|
Nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả, tạo được không khí thi đua sôi nổi ở các vùng nông thôn, gắn kết hội viên, nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, nâng cao giá trị của hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất tập trung
|
Để sử dụng nguồn Quỹ hiệu quả, Hội Nông dân các cấp phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát nhu cầu vay vốn của các hộ gia đình. Thông qua những mô hình phát triển sản xuất không những tạo việc làm, tăng thu nhập cho những hộ trực tiếp tham gia dự án mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển sản xuất nông nghiệp, ngành nghề.
Không chỉ đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn hỗ trợ cho hội viên, nông dân, nhất là đối với những nông hộ có hoàn cảnh gia đình khó khăn có thêm điều kiện sản xuất, các cấp Hội còn hướng dẫn xây dựng một số mô hình kinh tế tập thể giúp nông dân liên kết với doanh nghiệp sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân các cấp quản lý nguồn vốn Quỹ HTND đảm bảo an toàn vốn và phát triển sản xuất đạt hiệu quả kinh tế. 6 tháng đầu năm 2024, các cấp Hội tổ chức vận động tăng trưởng nguồn vốn Quỹ đạt 1,259 tỷ đồng, trong đó có 0,865 triệu đồng từ nguồn ngoài ngân sách.
Hiện, tổng nguồn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh hiện đang quản lý là 37 tỷ 949 triệu đồng cho vay 335 dự án với tổng số hộ vay là 1.523 hộ. Trong đó: Nguồn TW Hội ủy thác 15,9 tỷ đồng; nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh 4,6 tỷ đồng; nguồn Quỹ HTND huyện 8 tỷ 889 triệu đồng; nguồn vốn do Hội ND xã vận động đạt 8 tỷ 56 triệu đồng.
Để đạt được những kết quả trên, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh luôn xác định công tác xây dựng và phát triển nguồn vốn Quỹ HTND là một nội dung quan trọng trong phong trào thi đua. Ngay từ đầu năm, căn cứ vào chỉ tiêu Trung ương Hội giao, tỉnh Hội xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu vận động tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND trong các cấp Hội.
Hằng năm, Hội xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc sử dụng vốn, phân bổ vốn cho từng đơn vị đạt tiêu chuẩn và đưa vào chỉ tiêu bình xét thi đua, đánh giá cuối năm. Việc lựa chọn đơn vị được vay vốn từ cấp huyện đến cấp Trung ương, cũng có những điều kiện nhất định.
Quy trình hội viên, nông dân được vay vốn từ Quỹ các cấp cũng được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ từ chi Hội họp, bình xét đến Hội Nông dân tỉnh thẩm định đối với vốn của tỉnh và Trung ương. Các bước được thực hiện công khai, dân chủ để tất cả hội viên, nông dân có nhu cầu, đáp ứng các tiêu chí thì đều được tiếp cận vốn vay.
Quy trình cho vay chặt chẽ, bảo đảm nguồn vốn khi trao đến tay hội viên được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả. Thực tế cho thấy, nguồn vốn vay từ Quỹ HTND đã phát huy hiệu quả rõ rệt, tạo điều kiện giúp nông dân mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.
Thông qua hoạt động dự án, việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của Hội Nông dân các cấp tới hội viên có nhiều thuận lợi hơn.
Mỗi năm, công tác kết nạp hội viên mới và vận động các tổ chức, cá nhân hội viên, nông dân trên địa bàn xã tham gia đóng góp tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND luôn đạt và vượt chỉ tiêu do Hội cấp trên giao. Việc đưa nguồn vốn Quỹ đến bà con còn khẳng định vai trò của Hội trong cán bộ và hội viên, là chỗ dựa của nông dân, thu hút ngày càng đông đảo nông dân tham gia đoàn thể.
Xã Giao Hải nằm ở phía Đông Nam huyện Giao Thủy, là địa phương ven biển có lợi thế trong khai thác nuôi trồng thủy hải sản với sản lượng hàng năm khoảng 5.000 – 5.700 tấn. Với mục tiêu phát triển đa dạng các loại con nuôi đồng thời phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho nhân dân trong xã đấu thầu diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt thuộc vùng chuyển đổi ven chân đê. Hội Nông dân xã đã tham mưu với UBND khảo sát và thành lập Tổ hợp tác “Nuôi trồng thủy sản” Giao Hải với 25 hội viên nông dân tham gia tại vùng chuyển đổi.
Thông qua nguồn vốn Quỹ HTND, 20 thành viên trong Tổ hợp tác được tham gia vay vốn với tổng số tiền 01 tỷ đồng. Từ khi dự án triển khai, định kỳ các thành viên tổ chức sinh hoạt để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, trung bình mỗi năm tham gia 1 - 2 buổi tập huấn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tham quan 3 mô hình học hỏi kinh nghiệm của các địa phương về phát triển kinh tế nuôi trồng thủy sản.
Trên cơ sở kiến thức được chuyển giao và học tập, các hộ mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng trang bị thiết bị hiện đại phục vụ cho nuôi trồng như: Máy kiểm tra nguồn nước, máy bắn cám tự động, quạt nước, máy phát điện tự động, các loại máy bơm và phục vụ cho khâu thu hoạch như máy tời, trã…
Ngoài ra các thành viên còn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sử dụng chế phẩm sinh học phục vụ cho xử lý nguồn nước và các bệnh thông thường cho cá đảm bảo đạt vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhờ đó, sản lượng thủy sản tăng lên qua từng năm, những sản phẩm chủ lực tại vùng nuôi đạt giá trị từ 1 - 1,2 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận của người sản xuất đạt 300 - 500 triệu đồng/ha/năm, tăng từ 60 - 70 triệu đồng/hộ/năm so với mô hình cũ.
Đồng thời, đóng góp cho ngân sách địa phương từ thuê đấu thầu diện tích nuôi trồng thủy sản theo hợp đồng 200 triệu đồng/năm.
Không chỉ đạt hiệu quả trong sản xuất nuôi trồng thủy sản nước ngọt, các thành viên tham gia đã có sự liên kết trong ký kết hợp đồng với các công ty, doanh nghiệp nhập thức ăn, thuốc phòng bệnh đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chất lượng và giảm được giá thành đầu vào.
Từ hiệu quả hoạt động của Tổ hợp tác gắn với tổ hội nghề nghiệp, Hội nông dân xã đã thành lập mô hình chi Hội Nông dân nghề nghiệp “Nuôi trồng thủy sản” với 53 thành viên.
Các thành viên thực hiện tốt quy chế đề ra, định kỳ tổ chức sơ kết, đánh giá và tổ chức nhiều hội nghị để cùng tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, tìm giải pháp sử dụng thuốc xử lý nước, trị bệnh cho cá, hỗ trợ các hộ đạt hiệu quả thấp...
Đặc biệt, chi Hội đã hình thành được khu nuôi đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGap và ký kết được đầu ra cho sản phẩm với một số doanh nghiệp như:Công ty TNHH hải sản Hùng Vương, các hồ câu tại Hà Nội...
Như vậy, từ một vùng đất nhiễm mặn, trồng lúa năng suất thấp với mức thu nhập chỉ từ 30 - 40 triệu đồng/ha/năm, có những diện tích không thể canh tác phải bỏ hoang, đến nay nông dân Giao Hải đã cải tạo, hình thành một vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản nước ngọt và tạo chuỗi liên kết sản xuất với quy mô hơn 30 ha với việc làm ổn định cho 80 lao động. Tiêu biểu phải kể tới hộ ông Mai Văn Nam đã xây dựng sản phẩm đạt chất lượng VietGap.
Với diện tích hơn 2 ha, ông tập trung nuôi các loại cá truyền thống như cá trắm đen, trắm cỏ và cá chép, mỗi năm đạt sản lượng 25 tấn/ha, thu nhập 2,5 tỷ đồng và sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được từ 300 - 400 triệu đồng/ha. Hiệu quả mà Quỹ HTND mang lại đã góp phần tạo được sự liên kết giữa doanh nghiệp với Tổ hợp tác và hộ nông dân.
Mỗi thành viên sẽ là hạt nhân để nhân rộng diện tích chuỗi liên kết sản xuất để Giao Hải thực hiện được mục tiêu đến năm 2025 có trên 50 ha diện tích nuôi trồng thủy sản tập trung.
Những kết quả trên càng khẳng định vai trò, vị thế của Quỹ HTND, của tổ chức Hội Nông dân với vai trò bà đỡ, cầu nối giúp hội viên xác định được hướng đi đúng, hiệu quả trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhằm thoát nghèo.
Đặc biệt, công tác tạo vốn cho nông dân vay phát triển sản xuất luôn được các cấp Hội quan tâm thực hiện. Bên cạnh đó, hoạt động phối hợp với các ngân hàng được các cấp Hội đẩy mạnh.
Hiện dư nợ từ ngân hàng CSXH đạt 1.714,801 triệu đồng, thông qua 1.112 tổ TK&VV, cho 38.730 hộ vay; tín chấp vay vốn từ ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến 31/5, tổng dư nợ từ Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh tỉnh Nam Định và chi nhánh Bắc Nam Định đạt 12.573,17 tỷ đồng cho 54.273 hộ vay thông qua 1.670 tổ Vay vốn.
Hội phối hợp với ngân hàng Nông nghiệp &PTNT chi nhánh tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện thỏa thuận liên ngành về việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ, giai đoạn 2021 – 2023. BCH Hội Nông dân tỉnh tặng bằng khen cho 06 tập thể trực thuộc Hội ND tỉnh; ngân hàng NN&PTNT Việt Nam chi nhánh tỉnh Nam Định có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện thỏa thuận liên ngành về thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo nghị định 55/2015/NĐ-CP, giai đoạn (2021 - 2023).
Cùng với hoạt động hỗ trợ vốn, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các ngành, cơ quan chuyên môn thực hiện các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho nông dân.
Hội tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. 5.000 tấn phân bón tới hội viên nông dân theo hình thức trả chậm; tổ chức cho hội viên nông dân đi tham quan, học tập tìm hiểu để nâng cao kiến thức tại các mô hình điển hình trong và ngoài tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm, Hội phối hợp tổ chức 20 lớp dạy nghề cho 700 lượt người. Đồng thời phối hợp tổ chức tư vấn và giới thiệu việc làm cho trên 1.000 người.
Đến nay, Quỹ HTND trở thành kênh dẫn vốn quan trọng trong mối quan hệ mật thiết giữa các cấp Hội và hội viên, nông dân. Qua các năm, Quỹ HTND các cấp không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động để phù hợp với thực tế tái cơ cấu ngành nông nghiệp, dần đáp ứng nhu cầu vay vốn của hội viên, nông dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm, đảm bảo an toàn, minh bạch, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
Tại nhiều địa phương trong tỉnh hiện đã triển khai và xây dựng một số mô hình sản xuất với quy mô lớn từ nguồn vốn vay Quỹ HTND đang cho thấy phát huy hiệu quả rõ rệt giúp giải quyết nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân.
Vốn Quỹ HTND đã có những tác động rất lớn đến việc nâng cao nhận thức cho các hộ hội viên, nông dân, biết đầu tư tập trung phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi nhằm gia tăng thu nhập.