Trên 630.000 hộ hội viên, nông dân được vay vốn ngân hàng NN&PTNT
09:01 - 24/03/2021
(Quỹ HTND)- Thực hiện Nghị quyết liên tịch 01/TTLN-HNDVN-AGRIBANK về thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 15, 116 của Chính phủ, cả nước đang có 62/63 tỉnh, thành Hội có dư nợ đạt 66.636 tỷ đồng (chiếm 74,2% tổng dư nợ ủy thác cho các đoàn thể của ngân hàng NN&PTNT) thông qua 26.202 Tổ Vay vốn với 631.416 thành viên.
Đến nay, các cấp Hội ND tỉnh Nam Định đã cho 46.015 hộ vay 10.287 tỷ đồng thông qua 2.385 Tổ Vay vốn.


Trong đó, 2 đơn vị có dư nợ với ngân hàng đạt cao nhất cả nước gồm: Nam Định 10.226 tỷ đồng và Thanh Hóa 8.158 tỷ đồng. Ngoài ra, 9 đơn vị dư nợ trên 2.000 tỷ đồng gồm: Hòa Bình, Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Gia Lai, Tây Ninh; 12 đơn vị dư nợ từ 1.000 – 2.000 tỷ đồng gồm: Lào Cai, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Dương, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Long An.
 
 
Tiêu biểu như Hội ND tỉnh Bắc Giang đã ký Thỏa thuận liên ngành số 333 về việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình triển khai, các cấp Hội phối hợp với hệ thống Agribank trên địa bàn tăng cường tuyên truyền các chính sách tín dụng về phát triển nông nghiệp, nông thôn đến hội viên, nông dân với hình thức phong phú, phù hợp. Đặc biệt, hai ngành đã phối hợp tổ chức 02 hội thi: “Nông dân tìm hiểu hoạt động ngân hàng NN&PTNT” và “Hội ND đồng hành cùng ngân hàng NN&PTNT” theo hình thức sân khấu hóa từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, kinh phí chủ yếu do ngân hàng hỗ trợ, thu hút hơn 1.000 cán bộ, hội viên, nông dân tham gia đem lại hiệu quả thiết thực.
 
 
Cùng với đó, hàng năm, Hội ND tỉnh phối hợp với Agribank lồng ghép các nội dung thỏa thuận với chương trình, dự án và hoạt động thường xuyên của Hội; củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ Vay vốn; hướng dẫn hộ vay xây dựng các phương án sản xuất, kinh doanh để dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo nguồn vốn tín dụng giải ngân được kịp thời và phát huy hiệu quả cao nhất.
 
 
Đến nay, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã ban hành trên 30 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội triển khai thực hiện các nội dung phối hợp hoạt động với Agribank; tập huấn, hướng dẫn đến 100% cán bộ Hội cơ sở và Tổ trưởng Tổ Vay vốn về quy trình thành lập Tổ Vay vốn và cho vay qua Tổ… Năm 2020, Hội ND tỉnh phối hợp với Quỹ HTND Trung ương và Agribank tổ chức 9 hội nghị tập huấn, tọa đàm cho trên 1.500 lượt cán bộ Hội và Tổ trưởng Tổ Vay vốn. Đã có hơn 100 ý kiến đối thoại, trao đổi liên quan đến chính sách tín dụng được lãnh đạo ngân hàng trả lời làm rõ, tháo gỡ khó khăn, giúp đỡ các cấp Hội và hộ vay vốn như: Bảo hiểm tiền vay, các dịch vụ chéo, hồ sơ vay vốn…
 
 
Đến nay, các cấp Hội trong tỉnh đang quản lý 1.127 Tổ Vay vốn với trên 29.700 thành viên vay trên 3.111 tỷ đồng. Thông qua mô hình tổ, nhóm vay vốn, Hội còn lồng ghép các nội dung khác để Tổ Vay vốn thành một địa chỉ tập hợp, thu hút nông dân. Ngoài ra, hội viên, nông dân còn được tuyên truyền pháp luật, giáo dục kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ tạo việc làm, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, giúp hội viên, nông dân có sự gắn kết trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, đạt hiệu quả kinh tế cao, hàng năm, có trên 100.000 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
 
 
Bên cạnh đó, công tác củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ Vay vốn được các cấp Hội đặc biệt quan tâm, chú trọng. Quy mô Tổ Vay vốn tăng rõ rệt, năm 2015 bình quân mỗi Tổ có 16 thành viên, đến nay đã có 26 thành viên; tỷ lệ thành viên nộp lãi đúng kỳ hạn đạt trên 95%, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,1% xuống còn 0,06%.
 
 
Để thực hiện tốt nội dung thỏa thuận, các cấp Hội phối hợp với Agribank xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm. Từ năm 2015 đến nay, các cấp Hội đã tổ chức trên 2.000 cuộc kiểm tra. Sau mỗi đợt kiểm tra đều ban hành thông báo kết luận đối với đơn vị được kiểm tra, kiến nghị kịp thời với Agribank cùng cấp để chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế.
 
 
Tại Nam Định, Hội ND tỉnh ký Thỏa thuận liên ngành số 02/2010/NHNo-HND giữa Hội ND và ngân hàng NN&PTNT tỉnh; Thỏa thuận liên ngành số 01/TTLN-NHNo-HND giữa Hội ND và ngân hàng NN&PTNT tỉnh theo xu hướng xã hội hóa hoạt động ngân hàng. Thực hiện các chương trình thỏa thuận, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo Hội ND các huyện, thành phố ký chương trình phối hợp với ngân hàng NN&PTNT cùng cấp; đã có 9/10 huyện, 167 xã ký chương trình phối hợp.
 
 
Để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, Hội ND tỉnh đã lồng ghép đưa các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, hướng dẫn hội viên cách làm ăn cùng với công tác cho vay vốn. Đến nay, Hội đã cho 46.015 hộ vay 10.287 tỷ đồng thông qua 2.385 Tổ Vay vốn.
 
 
Một số điển hình sử dụng vốn đúng mục đích, đầu tư phát triển sản xuất có hiệu quả như: Ông Trần Văn Quyên ở xóm Nội, xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc vay 200 triệu đồng để nuôi cá trắm đen. Trong hơn 2 ha trang trại nuôi cá được ông chia làm 9 ao to, nhỏ khác nhau. Ao nào cũng được kè bờ kiên cố, lối đi được đổ bê tông, xung quanh trồng cây cảnh, cây ăn quả, rau xanh...
 
 
Để gia tăng thêm thu nhập ông còn thả xen canh thêm các loại cá khác như: Cá trắm cỏ, cá chép; đặc biệt là cá chép koi Nhật Bản. Trong đó, cá chép koi Nhật Bản có giá cao nhất, loại trên dưới 2 kg/con có giá bán 180 ngàn đồng/kg. Tiếp đến là cá trắm đen có giá bán 80.000 đồng/kg; các loại cá khác như cá chép, cá trắm cỏ có giá bán trên dưới 50.000 đồng/kg. Mặt khác, ông còn dành 3 ao chuyên ươm cá giống giúp tiết kiệm được chi phí, chủ động nguồn cá giống chất lượng và tránh được hao hụt khi vận chuyển.
 
 
Ngoài ao cá nuôi thập cẩm, ông Quyên cũng dành riêng một ao rộng 2.000m2 để thả nuôi gần 5 vạn con cá lóc đầu nhím. Bình quân, mỗi năm ông xuất bán gần 50 tấn cá khác nhau; trong đó cá trắm đen 12 tấn, cá lóc đầu nhím hơn 25 tấn, gần 5 tấn cá chép koi và một số loại cá khác khoảng trên 5 tấn. Trừ mọi chi phí, ông thu lãi từ 600-700 triệu đồng/năm.
 
 
Hay như hộ ông Đỗ Văn Thư ở xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản vay 2 tỷ đồng để chăn nuôi vịt, cá; ông Dương Mạnh Hà ở xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản vay 1,4 tỷ đồng để chăn nuôi gà trắng đang làm ăn hiệu quả. Thông qua chương trình phối hợp Hội đã thúc đẩy phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, năm 2020 toàn tỉnh có 129.000 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
 
 
Có thể khẳng định, sự phối hợp hiệu quả giữa Hội ND và ngân hàng NN&PTNT đã đem lại lợi ích to lớn cho người nông dân; đồng thời thể hiện chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Kết quả hoạt động của chương trình phối hợp đã tạo được niềm tin của hội viên, nông dân đối với hoạt động của ngành ngân hàng và tổ chức Hội.

Việt Hùng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng