Vốn Quỹ HTND giúp hội viên, nông dân triển khai hiệu quả các dự án
16:14 - 28/08/2024
(Quỹ HTND) - Nguồn vốn vay từ Quỹ HTND đã trợ giúp đắc lực giúp hội viên, nông dân Tp Cần Thơ phát triển sản xuất. Qua đó, Hội ND cũng khẳng định vai trò đồng hành, hỗ trợ nông dân trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống. 
Quỹ HTND đã giúp bà con nông dân có vốn sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, chuyển dịch cơ cấu cây trồng  chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình liên kết hợp tác sản xuất, từ các mô hình nhỏ lẻ sang mô hình liên kết có quy mô lớn



Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng tăng cường việc tuyên truyền và nhân rộng những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn vay từ Quỹ HTND, thu hút đông đảo hội viên, nông dân quan tâm, hưởng ứng và làm theo. Hoạt động công tác Hội và các phong trào nông dân ngày càng thiết thực, cụ thể và đi vào chiều sâu.


Qua các năm, các chỉ tiêu thi đua đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, trong đó hoạt động Quỹ HTND các cấp đóng vai trò tích cực trong các hoạt động nói chung của Hội. Với tổng nguồn vốn trên 48,8 tỷ đồng, Ban điều hành Quỹ HTND thành phố đã triển khai xoay vòng nhiều dự án, giúp 11.844 lượt hội viên nông dân tiếp cận vốn.


Bên cạnh đó, Hội còn nhận ủy thác từ ngân hàng CSXH để hỗ trợ 36.350 lượt hộ vay vốn với tổng dư nợ trên 1.400 tỷ đồng. Việc triển khai tốt các dự án vay vốn Quỹ HTND và các ngân hàng đã tạo điều kiện cho hội viên mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế hộ.


Từ nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội ND tỉnh đã thành lập các mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp cùng mục đích sản xuất theo quy mô hàng hóa; xây dựng mô hình kinh tế tập thể, Câu lạc bộ, Tổ hợp tác, HTX mang lại giá trị kinh tế cao.


Việc triển khai các dự án vốn vay từ nguồn Quỹ HTND được thực hiện đúng quy định, đầu tư đúng đối tượng, đúng mục đích.


Hội ND tỉnh luôn ưu tiên các dự án vay vốn Quỹ HTND để xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và có sự liên kết sản xuất, kinh doanh.Hội ND tỉnh cũng khuyến khích sử dụng vốn theo nhóm hợp tác xã, Tổ hợp tác.


Với sự hỗ trợ đa dạng từ các cấp Hội ND, trên địa bàn, ngày càng có nhiều mô hình sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trung bình mỗi năm, Hội Nông dân thành phố có 73.586 hộ đăng ký tham gia phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.


Quỹ HTND đã trở thành một trong số các "kênh" giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn hiệu quả. Thông qua nguồn vốn Quỹ, nhiều mô hình kinh tế thiết thực đã được triển khai hiệu quả, giúp người dân vươn lên thoát nghèo.


Nhằm giúp hội viên, nông dân tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật để hình thành vùng cây ăn trái chất lượng cao, Hội ND phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt đã xây dựng Dự án vay vốn Quỹ HTND "Trồng mới và chăm sóc vườn cây ăn trái" tại 3 khu vực gồm: Trường Thọ 1, Tân An và Long Châu.


Theo đó, Hội Nông dân phường Tân Lộc đã được giải ngân 500 triệu đồng nguồn vốn Quỹ HTND TP.Cần Thơ để thực hiện Dự án "Trồng mới và chăm sóc vườn cây ăn trái". Tham gia dự án có 12 hộ trong Tổ hợp tác trồng cây ăn trái chất lượng, mức vay bình quân 35-50 triệu đồng/hộ.


Bên cạnh việc vay vốn, các hộ tham gia dự án còn được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Sau 3 năm thực hiện, mỗi hộ có thu nhập bình quân từ 100 - 300 triệu đồng/năm.


Đến nay, Tổ hợp tác trồng cây ăn trái đã thu hút thêm 15 hộ tham gia, diện tích canh tác tăng thêm 15ha, giải quyết cho 20 lao động có việc làm ổn định. Làm ăn khấm khá, các hộ nông dân này đã đóng góp xây dựng Quỹ HTND ít nhất từ 50.000-100.000 đồng/hộ/năm…


Nhiều mô hình vay vốn Quỹ HTND mang lại thu nhập cao như: Dự án "Thâm canh và trồng mới vườn sầu riêng" tại xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền với số tiền 800 triệu đồng, cho 16 hộ vay thời gian vay 36 tháng (3 năm); dự án "Sản xuất lúa chất lượng cao" tại xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh; dự án "Chăm sóc và trồng mới vườn cây ăn trái (mận)" tại phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt.


Với mô hình trồng sầu riêng, nhiều nông dân, nhà vườn ở Cần Thơ đang giàu lên trông thấy, không ít mô hình trồng sầu riêng xuất khẩu giúp bà con nông dân thu tiền tỷ...


Trong quá trình cho vay, Hội Nông dân luôn chú trọng đến khâu khảo sát, chọn đúng đối tượng; tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả.


Đồng thời, Hội còn tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật, thành lập các tổ hợp tác liên kết phát triển sản xuất, tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh. Từ nguồn vốn Quỹ HTND, trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu.


Hội Nông dân phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng là một trong những cơ sở quản lý tốt nguồn vốn Quỹ HTND. Hội Nông dân quận Cái Răng đã giải ngân 300 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND cho 10 hộ hội viên nông dân trên địa bàn xã vay xây dựng mô hình "Trồng dưa hấu".


Qua 2 vụ thu hoạch, mỗi hộ hội viên thu nhập bình quân từ 60 đến 200 triệu đồng. Xác định yếu tố kỹ thuật có vai trò then chốt trong quá trình trồng dưa nên các hội viên tham gia mô hình được hỗ trợ tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm. Vì vậy, từng thời kỳ sinh trưởng, phát triển của dưa hấu đã được các hộ hội viên thực hiện theo đúng quy trình. Nhờ đó, cây trồng cho năng suất cao.


Điển hình như hộ chị Huỳnh Thanh Hòa vay 30 triệu đồng để mở rộng sản xuất trồng dưa hấu từ 0,5ha lên 0,9ha; mỗi năm thu hoạch 4 vụ với giá bán 7.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí chị có thu nhập 100 triệu đồng/năm. Hộ anh Nguyễn Văn Lạc vay 30 triệu đồng trồng dưa hấu hạt lép với diện tích 1,5ha; qua 2 vụ thu hoạch với giá bán 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh thu nhập 150 triệu đồng. 


Tổ hợp tác trồng sầu riêng ấp Tân Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Ðiền cũng là mô hình điển hình sự dụng hiệu quả vốn vay Quỹ HTND.


Hội ND xã đã được Quỹ HTND T.Ư đầu tư cho vay 800 triệu đồng để thực hiện Dự án "Thâm canh và chăm sóc cây sầu riêng" tại Tổ hợp tác trồng sầu riêng ấp Tân Thành. Sau 3 năm triển khai thực hiện, các thành viên thực hiện tốt hoàn trả vốn vay đúng quy định.


Theo đó, Tổ hợp tác trồng sầu riêng ấp Tân Thành được địa phương hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, xúc tiến việc ký kết xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Ðể hỗ trợ nông dân trồng sầu riêng, mới đây, Hội ND TP.Cần Thơ tiếp tục giải ngân 360 triệu đồng từ Quỹ HTND cho 10 hộ nông dân thực hiện Dự án "Thâm canh và trồng mới vườn sầu riêng".


Từ nguồn vốn Quỹ HTND, các thành viên trong Tổ hợp tác trồng sầu riêng ấp Tân Thành đã đầu tư mua phân bón, giống cây sầu riêng mới, lắp đặt hệ thống téc tưới nước tự động… Nhờ trồng sầu riêng mà nhiều nông dân trong Tổ hợp tác đã có thu nhập cao. Điển hình như anh Hồ Văn Điền thành viên Tổ hợp tác trồng sầu riêng nghịch vụ có thu nhập khá.


Huyện Cờ Đỏ có 18.179 hội viên, nông dân. Hiện nay, Hội Nông dân huyện đang quản lý trên 8,4 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND. Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã hỗ trợ 934 lượt hội viên vay vốn với mức phí 0,7%/tháng.


Các cấp Hội cũng đã thực hiện tốt công tác ủy thác cho vay, duy trì và quản lý các tổ Tiết kiệm và Vay vốn từ ngân hàng Chính sách Xã hội. 


Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân huyện còn thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân; tăng cường hỗ trợ thông tin, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản; liên kết với các doanh nghiệp giúp nông dân mua vật tư, máy nông nghiệp theo phương thức trả chậm...


Thời gian qua, Hội ND xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ luôn chú trọng việc quản lý và phát huy hiệu quả các nguồn vốn vay, giúp nông dân phát triển kinh tế.


Thông qua nguồn vốn vay Quỹ HTND, Hội Nông dân xã đã phát vay 4 dự án cho 30 hộ nông dân thực hiện các mô hình trồng cây ăn trái, trồng màu dưới chân ruộng, với tổng số tiền 1,3 tỷ đồng.


Hội duy trì và quản lý 8 tổ Tiết kiệm và Vay vốn của ngân hàng Chính sách Xã hội giúp 428 lượt hội viên vay vốn với tổng dư nợ đạt gần 17 tỷ đồng. Hiện nay, xã có 3 HTX, 5 Tổ hợp tác, 10 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp và 3 chi Hội Nông dân nghề nghiệp.


Chi Hội Nông dân nghề nghiệp trồng màu dưới chân ruộng Thành Thắng, xã Đông Thắng hiện có 17 thành viên, chủ yếu là người dân tộc Khmer, tham gia trồng mướp, bầu với diện tích 9,36ha.


Đa số thành viên đã được tiếp cận nguồn vốn Quỹ HTND. Bên cạnh đó, hằng năm, Hội Nông dân xã còn hỗ trợ các thành viên tham gia 2 đợt tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, từ đó giúp bà con nâng cao hiệu quả canh tác và gia tăng thu nhập.


Những năm qua, nhờ sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, chị Thị Công, thành viên chi Hội Nông dân nghề nghiệp trồng màu dưới chân ruộng Thành Thắng đã được vay vốn từ nguồn Quỹ HTND để đầu tư mua phân và thuốc, giúp việc canh tác đạt hiệu quả hơn.


Chị trồng mướp trên diện tích 2 công đất. Giá mướp dao động từ 8.000-9.000 đồng/kg và năng suất đạt bình quân khoảng 1 tấn/công mỗi vụ, giúp chị thu lãi từ 10-20 triệu đồng/công/vụ.


Từ nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp nông dân có vốn sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình liên kết hợp tác sản xuất, từ các mô hình nhỏ lẻ sang mô hình liên kết có quy mô lớn. Bên cạnh đó đã tạo công ăn việc làm và thu hút ngày càng nhiều nông dân tham gia vào Hội. Ngoài ra, vai trò chủ thể của cán bộ, hội viên ngày càng được nâng lên, tạo niềm tin của hội viên vào tổ chức, góp phần thực hiện hiệu quả vai trò của tổ chức chính trị xã hội. 



 
Xuân Hòa
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường