Liên kết sản xuất hiệu quả từ nguồn vốn Quỹ HTND
08:02 - 08/09/2024
(Quỹ HTND) – Việc triển khai tốt hoạt động vay vốn của các cấp Hội trong tỉnh Bắc Kạn thông qua Quỹ HTND đã giúp hội viên, nông dân hạn chế dần tình trạng phải vay tín dụng đen. 
Hiện tại, nhiều dự án phát triển kinh tế do Hội Nông dân tỉnh triển khai đã phát huy hiệu quả, giúp nông dân nâng cao thu nhập



Việc đưa nguồn vốn Quỹ đến bà con còn khẳng định vai trò của Hội trong cán bộ và hội viên, là chỗ dựa của nông dân, thu hút ngày càng đông đảo nông dân tham gia tổ chức Hội.Qua đó, hoạt động của mạng lưới Hội tại cơ sở ngày càng được nâng cao về chất lượng, hiệu quả tập hợp nông dân.


Nhờ nguồn vốn Quỹ HTND, hội viên có vốn làm ăn, thu nhập cao từ cây trồng, vật nuôi và vượt khó thoát nghèo. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh tiếp tục xoay vòng nguồn vốn khi đến hạn thu hồi, triển khai thêm các dự án mới khả thi.


 Ngoài ra, theo dõi chặt chẽ quy trình trợ vốn, thu hồi vốn dự án, đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, cung ứng con giống, vật tư đầu vào gắn với giải quyết nông sản hàng hóa đầu ra, đảm bảo nguồn vốn sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả, nâng cao hoạt động Quỹ. Từ đó, có thêm nhiều hội viên, nông dân được hưởng lợi.


Không chỉ đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn hỗ trợ cho hội viên, nông dân, nhất là đối với những nông hộ có hoàn cảnh gia đình khó khăn có thêm điều kiện sản xuất, các cấp Hội còn hướng dẫn xây dựng một số mô hình kinh tế tập thể giúp nông dân liên kết với doanh nghiệp sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn, nâng cao hiệu quả kinh tế.


Hội Nông dân tỉnh nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình, dự án vay vốn; tập trung vốn cho các tổ Hội nghề nghiệp, Tổ hợp tác, Hợp tác xã hoạt động hiệu quả, các mô hình vừa sản xuất, kinh doanh kết hợp với du lịch, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và tiêu thụ nông sản.


Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh Bắc Kạn đạt gần 27 tỷ đồng. Trong đó, tổng dư nợ nguồn Trung ương Hội ủy thác đạt hơn 11,8 tỷ đồng cho 200 hộ vay thực hiện 23 dự án; nguồn tỉnh hơn 5 tỷ đồng cho 121 hộ vay thực hiện 15 dự án; nguồn huyện, xã thực hiện 45 dự án cho 209 hộ vay với dư nợ gần 8 tỷ đồng.


Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cấp Hội Nông dân tỉnh đã hướng dẫn xây dựng và giải ngân 14 dự án Quỹ HTND với tổng số vốn hơn 4,2 tỷ đồng cho 90 hộ vay. Qua đó, các hướng dẫn thành lập được 1 Hợp tác xã, 3 Tổ hợp tác và 2 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.


Để đạt được những kết quả trên, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh luôn xác định công tác xây dựng và phát triển nguồn vốn Quỹ HTND là một nội dung quan trọng trong phong trào thi đua. Ngay từ đầu năm, căn cứ vào chỉ tiêu Trung ương Hội giao, tỉnh Hội xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu vận động tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND trong các cấp Hội.


Nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn, Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh phối hợp với các cấp Hội cơ sở khảo sát nhu cầu các hộ vay vốn, định hướng cho các hộ vay vốn trong việc sử dụng nguồn vốn vay; vận động hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; lựa chọn những mô hình có tính khả thi để triển khai thực hiện. 


Các cấp Hội thường xuyên tổ chức kiểm tra, theo dõi quá trình sử dụng nguồn vốn của hội viên để giúp hội viên sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích…


Qua đó, tạo điểm tựa vững chắc cho các hội viên nông dân có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững. Để có nguồn vốn cho hội viên vay phát triển kinh tế, hằng năm, Hội ND các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các nhà hảo tâm, hộ có kinh tế khá quyên góp, ủng hộ Quỹ.



Quỹ HTND được coi là “bà đỡ” giúp hội viên, nông dân có vốn sản xuất, kinh doanh. Vì thế, việc quản lý, phân bổ vốn, kiểm tra, giám sát được Hội ND tỉnh tích cực triển khai. Thực tế cho thấy, nguồn vốn vay từ Quỹ HTND đã phát huy hiệu quả rõ rệt, tạo điều kiện giúp nông dân mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.



Từ nguồn vốn Quỹ, bên cạnh việc phát triển kinh tế hộ gia đình, Hội ND các cấp đã triển khai thực hiện các chương trình, tuyên truyền, vận động và định hướng cho hội viên tham gia các HTX, Tổ hợp tác, các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp như: Chi Hội chăn nuôi vỗ béo trâu, bò phường Nguyễn Thị Minh Khai; chi Hội trồng mít thái, nuôi gà an toàn sinh học phường Sông Cầu, xã Nông Thượng; chi Hội trồng quế phường Xuất Hóa…

 
Chi Hội Nông dân Tổ 19, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn đã triển khai thực hiện hiệu quả 02 dự án từ nguồn vốn Quỹ HTND thành phố gồm: Dự án “Trồng và chăm sóc cây cam, quýt” cho 10 hộ hội viên nông dân vay với số tiền 300 triệu đồng và dự án “Trồng và chăm sóc cây mỡ, quế” cho 07 hộ hội viên nông dân vay với với số tiền 415 triệu đồng.

 
Các hộ tham gia thực hiện dự án đều được tập huấn khoa học kỹ thuật, cam kết sử dụng nguồn Quỹ đúng mục đích, nộp phí đúng kỳ hạn, đồng thời vận động xây dựng Qũy HTND. Khi dự án “Trồng và chăm sóc cây cam, quýt” kết thúc đã luân chuyển nguồn vốn vay cho hội viên nông dân trong chi Hội tiếp tục vay để thực hiện dự án “Chăn nuôi gà an toàn sinh học”. Chi Hội đã thành lập được 02 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp với 13 hội viên nông dân tham gia, đó là tổ Hội nghề nghiệp chăn nuôi gà an toàn sinh học và tổ Hội nghề nghiệp trồng và chăm sóc cây mỡ, quế.


Để nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả, chi Hội đã chủ động phối hợp với Hội cấp trên tiến hành khảo sát thẩm định mô hình. Đồng thời, tổ chức họp bình xét các hộ vay vốn công khai, triển khai đúng đối tượng, điều kiện vay, thời hạn và mức vay...Chi Hội cũng thường xuyên tổ chức sinh hoạt định kỳ hoặc đột suất để trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt; phối hợp tổ chức đi tham quan, học tập chia sẻ kinh nghiệm.
 

Bên cạnh đó, hội viên còn tham gia các lớp dạy nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn. Từ nguồn vồn Quỹ HTND gia đình anh Nguyễn Duy Tư ở thành phố Bắc Kạn đã đầu tư trồng 4,2 ha đồi quế, mỡ. 


Hiện mô hình đã cho khai thác và mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Đồng thời, anh còn nuôi thả hơn 200 con giống vịt bầu biển, ngan đen và gà lai ri hơn 400 con thả vườn. Từ nuôi gia cầm thương phẩm mỗi năm đem lại thu nhập bình quân 70 triệu đồng/năm cho gia đình anh.


Anh là một trong những tấm gương điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương.


Gia đình ông Lèng Văn Nghiệp ở tổ 5, phường Xuất Hóa, TP.Bắc Kạn là một trong số nhiều hội viên nông dân nghèo vươn lên khấm khá từ nguồn vốn vay Quỹ HTND.



Được Hội Nông dân tạo điều kiện cho vay 80 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND, gia đình ông đã có vốn đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, đầu tư trồng cỏ voi, chuyển từ nuôi trâu bò chăn thả sang nuôi nhốt trâu bò vỗ béo và đạt hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, gia đình ông Nghiệp còn nấu rượu, nuôi lợn và nuôi cá với diện tích ao rộng hơn 2.000m2. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông cũng thu được gần 100 triệu đồng.


Tại xã Quân Hòa, huyện Bạch Thông, nguồn vốn Quỹ HTND đã giải ngân cho các hộ nông dân nơi đây đầu tư mô hình nuôi ba ba. 



Nhằm hỗ trợ vốn sản xuất cho bà con, Hội Nông dân xã Quân Hà, huyện Bạch Thông đã đề xuất với Hội Nông dân huyện cho vay vốn từ Quỹ HTND với số vốn 150 triệu đồng, thời gian vay 36 tháng cho 3 hộ tham gia xây dựng mô hình nuôi ba ba. Mô hình được thực hiện trên diện tích 2.000m2, với tổng số hơn 100 cặp bố mẹ ba ba, tập trung nuôi thương phẩm và bán con giống.


Số tiền vay vốn 50 triệu đồng/hộ đã giúp các hộ nông dân trên địa bàn xã có thêm nguồn vốn để đầu tư kiên cố bể nuôi và chi phí mua thức ăn hằng ngày cho ba ba. Qua đó, Hội Nông dân xã đã thành lập tổ Hội nghề nghiệp nuôi ba ba để các hộ nông dân chia sẻ kinh nghiệm, chăm sóc trong quá trình nuôi.


Dự án vay vốn Quỹ HTND trồng và chăm sóc cam, quýt được Hội ND tỉnh Bắc Kạn triển khai tại xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông với tổng nguồn vốn 700 triệu đồng cho 12 hộ tham gia.


Nhờ có nguồn vốn Quỹ, hội viên nông dân có điều kiện đầu tư trồng và chăm sóc cây cam, quýt, giúp tăng thu nhập.Là một trong những thành viên vay vốn thực hiện dự án, ông Cao Thịnh Huy ở thôn Bản Vén, xã Đôn Phong đã sử dụng toàn bộ số vốn 50 triệu đồng vay từ Quỹ HTND để chăm sóc và cải tạo vườn cam, quýt.


Xác định trồng cây cam, quýt là hướng đi lâu dài nên ông mạnh dạn thay thế những cây quýt đã già, lâu năm. Nhờ vậy mà đến nay, vườn cam, quýt phát triển tốt cho năng suất cao, thương lái cũng rất ưa chuộng vì mẫu mã quả sáng bóng và đẹp.


Nhờ tiếp cận được nguồn vốn đã giúp gia đình ông Huy phát triển sản xuất, nhiều năm liền đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện. Với diện tích gần 1ha, ông đầu tư thêm giống, phân bón, áp dụng những kỹ thuật mới đã được tập huấn nhằm nâng cao hiệu quả mô hình.


Hiện nay, Quỹ HTND cho vay theo mô hình dự án, mỗi dự án có từ 10 - 15 hộ theo tiêu chí "5 cùng" (cùng lĩnh vực lao động, cùng ngành nghề sản xuất, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ trách nhiệm và cùng hưởng lợi) nhằm xây dựng và nhân rộng các mô hình theo hình thức kinh tế tập thể.


Hiện tại, nhiều dự án phát triển kinh tế do Hội Nông dân tỉnh triển khai đã phát huy hiệu quả, giúp nông dân nâng cao thu nhập. Điển hình như dự án chăn nuôi trâu, bò vỗ béo tại xã Hoàng Trĩ, huyện Ba Bể với tổng nguồn vốn vay là 310 triệu đồng/10 hộ vay. Sau khi giải ngân, các hộ đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi mua thêm được 18 con, nâng tổng số đàn trâu, bò của các hộ tham gia dự án là 46 con.


Hay dự án "Trồng và chăm sóc cam quýt" được triển khai tại xã Dương Phong, huyện Bạch Thông với tổng số vốn vay là 1 tỷ đồng, có 15 hộ tham gia. Tổng diện tích trồng và chăm sóc thực hiện theo dự án là 30ha. Sau gần 3 năm thực hiện, cùng với số vốn tự có, hiện nay, các hộ vay vốn đã đầu tư trồng và chăm sóc 35,5ha.


Sản lượng cam, quýt đã bán ước đạt trên 400 tấn, giá bán trung bình là 8.000 đồng/kg, doanh thu của các hộ đạt khoảng 3,2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, các hộ còn thu lãi là 1,9 tỷ đồng, trung bình mỗi hộ thu lãi là 126 triệu đồng/hộ.


Nguồn vốn từ Quỹ HTND đã góp phần tích cực trong tham gia thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.



 

Đình Côn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường