Hà Giang: Nguồn vốn Quỹ giúp nông dân thoát nghèo
16:17 - 25/08/2024
(Quỹ HTND) - Trong những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) các cấp trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã góp phần hỗ trợ đắc lực cho quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Mô hình nuôi lợn đen từ nguồn vốn Quỹ HTND mang lại hiệu quả kinh tế cao


Thêm vào đó, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã trở thành điểm tựa vững chắc cho nhà nông xây dựng và nhân rộng những mô hình hiệu quả giúp nông dân nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế địa phương và xây dựng nông thôn mới.


Việc triển khai các dự án vay vốn Quỹ HTND và các hoạt động hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học công nghệ mới trong sản xuất đã tạo được thêm nhiều việc làm ổn định; tích cực vận động, kết nối hội viên, nông dân tham gia xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tập thể, tổ nhóm liên kết phù hợp với từng địa phương. Các mô hình dự án cho vay được người vay đầu tư sử dụng, phát huy hiệu quả thiết thực.


Thông qua nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp Hội đã xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình kinh tế giá trị cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương. 


Một số mô hình tiêu biểu như: Thâm canh cam tại các xã Vĩnh Phúc, Đồng Yên, Tiên Kiều, Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang; xã Yên Hà, Hương Sơn, huyện Quang Bình; Trồng và chăm sóc cam theo hướng VietGAP tại các xã Vĩnh Phúc, Đồng Yên, Tiên Kiều, Vĩnh Hảo (huyện Bắc Quang); xã Yên Hà, Hương Sơn (huyện Quang Bình); chăn nuôi trâu tại các xã Vĩ Thượng, thị trấn Yên Bình (huyện Quang Bình); trồng "na núi đá" phường Quang Trung (TP. Hà Giang); mô hình "Nông dân làm du lịch" - nhà nghỉ homestay xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn).


Mô hình nông dân làm du lịch, dịch vụ homestay ở xã Du Già, huyện Yên Minh, Hà Giang là điểm sáng phát triển kinh tế ở địa phương. Lãnh đạo Hội Nông dân xã Du Già cho biết: Từ tháng 4/2021, Hội Nông dân xã Du Già được vay 600 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh của tỉnh, huyện để đầu tư phát triển du lịch, nhà nghỉ homestay với 9 hộ tại các Chi hội Cốc Pảng, Làng Khác A, Lũng Dầm, Nà Liên tham gia. Đến nay hoạt động dịch vụ và du lịch trên địa bàn xã có nhiều chuyển biến tích cực.


Tính đến cuối năm 2023, toàn xã Du Già có gần 30 hộ nông dân tham gia làm du lịch cộng đồng (mô hình nhà nghỉ homestay) theo kiến trúc nhà sàn có đầy đủ tiện nghi, đáp ứng tiêu chuẩn đón khách và phục vụ lưu trú cho trên 1.000 - 2.000 lượt du khách/ngày đêm. Hàng năm, nhờ làm du lịch đã mang lại nguồn thu nhập ổn định từ 100 - 150 triệu đồng/mỗi hộ gia đình.


Cùng với đầu tư nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình du lịch, Hội Nông dân tỉnh Hà Giang còn đầu tư nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để phát triển các mô hình cây, con đặc sản ở địa phương. Trong đó, gia đình anh Lý Văn Thuần, thôn Ngàm Đăng Vài 1, xã Ngàm Đăng Vài, huyện Hoàng Su Phì được vay 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã đầu tư chăn nuôi lợn đen thương phẩm. Với tổng đàn duy trì từ 30 - 50 con/lứa, hàng năm gia đình anh có thu nhập ổn định, đời sống đã khá giả hơn trước...


Các mô hình dự án từ nguồn vốn Quỹ HTND đã tạo việc làm cho lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân, tạo sự liên kết trong nông dân, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế tập thể ở nông thôn, nâng cao vai trò của Hội Nông dân trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 


Để quản lý nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, Ban Thường vụ, Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh đã sâu sát, cụ thể tuân thủ các quy định của Điều lệ Quỹ Hỗ trợ nông dân và pháp luật Nhà nước; Thực hiện tốt các khâu từ lựa chọn mô hình đầu tư, hộ vay, thẩm định dự án, giải ngân cho vay.


Các cấp Hội tích cực triển khai công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án tại cơ sở; đặc biệt là phân cấp giao trách nhiệm cho Hội cấp dưới và cá nhân từ đó đã nâng cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời tích cực chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố tăng cường tham mưu, đề xuất với huyện ủy, ủy ban nhân dân huyện để thành lập quỹ hỗ trợ nông dân, cấp ngân sách cho Qũy HTND hoạt động. 


Đến nay 100% huyện, thành phố đã thành lập được quỹ hỗ trợ nông dân, với số vốn hơn 2 tỷ đồng, góp phần cho quỹ hỗ trợ nông dân đóng góp tích cực hơn vào công tác xây dựng Hội Nông dân các cấp vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động quỹ hỗ trợ nông dân, các cấp Hội trong tỉnh  tiếp tục thực hiện tốt Điều lệ quỹ hỗ trợ nông dân, tuân thủ quy trình nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra hộ vay và hoạt động quỹ hỗ trợ nông dân cấp dưới. 


Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp tích cực tham mưu cho cấp ủy cùng cấp nâng cao chất lượng hoạt động của Ban vận động xây dựng quỹ; chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền bổ sung ngân sách cho quỹ hoạt động. Đồng thời quan tâm xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý quỹ đủ trình độ, năng lực, kinh nghiệm để quản lý tốt nguồn vốn quỹ, đảm bảo quỹ hoạt động đúng mục đích, ý nghĩa, vai trò của quỹ, đóng góp tích cực vào công tác xây dựng Hội nông dân vững mạnh là trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.


Ngoài ra, các cấp Hội Nông dân đã chỉ đạo thực hiện tốt việc củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động ủy thác vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Kết quả, đã duy trì tốt 972 tổ tiết kiệm và vay vốn, thực hiện quản lý 31.894 hộ với tổng dư nợ 446.343 triệu đồng. Với số vốn trên đã tạo điều kiện cho các hộ nông dân đầu tư phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển các làng nghề truyền thống. 


Nhờ đó, nhiều địa phương trong tỉnh đã phát triển được những mô hình kinh tế liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao; các mô hình vừa phát triển kinh tế hiệu quả vừa gắn với việc xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Nhiều mô hình kinh tế khi được xây dựng và triển khai còn giúp phát huy tốt các điều kiện, lợi thế sẵn có ở địa phương. Cho đến nay, toàn tỉnh Hà Giang đã có 35.811 hộ đạt tiêu chí sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.   


Ngoài ra, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh thường xuyên phối hợp với các ban, ngành của thị xã mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên, nông dân. Bên cạnh đó, Hội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn của hội viên, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và phát huy được hiệu quả.  


Hầu hết các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích và phát huy hiệu quả vốn vay. Nguồn vốn vay đã giúp nhiều hộ có điều kiện để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, trở thành những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. 


Đáng chú ý, trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, tổ chức Hội Nông dân các cấp đã phát huy rõ nét vai trò và hiệu quả hoạt động, trở thành nơi tập hợp đoàn kết, hỗ trợ hội viên trong phát triển kinh tế, giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Qua đó, đóng góp và tạo nhiều dấu ấn quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Bên cạnh việc hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp, tỉnh Hà Giang còn tiếp vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh để giúp bà con làm kinh tế từ những mô hình làm du lịch, trồng trọt và chăn nuôi.


Theo ông Trần Xuân Thủy - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang, để quản lý nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ban Thường vụ, Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã sâu sát, cụ thể, tuân thủ các quy định của điều lệ quỹ và pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt các khâu từ lựa chọn mô hình đầu tư, hộ vay, thẩm định dự án, giải ngân cho vay; kết hợp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án tại cơ sở; đặc biệt là phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho Hội cấp dưới và các cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ. Nhờ vậy, hầu hết các hộ hội viên vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, đảm bảo hiệu quả đồng vốn.
Mai Lan
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường