|
Agribank đặc biệt ưu tiên các dự án nông nghiệp công nghệ cao |
Theo đó, Agribank thực hiện cho vay ưu đãi đối với khách hàng vay vốn là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn. Đối tượng cho vay gồm cung ứng vật tư đầu vào cây, con giống, thức ăn chăn nuôi, phân bón chất lượng cao; xây dựng nhà máy, chuồng trại, ao nuôi, nhà kính, nuôi trồng, chế biến, thiết bị và các chi phí sản xuất khác; thu mua, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...
Chương trình vay vốn được áp dụng với mức ưu đãi thấp hơn từ 0,5-1,5% so với lãi suất cho vay hiện hành áp dụng với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay sẽ tuỳ thuộc vào mức độ tham gia các khâu từ cung ứng vật tư đầu vào, sản xuất, tiêu thụ. Với gói tín dụng ưu đãi phát triển nông sản sạch này, mức lãi suất được ưu đãi giảm tối đa tới 1,5% khi người sản xuất đáp ứng được cả 3 khâu vật tư, sản xuất và tiêu thụ trong quá trình sản xuất nông nghiệp sạch. Nếu đáp ứng đủ 3 khâu trên, lãi suất cho vay vào khoảng 5,5%/năm.
Không chỉ đơn thuần cho vay nông nghiệp sạch, Agribank đặc biệt ưu tiên các dự án nông nghiệp công nghệ cao, xác định nông nghiệp công nghệ cao là định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của Đảng và Chính phủ, vừa chính là “lối thoát” cho tín dụng tam nông hiện nay và cả trong tương lai.
Đơn cử như chương trình bò sữa của tỉnh Hà Nam sử dụng đến 100 tỷ đồng tiền vay của Agribank. Điển hình như trang trại bò 6 ha của gia đình ông Nguyễn Văn Can ở thôn Hoàn Dương, xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên. Ông trực tiếp vào miền Nam, lên Ba Vì, qua Vĩnh Phúc để mua bò giống.
Từ tháng 2/2016, việc khai thác sữa được bắt đầu. Theo ông Can, sản lượng sữa tăng từ 1,5 - 4 tạ và hiện giờ là 8 tạ/ngày. Giá sữa bán hiện tại là 12 – 14 ngàn đồng/kg, lãi từ 50 – 70 triệu đồng/tháng tùy thời điểm. Để giúp việc chăm sóc đàn bò 90 con, ngoài 3 bố con, ông Can còn thuê thêm 2 lao động để trồng, cắt cỏ, cung cấp thức ăn cho bò. Hiện dư nợ của ông tại Agribank chi nhánh Duy Tiên là 2,8 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn vay 1,2 tỷ đồng của Agribank Chi nhánh Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng), ông Trần Văn Bảy- xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang đầu tư xây dựng trang trại nuôi bò lai Sind. Ruộng quanh tranh trại ông trồng ngô và cỏ mía để làm thức ăn cho bò. Đến nay, đàn bò lai Sind của ông đã lên đến gần 70 con, tạo việc làm tại chỗ cho 3 lao động với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng và 5-10 lao động thời vụ.
Ông Bảy cho biết, tới đây sẽ triển khai thêm các mô hình chăn nuôi khép kín. Hiện nay, mỗi ngày đàn bò lai Sind của ông thải ra khoảng 1 tấn phân. Lượng phân bò này sẽ là thức ăn tốt cho trùn quế phát triển. Như vậy, ông có thể vừa chăn nuôi, vừa tận dụng được các loại thức ăn sẵn có để phục vụ tiếp việc chăn nuôi của mình.
Đến nay, dư nợ các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch vay vốn từ Agribank đạt khoảng 16.000 tỷ đồng, như: Mô hình trồng rau, hoa, quả (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), đầu tư máy móc thiết bị cho nông nghiệp (Tiền Giang, Long An), nuôi tôm giống (Kiên Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận), trồng hoa lan, nuôi bò sữa (Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh, Kon Tum), trồng mía (Khánh Hoà, Tuyên Quang), ngô (Sơn La), hoa quả và rau an toàn ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên, thanh long theo tiêu chuẩn VietGap (Bình Thuận)… Bước đầu, các mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp và người dân, qua đó dần hình thành “làn sóng” đầu tư lĩnh vực này.
Ông Trịnh Ngọc Khánh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank khẳng định: Agribank xây dựng những sản phẩm dịch vụ rất đa dạng, phong phú và luôn được đổi mới, cải tiến phù hợp với môi trường, điều kiện và dân trí khu vực nông thôn; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng, tập trung cho vay, đảm bảo an toàn, hiệu quả vốn tín dụng đầu tư.
Tính đến 31/5/2017, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt 800.000 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm trên 70%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế và chiếm hơn 50% thị phần dư nợ lĩnh vực này của toàn ngành Ngân hàng. |
Tuy nhiên, theo ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank, việc cho vay trong nông nghiệp còn gặp khá nhiều khó khăn, bởi rất ít các địa phương có quy hoạch về vùng, tiểu vùng, khu nông nghiệp công nghệ cao, quy hoạch cây, con, ngành nghề cũng chưa rõ, chủ yếu là sản xuất manh mún, tự phát.do quy hoạch cây, con, ngành nghề của địa phương hiện nay còn chưa rõ, còn manh mún. Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận nông nghiệp công nghệ cao còn chậm và các NH phải tự mày mò các quy định liên quan gây ra nhiều khó khăn. Đặc biệt, giá trị đất đai làm tài sản đảm bảo thấp do địa phương định giá theo khung giá nhà nước trong khi khoản vay giá trị lớn, pháp luật chưa cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp (nhà xưởng, nhà kính…) khiến các NH gặp nhiều trở ngại trong xem xét tài sản thế chấp để cho vay.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, hiện Agribank đang nỗ lực cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, tiết giảm chi phí để có lãi suất thấp hỗ trợ và mở rộng đầu tư tín dụng cho “Tam nông” thông qua đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như về hạn mức vay vốn, kỳ hạn trả nợ, tài sản thế chấp. Đồng thời, đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích đối với khách hàng, nhất là khách hàng khu vực nông thôn.