Điểm tựa của nông dân để thoát nghèo
14:21 - 03/10/2024
(Quỹ HTND) – Thông qua nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh Ninh Thuận đã giúp hàng ngàn hộ hội viên, nông dân trên địa bàn có thêm nguồn lực phát triển sản xuất, kinh doanh để nâng cao thu nhập, tạo thêm việc làm, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng; góp phần ổn định tình hình kinh tế, chính trị, trật tự xã hội nói chung ở địa bàn nông thôn.


Việc quản lý và triển khai tốt các hoạt động Quỹ HTND đã giúp các cấp Hội Nông dân hướng dẫn xây dựng nhiều mô hình kinh tế theo hướng thiết thực, hiệu quả, giúp cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống


Trong giai đoạn từ 2012 – 2024, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các cấp Hội trên địa bàn tập trung triển khai thực hiện Đề án “Thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Ninh Thuận” đạt hiệu quả. Từ đó, Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực cùng những bước phát triển mạnh mẽ qua các năm.

 
Đến nay, có 7/7 Hội Nông dân huyện, thành phố trong tỉnh đã có Quỹ HTND cấp huyện; 65/65 Hội Nông dân cấp xã xây dựng Quỹ HTND, đạt 100%. Nguồn vốn Quỹ HTND liên tục tăng trưởng hàng năm đã góp phần giải quyết tốt tình trạng “khát” vốn của hàng ngàn lượt hội viên, nông dân trên địa bàn.

 
Được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền địa phương, từ năm 2012 đến nay, Quỹ HTND tỉnh đã huy động được hơn 26,783 tỷ đồng (tăng hơn 1,2 tỷ đồng so với chỉ tiêu Đề án đặt ra). Trong đó, nguồn vốn do UBND tỉnh phân bổ hơn 22,1 tỷ đồng, vốn của Hội Nông dân tỉnh, huyện và xã vận động hơn 4 tỷ đồng.

 
Kết quả, tính lũy kế cho vay quay vòng từ nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong toàn tỉnh đạt hơn 71 tỷ đồng. Qua đó, tạo điều kiện hỗ trợ cho 2.963 lượt hộ hội viên, nông dân vay vốn để triển khai thực hiện 245 dự án phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng nông thôn mới; góp phần tác động tích cực đến tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn.



Đạt được những kết quả như trên trước hết là nhờ Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh luôn xác định công tác xây dựng và phát triển nguồn Quỹ HTND chính là một nội dung quan trọng trong phong trào thi đua hàng năm của các cấp Hội.

 
Ngay từ đầu năm, căn cứ vào chỉ tiêu của Trung ương Hội giao, Hội Nông dân tỉnh sớm xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu vận động tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND trong các cấp Hội. Đồng thời, chỉ đạo các huyện, thành Hội tập trung triển khai thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, kèm theo các giải pháp chủ yếu để điều hành thực hiện kế hoạch theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh đã đề ra.

 
Thông qua nguồn vốn vay từ Quỹ HTND các cấp đã tạo điều kiện thuận lợi giúp các hộ hội viên, nông dân trong tỉnh có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh. Năm 2024, Hội Nông dân tỉnh đã thực hiện việc giải ngân trên 3,2 tỷ đồng, triển khai tại 17 dự án trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản và các ngành nghề khác cho gần 100 hộ hội viên, nông dân được tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn.

 
Cùng với đó, công tác thu hồi vốn và lãi của các dự án đã triển khai trước đó cũng được các cấp Hội chỉ đạo tiến hành đúng kế hoạch và thời gian quy định. Tính đến nay, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng đã quan tâm ủy thác quay vòng vốn cho Hội Nông dân tỉnh hơn 25,2 tỷ đồng cho 922 lượt hộ vay để xây dựng 67 mô hình, dự án phát triển kinh tế địa phương. Tỷ lệ thu hồi nợ đạt 100% số vốn phải thu trong kỳ, bao gồm tiền gốc và các khoản phí đều thu nộp đầy đủ, đúng hạn.



Hàng năm, các cấp Hội còn chủ động phối hợp với ngân hàng Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai tốt hoạt động ủy thác, tín dụng nguồn vốn vay ưu đãi. Thông qua nguồn vốn vay từ các ngân hàng đã tạo điều kiện để trợ lực giúp hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

 
Hiện, tổng dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn đạt hơn 2.019 tỷ đồng, hỗ trợ cho 34.281 hộ thành viên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Tại các địa phương trong tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình sản xuất, kinh doanh cho thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn nông thôn.

 
Từ việc quản lý và triển khai tốt các hoạt động Quỹ HTND đã giúp các cấp Hội Nông dân hướng dẫn xây dựng nhiều mô hình kinh tế theo hướng thiết thực, hiệu quả, giúp cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

 
Điển hình như: Dự án trồng và cải tạo vườn măng tây xanh tại các xã An Hải- huyện Ninh Phước và xã Xuân Hải- huyện Ninh Hải; nuôi cá bớp ở xã Thanh Hải- huyện Ninh Hải; chăn nuôi bò vỗ béo ở xã Hòa Sơn- huyện Ninh Sơn... Một số dự án trồng trọt kết hợp dịch vụ tham quan du lịch giúp gia tăng thu nhập cho hộ vay, tiêu biểu như: Dự án trồng và cải tạo vườn nho xã Vĩnh Hải- huyện Ninh Hải; trồng cây ăn trái kết hợp đầu tư du lịch miệt vườn ở xã Lâm Sơn- huyện Ninh Sơn...

 
Không chỉ từng bước đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn hỗ trợ cho hội viên, nông dân, nhất là đối với những nông hộ có hoàn cảnh gia đình khó khăn có thêm điều kiện để làm ăn, các cấp Hội còn hướng dẫn xây dựng một số mô hình kinh tế tập thể giúp nông dân liên kết với doanh nghiệp sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn, nâng cao hiệu quả kinh tế.

 
Đáng chú ý, để đáp ứng nhu cầu về vốn vay của hội viên, nông dân trong tình hình mới, hiện nay, mức cho vay theo dự án nhóm, hộ tại địa phương đã nâng từ 30 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ và từ 300 triệu đồng/dự án lên 600 triệu đồng/dự án. Từ đó, mở ra thêm những cơ hội mới cho việc xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế tập thể tại địa phương.



Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đã trở thành “điểm tựa” vững chắc cho hội viên, nông dân khi kịp thời giải ngân, hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua đó, giúp hội viên, nông dân tại nhiều địa phương mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại giá trị và lợi nhuận cao.

 
Toàn tỉnh hiện có gần 52.000 hội viên, nông dân tham gia sinh hoạt tại 65 cơ sở Hội, 398 chi Hội và 1.033 tổ Hội. Thêm một điểm sáng mới trong hoạt động Hội và phong trào nông dân trên địa bàn tỉnh đó là thông qua các dự án, mô hình được triển khai, các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân cùng liên kết lại trong sản xuất để tạo ra các sản phẩm nông sản có chất lượng cao và số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu của thị trường cả trong và ngoài tỉnh.
 

Một số mô hình, dự án mang lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao của hội viên, nông dân tại nhiều địa phương trong tỉnh cũng đang được các cấp Hội tiếp tục quan tâm, nhân rộng, nhất là những loại mặt hàng nông sản mang tính đặc thù của tỉnh như: Dê, nho, táo, nha đam...

 
Cùng với hoạt động vay vốn, để giúp hội viên, nông dân phát triển kinh tế bền vững, các cấp Hội đã và đang tích cực phối hợp với ngành chức năng, các đơn vị, doanh nghiệp tại địa phương tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất như: Sử dụng chế phẩm sinh học, xây dựng nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt vào sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với phát triển thương mại, dịch vụ du lịch.

 
Nhìn chung, các dự án triển khai trong hạn đều được các cấp, các ngành đánh giá có hiệu quả về kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn; tạo sự liên kết, hợp tác cùng sản xuất, kinh doanh giữa các hộ có chung ngành nghề.

 
Hiện nay, nhiều hộ trong dự án đã biết áp dụng kỹ thuật và tạo mối liên kết giữa các hộ trong nhóm để cùng hỗ trợ nhau về kiến thức; thực hiện đúng quy trình sản xuất giúp mang lại hiệu quả cao theo đúng mục tiêu đặt ra, nhiều hộ không những thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả. Thông qua các mô hình, các cấp Hội cơ sở cũng định kỳ tổ chức sinh hoạt, trao đổi thông tin về hoạt động của dự án, lồng ghép truyền đạt các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và của Hội cấp trên giúp bà con yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

 
Nhờ được tiếp vốn kịp thời đã giúp hội viên, nông dân trong tỉnh có thêm nguồn lực, tập trung đầu tư vào các dự án phát triển sản xuất, ngày càng khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai cũng như các nguồn lực lao động tại chỗ. Mặt khác, việc triển khai tốt hoạt động vay vốn của các cấp Hội trong tỉnh thông qua Quỹ HTND, vốn ủy thác của các ngân hàng còn giúp hội viên, nông dân hạn chế dần tình trạng phải vay tín dụng đen bên ngoài; giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng ngàn lao động tại địa phương; góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

 
Thu Thanh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng