Hội Nông dân huyện Thanh Oai(Hà Nội): Đa dạng các hình thức giúp hội viên, nông dân thoát nghèo
Thanh Oai là huyện đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao trên 12%/năm, cơ cấu kinh tế đang có bước chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giảm tỷ trọng trong nông nghiệp. Cán bộ hội viên nông dân trong huyện đã tích cực tham gia trực tiếp lao động sản xuất đóng góp vào sự phát triển chung trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, đồng thời hội viên nông dân đã có nhiều hình thức giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
|
Hội Nông dân các tỉnh, thành phố thăm mô hình cam canh tại xã Cao Viên huyện Thanh Oai |
Thực hiện chủ trương của Ban thường vụ Huyện uỷ về dồn ô đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong nông nghiệp... các cấp Hội đã tích cực vận động cán bộ Hội viên nông dân dồn ô, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, bàn giao đất, tạo điều kiện giải phóng mặt bằng để xây dựng các cụm, điểm công nghiệp và xây dựng nông thôn mới... Các cấp Hội đã phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm hộ nghèo bền vững, xây dựng các mô hình kinh tế hộ, mô hình kinh tế tập thể …Qua quá trình vận động, cán bộ hội viên nông dân trong huyện đã tích cực áp dụng các tiến bộ KHKT đưa các giống cây, con có giá trị và hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất và đã đem lại hiệu quả. Nhiều mô hình cá + lúa + vịt, mô hình trồng cây ăn quả, mô hình chăn nuôi, mô hình trồng trọt + sản xuất dịch vụ ở quy mô lớn đã được hình thành ở khắp các xã, thị trấn với 45 trang trại và hơn 400 gia trại trên địa bàn toàn huyện. Các xã có phong trào phát triển kinh tế nông nghiệp theo mô hình trồng trọt, mô hình trang trại mạnh như: Xã Liên Châu, Thanh Mai, Cao Viên, TT Kim Bài, Kim An, Tam Hưng...
Để giúp hội viên nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần vào việc xoá đói giảm nghèo nhiều năm qua Hội nông dân huyện đã chủ động phối hợp với các ngành, các cơ quan, Công ty, xí nghiệp trạm trại trong và ngoài huyện tăng cường các hoạt động hỗ trợ nông dân, hàng năm tổ chức trên 100 lớp chuyển giao KHKT trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên nông dân. Các cấp Hội trong toàn huyện phối hợp cung ứng vật tư trả chậm được trên 300 tấn phân bón cho HVND. Phối hợp với Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã Hội huyện duy trì và phát triển các tổ tín chấp vay vốn theo các dự án giúp nông dân phát triển sản xuất kinh doanh ...
Tính đến nay vay vốn Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn với 78 tổ TK&VV, số tiền vay là 128,389 tỷ đồng, giúp cho 2.408 hộ hội viên nông dân vay vốn. Vay vốn ngân hàng chính sách xã hội với 83 tổ số tiền vay là: 47,153 tỷ đồng giúp 2.698 hộ hội viên nông dân vay vốn. Các đơn vị thực hiện tốt công tác vay vốn giúp hội viên nông dân như: Hội nông dân xã Thanh Cao, Bình Minh, Kim An, Phương Trung, Thanh Văn ...
Ngoài ra các cấp Hội còn phát huy sử dụng tốt nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân giúp hội viên vay vốn phát triển sản xuất. Tổng nguồn quỹ hỗ trợ nông dân đang quản lý là: 20,095 tỷ đồng, trong đó 18,275 tỷ đồng nguồn của Thành phố, giúp 1.777 hộ hội viên vay; 148 triệu đồng nguồn của huyện, cho 16 hộ vay; 1.167,853 triệu đồng nguồn của Hội nông dân các xã, thị trấn, cho 180 hộ vay.
Thanh Oai là một huyện có diện tích đất bị thu hồi tương đối lớn để xây dựng các cụm, điểm công nghiệp thương mại, dịch vụ. Tại các địa phương có đất bị thu hồi số lao động là nông dân chưa có việc làm còn nhiều. Để giải quyết việc làm cho hội viên nông dân. Hội nông dân huyện đã chủ động phối hợp với trường Trung cấp nghề Hà Nội, phòng Kinh tế, phòng Lao động thương binh xã hội huyện hàng năm tổ chức hàng chục lớp dạy nghề cho hội viên, con em hội viên nông dân, (Nghề nấu ăn, nghề chẻ tăm hương xuất khẩu , mây tre đan, khâu bóng, làm chổi chít vv…). Sau học tập, các học viên đã làm nghề thành thạo có thu nhập ổn định.
Với những kết quả đã đạt được trong công tác hỗ trợ nông dân thoát nghèo trong thời gian qua, để tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững trong thời gian tới đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ yên tâm đầu tư công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh. Đồng thời Hội nông dân huyện cần phải thực hiện tốt các nhiệm vụ:
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi điển hình, làm chuyển biến nhận thức của đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân về phát triển kinh tế; khích lệ, động viên nông dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh về vốn, lao động, tích tụ đất đai để phát triển sản xuất.
Gắn phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững với việc đẩy mạnh củng cố, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội, tăng cường tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ và dạy nghề cho nông dân, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân.
Các cấp Hội tập trung xây dựng các mô hình điểm, ưu tiên hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật và các hỗ trợ khác trong xây dựng mô hình điểm làm cơ sở để cán bộ và hội viên học tập và làm theo.
Tích cực nghiên cứu, lựa chọn các mô hình sản xuất, kinh doanh tiên tiến, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, xây dựng kế hoạch để đưa cán bộ hội viên đi học tập, nghiên cứu trong và ngoài nước.