Đề cập đến nông nghiệp công nghệ cao, ông Xạ khẳng định, Agribank luôn tạo điều kiện tốt nhất để nông dân và DN tiếp cận vốn...
|
Trang trại bò sữa của ông Can cho lãi 50 – 70 triệu đồng/tháng |
Ông Đào Quang Xạ, giám đốc Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) chi nhánh tỉnh Hà Nam nói như vậy với chúng tôi. Hà Nam là một trong những trọng điểm chăn nuôi lợn của cả nước. Sau đợt rớt giá vừa qua, ngân hàng cùng chung sống với nông dân, tìm giải pháp, gồng mình vượt qua khó khăn...
Cháo húp quanh, nợ trả dần
5 năm trước, Hà Nam có chương trình liên kết 4 nhà mang lại hiệu quả phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại bằng sản phẩm chăn nuôi. Nhờ chính sách này chợ Bình Lục trở thành trung tâm trung chuyển lợn của khu vực và nhiều nhà máy thức ăn chăn nuôi mọc lên thúc đẩy ngành chăn nuôi Hà Nam phát triển mạnh. Chính sách tín dụng cũng từ đó có hướng khơi thông bơm vốn cho các chủ trang trại và doanh nghiệp kinh doanh cám.
Sự liên kết chặt chẽ này góp phần kéo giá cám giảm xuống 7 – 10% so với các địa phương khác nên người chăn nuôi có lãi 1 – 2 triệu đồng/con lợn. Nhiều gia đình giàu có, kinh tế trang trại phát triển cũng nhờ đầu tư chăn nuôi tốt. Có những gia đình chăn nuôi từ 1.200 đến 1.500 con lợn.
Năm 2017, sau Tết Nguyên đán xảy ra hiện tượng cung cầu bất cân đối khiến giá lợn tuột dốc, có thời điểm lợn hơi ở Hà Nam chỉ bán được 15.000 – 17.000 đồng/kg, thịt lợn ngon giá 30.000 đồng/kg. Trong khi đó dư nợ tín dụng chăn nuôi lợn tại Agribank Hà Nam là 1.600 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ. Trong bối cảnh đó, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam triệu tập hội nghị với đầy đủ lãnh đạo các địa phương, ngành và mời ngân hàng tham dự tìm giải pháp hỗ trợ nông dân.
Thiệt hại của nông dân lúc bấy giờ là rất lớn. Nhiều đàn lợn nái đẻ ra cho người dân lợn con nhưng cũng chẳng ai lấy! “Chúng tôi như ngồi trên chảo lửa. Với sự quan tâm, động viên của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc rốt ráo của anh chị em làm tín dụng nên chia sẻ với người dân phần nào”, ông Xạ cho biết.
Cách mà Agribank Hà Nam triển khai là áp dụng triệt để chính sách tín dụng theo Nghị định 55 của Chính phủ, không đưa số vốn này vào nợ xấu mà thực hiện cơ cấu lại khoản vay và tiến hành các bước giúp người dân bán lợn, thu hồi vốn. Việc thu nợ của ngân hàng chỉ tiến hành khi người dân có tiền để trả, hoàn toàn không bắt nợ người dân, không phạt nợ quá hạn.
“Nông dân nào có điều kiện trả nợ thì Agribank chỉ thu hồi nợ gốc trước, thu lãi sau. Chính cách làm theo truyền thống dân gian “cháo húp quanh, nợ trả dần” đã phần nào giảm áp lực cho cả người dân và ngân hàng”, lãnh đạo Agribank Hà Nam xác nhận.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Quang Xạ, giám đốc Agribank Hà Nam bày tỏ hai kiến nghị mong muốn Chính phủ có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho nông dân. Một là bằng một gói tín dụng với lãi suất thấp, ưu đãi nhất cho nông dân nuôi lợn để họ có điều kiện gượng dậy sau trận trượt giá vừa qua. Hai là, nhà nước sớm điều chỉnh các quy định còn cứng nhắc, không sát thực tế đối với yêu cầu chủ trang trại phải cung cấp hóa đơn, bản vẽ trong hồ sơ vay vốn.
“Ngân hàng giảm lãi suất hoặc áp dụng các chính sách khác để hỗ trợ phần nào cho nông dân được khoảng 17% mà nhà nước lại đòi hóa đơn vật liệu xây dựng, thi công, bản vẽ đối với trang trại của nông dân mất 10% thì có quá đáng lắm không? Có cần thiết lắm không? Cái này, chính sách phải gỡ bỏ đi cho người dân được nhờ”, ông Xạ kiến nghị.
Đồng vốn Agribank điểm tựa cho phát triển
Đề cập đến nông nghiệp công nghệ cao, ông Xạ khẳng định, Agribank luôn tạo điều kiện tốt nhất để nông dân và DN tiếp cận vốn. Có chương trình bò sữa của tỉnh sử dụng đến 100 tỷ đồng tiền vay của Agribank. Trang trại bò của gia đình ông Nguyễn Văn Can ở thôn Hoàn Dương, xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, thực sự có giá trị kinh tế cao. Khu đất 6 ha được ông Can thuê và đầu tư xây dựng trang trại khá bài bản. Số bò giống hiện có, ông trực tiếp vào miền Nam, lên Ba Vì, qua Vĩnh Phúc để mua.
Trang trại của ông Nguyễn Văn Can ở Duy Tiên mong nhà nước điều chỉnh lãi suất cho nông dân thấp thêm vì mức vay 10%/năm hiện nay cũng bằng mức cho DN vay. Hai là muốn được nhà nước hỗ trợ trong việc tập huấn, đào tạo kỹ thuật, tham quan học hỏi chăn nuôi bò sữa ở các mô hình trong và ngoài nước. |
Từ tháng 2/2016, việc khai thác sữa được bắt đầu. Theo lời ông Can sản lượng sữa cứ tăng từ 1,5 tạ đến 4 tạ và hiện giờ 8 tạ/ngày. Giá sữa bán hiện tại là 12 – 14 ngàn đồng/kg. Mùa đông, đàn bò cho lãi 50 – 70 triệu đồng/tháng. Để giúp việc chăm sóc đàn bò 90 con, ngoài 3 bố con, ông Can còn thuê thêm 2 lao động nữ cùng với vợ để trồng, cắt cỏ, cung cấp thức ăn cho bò. “Việc vắt sữa của đàn bò do ba bố con tôi phụ trách”, ông Can nói.
Điều ông Can phấn khởi là các con của ông đã tự học hỏi và có nhiều cải tiến trong sản xuất nên tiết giảm được cả tỷ đồng trong đầu tư, nhất là hệ thống xử lý nước thải. Hiện dư nợ của ông tại Agribank chi nhánh Duy Tiên là 2,8 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản của ông thì gấp nhiều lần thế. Chính vì lợi nhuận khá nên ông đang muốn mở rộng quy mô và có nguyện vọng vay thêm vốn để đầu tư. Về việc này, Agribank cam kết sẵn sàng cung ứng đủ vốn cho gia đình ông.
Cách đó không xa, mô hình trồng cây ăn quả của vợ chồng trẻ Trần Ngọc Hiếu (sinh năm 1982) ở thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân khá ấn tượng. Ý chí làm giàu của vợ chồng anh Hiếu chính là khai phá 3,6 mẫu ruộng của gia đình cộng với thuê lại của người dân rồi phủ lên đó một màu xanh của cây trái bốn mùa.
Hiếu chia sẻ, có được cơ ngơi này là nhờ đồng vốn vay của Agribank đã giúp vợ chồng có điểm tựa để đầu tư phát triển. Từ giã nghề lái xe, giờ gia sản của Hiếu đã có hàng chục tỷ đồng trong tay trên cơ ngơi này. Hiếu bảo, trước đây sản phẩm làm ra bán bấp bênh, từ ngày được Tập đoàn Vingroup vào đầu tư KHKT và bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên việc sản xuất của Hiếu khá ổn.
“Việc làm cỏ phải bằng sức người, không được dùng thuốc. Nếu có phun thuốc hữu cơ trên cây chỉ được thực hiện sau khi có cán bộ kỹ thuật báo cáo và được Vingroup đồng ý lịch phun, lượng thuốc phun mới được tiến hành. Khi cây ra quả như ổi, bưởi đều phải dùng túi ni lông bọc để tránh sâu bọ đục khoét”, Hiếu chia sẻ. Hiện tại ổi trang trại Hiếu đã có thương hiệu mang tên ổi Lê Bảo An có mặt tại hệ thống siêu thị Vinmart.
Đối với số gốc bưởi Diễn đầu tư bán dịp tết, Hiếu bảo chỉ bán mức giá dao động 1,5 đến 7 triệu đồng/cây, năm ngoái đã mang về cho vợ chồng 200 triệu tiền lãi. Cùng với việc bán ổi, chanh, bưởi, thanh long, các loại rau, mỗi năm gia đình Hiếu thu lãi 500 triệu đồng. Hiếu bảo, hiện dư nợ của gia đình tại Agribank Lý Nhân là 300 triệu đồng, sau vụ ổi, chanh và rau này sẽ trả hết nợ. “Tới đây sẽ đầu tư nhà lưới 1.000 m2 khoảng 1,7 tỷ đồng thì chắc không phải vay nợ nữa”, Hiếu mừng khoe.
Theo ông Nguyễn Hồng Thái, giám đốc Agribank chi nhánh Bắc Giang thì vướng mắc lớn nhất trong giải ngân vốn chính là tồn tại trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất.
Trong văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước hôm 24/7, ông Thái đề cập, hầu hết Agribank các chi nhánh loại II trên địa bàn huyện chỉ nhận tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất do khách hàng gặp khó khăn trong quá trình làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Thường thủ tục này mất 1 – 2 tháng (có trường hợp đến 3 năm nay vẫn chưa xong – PV). Để hoàn thiện thủ tục này, người dân phải nộp rất nhiều khoản phí với số tiền không hề nhỏ. Nếu diện tích đất là 500 m2 và tài sản trên đất trị giá khoảng 500 triệu thì khoản phí phải đóng gần 3 triệu đồng.
Tại thời điểm này ở Bắc Giang có 106 khách hàng cần cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất để vay vốn. Thật trớ trêu, nông dân và DN cần vốn, Agribank Bắc Giang thừa đến 5.000 tỷ đồng nhưng không thể giải ngân vì vướng lắm thủ tục nhiêu khê!
|