỷ đồng. Sắp tới, ông sẽ mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và đã được lãnh đạo Agribank Duy Tiên cam kết sẽ hỗ trợ tối đa với những ưu đãi về lãi suất, thời hạn cho vay trong chương trình sản xuất nông sản sạch.
Hơn 10 năm gắn bó với nghề chăn nuôi heo, anh Trần Đình Phương ở ấp 5, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) cho hay ban đầu gây dựng nên cũng nhờ vào nguồn vốn vay của Agribank Chi nhánh Nhơn Trạch. Sử dụng đồng vốn vay có hiệu quả, anh Phương phát triển dần lên quy mô nuôi trang trại với 150 con heo nái và gần 1.000 con heo thịt. Khép kín từ khâu sản xuất con giống đến nuôi thành phẩm và chủ động phối trộn thức ăn nên mô hình cho hiệu quả kinh tế cao.
Anh Nguyễn Văn Hoàng ở xã Phước An, huyện Nhơn Trạch bắt đầu nuôi tôm từ nguồn vay từ Agribank Chi nhánh Nhơn Trạch, đến nay sở hữu 4ha ao nuôi tôm thẻ với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm nhưng anh Hoàng vẫn là khách hàng thân thiết của Agribank Chi nhánh Nhơn Trạch. Anh cho biết: “Tôi có được thành công hôm nay là ngay từ buổi đầu nhờ có Agribank Nhơn Trạch hỗ trợ vốn vay, khi thành công hay thất bại đều có Agribank Nhơn Trạch cùng đồng hành, chia sẻ”.
Ông Bùi Văn Thành ở ấp Trương Công Ý ở xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh (Long An) đã vay Agribank chi nhánh Tân Thạnh - Long An 400 triệu đồng. Có vốn, ông Thành đã mạnh dạn chuyển đổi 4 ha đất lúa sang trồng ổi. Hiện nay, mỗi ngày gia đình ông bán được từ 70-100 kg ổi. Nếu tính giá bình quân khoảng 10.000 đồng/kg, thì mỗi năm cũng thu nhập được trên dưới 300 triệu đồng.
Đến 30/11/2017, Agribank có tổng tài sản, nguồn vốn huy động đều đạt trên 01 triệu tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng trên 886.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ nông nghiệp, nông thôn chiếm 74%/tổng dư nợ và chiếm trên 50% thị phần tín dụng của ngành Ngân hàng đầu tư lĩnh vực này.
Thời gian tới, ngân hàng Agribank tiếp tục cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, tiết giảm chi phí để có lãi suất thấp hỗ trợ và mở rộng đầu tư tín dụng cho “tam nông” thông qua đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như về hạn mức vay vốn, kỳ hạn trả nợ, tài sản thế chấp…