Quỹ HTND Ninh Thuận: Điểm tựa giúp nông dân phát triển sản xuất
14:33 - 04/06/2020
(Quỹ HTND) - Những năm qua, Quỹ HTND đã trở thành nguồn vốn hữu hiệu giúp hội viên, nông dân trong tỉnh đầu tư phát triển kinh tế nhằm ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu.
Các mô hình vay vốn của Hội thông qua Quỹ HTND không những tạo công ăn việc làm cho các hộ vay vốn, mà còn có sức lan tỏa cao trong cộng đồng



Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, Quỹ HTND tỉnh được cấp bổ sung 3.636 triệu đồng. Trong đó, Quỹ HTND tỉnh: 3.296 triệu đồng; Quỹ HTND 06/7 huyện, thành phố đạt: 340 triệu đồng. Tổng số vốn cấp xã chuyển về huyện quản lý 2.231 triệu đồng.


Nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương ủy thác 660 triệu đồng cho 20 hộ triển khai 2 dự án; vốn tỉnh cho 324 hộ vay 8.550 triệu đồng thực hiện 30 dự án. Lũy kế cho vay với dư nợ đạt 20.301 triệu đồng cho 786 lượt hộ vay tại 70 dự án.


Trong đó, có 16 dự án trồng trọt, chiếm tỷ lệ 22,9%; chăn nuôi có 44 dự án, chiếm 62,8%; nuôi trồng thủy, hải sản có 06 dự án, chiếm 8,6% và ngành nghề khác có 04 dự án, chiếm 5,7%.


Hiện, 11 dự án kết thúc chu kỳ vay với 7.240 triệu đồng, gồm nguồn Trung ương 1.710 triệu đồng, nguồn tỉnh 5.530 triệu đồng; tỷ lệ thu nợ 95% số vốn phải thu trong kỳ.


Để đạt được những kết quả trên, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh luôn xác định công tác xây dựng và phát triển nguồn Quỹ HTND là một nội dung quan trọng trong phong trào thi đua.


Ngay từ đầu năm, căn cứ vào chỉ tiêu Trung ương Hội giao, tỉnh Hội sớm xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu vận động tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp.


Từ các mô hình vay vốn của Hội thông qua Quỹ HTND không những tạo công ăn việc làm cho các hộ vay vốn, mà còn có sức lan tỏa cao trong cộng đồng như: Dự án cải tạo vườn măng tây xanh ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải (huyện Ninh Phước) được Quỹ HTND tạo điều kiện cho 16 hộ hội viên, nông dân trong thôn vay 320 triệu đồng để cải tạo vườn măng tây xanh (mức vay 20 triệu đồng/hộ).


Bên cạnh đó, Hội ND xã còn chủ động phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn  bà con nông dân kỹ thuật sản xuất.


Có vốn và kỹ thuật, bà con mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng và cải tạo lại vườn măng tây xanh đem lại giá trị kinh tế cao.


Hiện nay, bình quân mỗi sào bà con nông dân thu được từ 8- 10 kg măng tây xanh, với giá bán trên thị trường dao động từ 50.000 – 80.000 đồng/kg, mỗi hộ tham gia dự án có thu nhập trên 400 triệu đồng/năm.


Hay mô hình Tổ liên kết chăn nuôi dê ở xã Phước Thuận- huyện Ninh Phước cũng giúp các thành viên trong nhóm có thu nhập trung bình từ 80- 100 triệu đồng/năm.


Tham gia Tổ liên kết, các thành viên được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ bệnh; biết tận dụng phụ phẩm từ lá nho, lá táo dùng làm nguồn thức ăn dự trữ.


Nhờ đó, đàn dê khỏe mạnh, nhanh lớn, khi xuất chuồng đều đạt trọng lượng trung bình 35 kg/con.


Một số dự án được triển khai tại các vùng tập trung đông đồng bào dân tộc hiện cũng đạt nhiều kết quả khả quan như: Dự án nuôi lợn đen ở xã Bắc Sơn- huyện Thuận Bắc; nuôi dê sinh sản tại xã Phước Trung- huyện Bác Ái.


Nhiều hộ trong dự án đã biết áp dụng kỹ thuật và tạo mối liên kết giữa các hộ trong nhóm để cùng hỗ trợ nhau về kiến thức; thực hiện đúng quy trình chăn nuôi giúp mang lại hiệu quả cao, nhiều hộ không những thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả.


Nhìn chung, các dự án triển khai đều được các cấp, các ngành đánh giá có hiệu quả về kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn; tạo sự liên kết, hợp tác cùng sản xuất, kinh doanh giữa các hộ có chung ngành nghề.


Các cấp Hội cũng thường xuyên phối hợp với ngành chức năng trên địa bàn tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp gia tăng thu nhập cho từng hộ vay trong dự án. Nhờ đó, nhiều mô hình khi triển khai đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.


Bên cạnh Quỹ, dư nợ ngân hàng CSXH đạt 1.681.529 triệu đồng với 39.565  hộ vay thông qua 801 Tổ TK & VV. Trong đó có 280 Tổ xếp loại tốt (chiếm 67%); 95 tổ đạt loại khá (chiếm 23%); 38 tổ trung bình (chiếm 9%).


Có thể khẳng định, các nguồn vốn trên đã giúp các hộ tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Nhiều dự án hiệu quả đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn.


Từ đó, giúp khai thác được tiềm năng và thế mạnh của từng vùng để tạo ra các loại nông sản hàng hoá, dịch vụ đạt chất lượng. Các hộ vay vốn trở thành những nhân tố quan trọng trong việc tham gia các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.


 

Hà Chi
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường