Hà Giang: Hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh
09:28 - 20/05/2020
(Quỹ HTND) - Thời gian qua, các cấp Hội quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân trên địa bàn.
Nguồn vốn Quỹ HTND giúp hội viên, nông dân đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực trồng trọt góp phần xóa đói, giảm nghèo cho các xã biên giới


Năm 2019, Quỹ HTND các cấp trong tỉnh vận động được trên 5 tỷ đồng, đạt 96,7% kế hoạch.


Tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp năm 2019 đạt 27.322 triệu đồng; tăng 1.250 triệu đồng so với năm 2018. Trong đó: TW ủy thác: 9.480 triệu đồng; Quỹ cấp tỉnh đạt 16.570 triệu đồng, bao gồm nguồn ngân sách cấp: 6.000 triệu đồng; UBND tỉnh ủy thác: 9.900 triệu đồng; nguồn bổ sung khác: 634 triệu đồng (tăng 94 triệu đồng); Quỹ cấp huyện đạt 1.272 triệu đồng gồm ngân sách cấp: 1.180 triệu đồng, tăng 550 triệu đồng; nguồn khác: 92 triệu đồng.


Tại địa phương, nhiều huyện tích cực xây dựng đề án, thành lập Quỹ HTND như: Hoàng Su Phì, Bắc Mê, Đồng Văn, Quản Bạ, Vị Xuyên.


Trong đó, huyện Hoàng Su Phì, Bắc Mê đã quyết định thành lập Quỹ HTND huyện và cấp ngân sách bổ sung cho Quỹ hoạt động góp phần hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, cụ thể: Huyện Bắc Quang được cấp: 200 triệu đồng; huyện Đồng Văn: 200 triệu đồng; huyện Bắc Mê: 100 triệu đồng; huyện Xín Mần: 50 triệu đồng.


Năm 2019, Quỹ HTND các cấp đã giải ngân cho 701 hộ vay 8.470 triệu đồng nâng tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh lên 23.557 triệu đồng, trong đó: Vốn Trung ương ủy thác 2.800 triệu đồng; vốn tỉnh 5.120 triệu đồng; vốn các huyện 550 triệu đồng.


Công tác đôn đốc thu hồi các dự án đến hạn đảm bảo theo đúng kế hoạch. Một số huyện làm tốt như: Bắc Quang; Hoàng Su Phì; Xín Mần, thành phố Hà Giang và Đồng Văn. Phần lớn các dự án, mô hình thực hiện có hiệu quả, sử dụng vốn đúng mục đích, việc thu hồi vốn và phí đúng quy định. 


Qua việc đầu tư cho vay theo dự án Quỹ HTND đã xây dựng thành công nhiều mô hình liên kết, hợp tác sản xuất trong nông nghiệp góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập. Đồng thời, các hộ tham gia dự án có thể trao đổi kinh nghiệm, liên kết mua vật tư đầu vào, bán sản phẩm đầu ra để tổ chức sản xuất hiệu quả.


Nguồn vốn Quỹ HTND chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực: Trồng cam, chè theo tiêu chuẩn VietGAP, chăn nuôi trâu, bò, lợn, dê, ong theo hướng hàng hóa; dự án tín dụng quay vòng bảo vệ rừng và xóa đói, giảm nghèo cho các xã biên giới.


Tiêu biểu như: Mô hình thâm canh cam tại các xã Vĩnh Phúc, Vĩnh Hảo (huyện Bắc Quang), xã Yên Hà (huyện Quang Bình); nuôi lợn ở phường Ngọc Hà, Minh Khai (thành phố Hà Giang); nuôi trâu, bò sinh sản, bò vỗ béo tại các huyện: Quản Bạ, Đồng Văn, Bắc Mê.


Hiện nay, mức cho vay của Quỹ đạt 100 triệu đồng/hộ, 150 triệu đồng/dự án. Các đối tượng vay vốn được các cấp Hội và chính quyền địa phương lựa chọn, thẩm định kỹ, có tính khả thi và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của vùng nên hầu hết nguồn vốn vay từ Quỹ đều phát huy hiệu quả; không có nợ xấu và nợ quá hạn.


Từ nguồn vốn này, nhiều mô hình sản xuất của nông dân cho thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.


Định kỳ hàng tháng, các hộ vay vốn duy trì sinh hoạt với sự tham gia của Ban Quản lý dự án và hộ vay để trao đổi, học tập kinh nghiệm trong sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm.


Nguồn vốn Quỹ thực sự phát huy hiệu quả, giúp nhiều hộ dân vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu. Thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, Quỹ HTND sẽ hướng đến việc cho vay phát triển các mô hình nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, gắn với bảo vệ môi trường; thành lập các HTX, Tổ hợp tác để quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn.


Bên cạnh nguồn vốn Quỹ HTND, Hội ND tỉnh còn chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục triển khai các nguồn vốn tín dụng chính sách nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất.


Công tác phối hợp với ngân hàng CSXH được các cấp Hội tích cực triển khai. Tính đến cuối năm 2019, tổng dư nợ các chương trình cho vay toàn tỉnh do Hội quản lý đạt 779.150 triệu đồng với 22.266 hộ vay thông qua 702 Tổ TK&VV, tăng 61.966 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2018.


Chất lượng các Tổ TK & VV không ngừng được nâng cao với 524 tổ Tổ xếp loại tốt (chiếm 74,6%); 123 Tổ xếp loại khá (chiếm 17,5%); 50 Tổ xếp loại trung bình (chiếm 7,1%).


Thực hiện thỏa thuận liên ngành 415 giữa Hội ND với ngân hàng NN &PTNT chi nhánh tỉnh, Ban điều hành Quỹ HTND đã tích cực tham mưu chỉ đạo các huyện, thành Hội tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến cán bộ, hội viên nông dân, những nội dung cơ bản của Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ và phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Toàn tỉnh thành lập được 19 Tổ Vay vốn, tổng dư nợ cho vay đạt 57.574 triệu đồng, tăng so với cùng kỳ năm 2018 là 25.772 triệu đồng, không có nợ quá hạn.

 
Bên cạnh hoạt động vay vốn, các cấp Hội tích cực phối hợp thực hiện tốt công tác hỗ trợ nông dân về thông tin về thị trường; xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả, vận động nông dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung hiệu quả kinh tế cao theo quy hoạch của tỉnh, hỗ trợ nông dân tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm; chú trọng bảo vệ hàng hóa đã có thương hiệu giúp hội viên, nông dân phát huy hiệu quả  nguồn vốn. 

 
Bên cạnh hỗ trợ về nguồn vốn, Hội ND tỉnh phối hợp với ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân; thành lập các tổ hợp tác liên kết phát triển sản xuất, tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn cách quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.


Các huyện, thị, thành và cơ sở Hội phối hợp với hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 409 cán bộ, hội viên, nông dân.


Bên cạnh đó, để bảo toàn nguồn vốn Quỹ HTND, công tác kiểm tra, giám sát cũng được các cấp Hội tiến hành thường xuyên. Ngay từ đầu năm, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Hội ND tỉnh thực hiện kiểm tra, giám sát về hoạt động Quỹ các cấp.


Qua kiểm tra cho thấy, các đơn vị đều triển khai tốt công tác quản lý, điều hành nguồn vốn Quỹ HTND. Nhìn chung, các dự án được cho vay theo đúng quy trình, từ khâu xây dựng dự án, thẩm định, phê duyệt, giải ngân.


Do đó, không xảy ra tình trạng cho vay sai đối tượng hoặc người vay sử dụng vốn vay sai mục đích. Các dự án đều tiến hành thu nộp gốc và phí đúng hạn, không có tình trạng chiếm dụng vốn.


Năm 2020, Ban vận động Quỹ HTND các cấp phấn đấu tăng trưởng nguồn Quỹ trong năm đạt 5 tỷ đồng trở lên, trong đó cấp tỉnh đạt 500 triệu đồng trở lên; cấp huyện, thành phố và cơ sở đạt 3,5 tỷ đồng trở lên; ngân sách tỉnh cấp 1 tỷ đồng trở lên; nhận ủy thác từ Trung ương Hội, vay hoặc nhận ủy thác từ các nguồn khác 1 tỷ đồng trở lên; chủ động khảo sát nhu cầu sử dụng vốn của hội viên, nông dân xây dựng các mô hình dự án cho vay vốn Quỹ HTND đúng đối tượng, mục đích.
 

 

Huy Bình
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường