Phát huy hiệu quả các mô hình vay vốn
15:41 - 04/08/2024
(Quỹ HTND) - Từ nguồn vốn Quỹ HTND, hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng, nhân rộng các mô hình chăn trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh hiệu quả, vươn lên làm giàu và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Vốn vay được hội viên, nông dân sử dụng đúng mục đích, phát triển sản xuất có hiệu quả, bảo toàn được vốn không bị thất thoát, chiếm dụng, quy mô đầu tư vốn cho một dự án được nâng cao, nhiều mô hình đã khẳng định được hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân



Quỹ HTND các cấp đã tạo được sự tin tưởng, quan tâm của các cấp ủy Đảng và sự tạo điều kiện của UBND các cấp, cùng với sự phối hợp giữa các ban, ngành với Hội Nông dân trong công tác triển khai thực hiện vận động tăng trưởng, phát triển nguồn Quỹ HTND.


Nhiệm vụ trọng tâm mà Ban Thường vụ Hội ND tỉnh tập trung hướng tới trong những năm qua chính là tích cực chỉ đạo các cấp Hội triển khai thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình.


Qua đó nhằm hỗ trợ nguồn lực về vốn giúp hội viên, nông dân trên địa bàn mạnh dạn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh và vươn lên trong cuộc sống. Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát vốn vay được các cấp Hội thực hiện nghiêm túc.


Vốn vay được hội viên, nông dân sử dụng đúng mục đích, phát triển sản xuất có hiệu quả, bảo toàn được vốn không bị thất thoát, chiếm dụng; Quy mô đầu tư vốn cho một dự án được nâng cao, nhiều mô hình đã khẳng định được hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.


Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về mục đích ý nghĩa, nội dung, vai trò của hoạt động Quỹ HTND với công tác Hội và phong trào nông dân; tuyên truyền, vận động đẩy mạnh nhân rộng mô hình hiệu quả từ việc vay, sử dụng nguồn vốn Quỹ HTND.


Thông qua đó, góp phần đẩy mạnh hoạt động công tác Hội và các phong trào nông dân, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.


Bình quân mỗi năm, phong trào đã thu hút gần 300.000 hộ nông dân đăng ký thi đua và có hơn 200.000 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó, năm 2023, số hộ sản xuất kinh doanh giỏi có mức thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng là trên 68.000 hộ, thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng là trên 17.000 hộ, thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng là trên 6.000 hộ, thu nhập từ 1 tỷ đồng - 5 tỷ đồng là hơn 756 hộ, thu nhập từ 5 tỷ đồng - 10 tỷ đồng là 279 hộ.


Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã khuyến khích, động viên hội viên, nông dân phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bằng nhiều hình thức: giúp về vốn, giống, ngày công lao động, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật, cách làm ăn; chia sẻ với những khó khăn, mất mát của đồng bào các vùng gặp thiên tai lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh.


Bình quân hàng năm, các cấp Hội đã vận động các hộ nông dân SXKD giỏi tạo việc làm tại chỗ cho hơn 238.000 lượt lao động nông thôn, trong đó có 199.000 lượt lao động có việc làm thường xuyên, hơn 39.000 lượt lao động có việc làm theo mùa vụ; giúp đỡ vốn, giống cây, con và kinh nghiệm sản xuất cho 8.000 lượt hộ nông dân, góp phần hỗ trợ, giúp đỡ 4.000 hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn thoát nghèo; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện.


Những kết quả nêu trên đã khẳng định, phong trào Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã và đang phát triển mạnh mẽ, có sức lan tỏa trong toàn tỉnh.


Từ nguồn vốn vay, nhiều gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn đã xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững, vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả ở địa phương.


Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh và Hội Nông dân các cấp đã phối hợp tuyên truyền các nội dung về hỗ trợ vốn cho hội viên, nông dân; các mô hình dự án hiệu quả từ nguồn vốn Quỹ HTND để lan tỏa, tác động nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân.


Đồng thời giúp cán bộ, hội viên, nông dân và các cấp, các ngành hiểu rõ, nhận thức đầy đủ hơn về mục đích, ý nghĩa, nguyên tắc, nội dung hoạt động của Quỹ HTND. Hiện nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt 44,132 tỷ đồng. Từ nguồn vốn Quỹ HTND, Hội Nông dân tỉnh đã thực hiện nhiều dự án hỗ trợ nông dân xây dựng được mô hình sản xuất đáp ứng được yêu cầu của thị trường, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.


Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân tỉnh đã tín chấp và nhận ủy thác với các ngân hàng cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ gần 17.000 tỷ đồng với trên 175.000 thành viên vay tại 5.500 tổ Vay vốn và triển khai thực hiện hiệu quả 77 dự án với 599 hộ vay 37,1 tỷ đồng vốn Quỹ HTND.


Hoạt động của Quỹ HTND ngày càng có nhiều đổi mới, tập trung cho vay vào các dự án liên kết theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng, duy trì và phát triển các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp.


Từ nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương, Quỹ HTND tỉnh, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân các cấp thành lập mới được 20 tổ hợp tác, 6 HTX, thành lập mới gần 20 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp và nhiều chi Hội Nông dân nghề nghiệp. Hướng dẫn, giúp đỡ các hộ vay vốn ở 10 dự án có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, VietGAP.


Quỹ HTND được triển khai thực hiện với mục tiêu ưu tiên cho vay để xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh; có sự liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.


Thực tế cho thấy, nguồn vốn Quỹ HTND không chỉ giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, mà còn giúp thay đổi phương thức canh tác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.


Hàng năm, Hội phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp, hàng năm tổ chức gần 3 nghìn lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 350.000 lượt cán bộ, hội viên, nông dân, trong đó có các hộ tham gia vay vốn Quỹ HTND; hướng dẫn xây dựng được hàng trăm mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao, gắn với xây dựng chuỗi giá trị.


Bên cạnh đó, nguồn vốn Quỹ HTND cũng giúp xây dựng được nhiều mô hình khởi nghiệp thành công tại các địa phương, được Hội ND các huyện, thành phố tích cực tuyên truyền và tiếp tục nhân rộng. 


Nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao, giúp các hộ hội viên, nông dân phát triển kinh tế gia đình, vươn lên khá, giàu. Từ các dự án sử dụng nguồn đầu tư nhờ vốn Quỹ HTND còn giúp gia tăng sự chia sẻ và tính đoàn kết giữa các thành viên tham gia dự án, cùng nhau trao đổi về kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh... 


Tại địa phương, các dự án đã và đang thực hiện xây dựng hàng trăm mô hình về trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ ngành nghề mang lại hiệu quả cao.


Điển hình như các dự án: “Trồng cây đào cảnh” tại xã Hợp Lý (huyện Triệu Sơn), “Trồng rau quả chất lượng cao trong nhà lưới” tại xã Nga Thành (huyện Nga Sơn) đã xây dựng thành công HTX sản xuất rau, quả chất lượng cao Nga Thành và 2 sản phẩm dưa vàng và dưa chuột của HTX đạt sản phẩm OCOP.


Các dự án ứng dụng công nghệ cao như: “Nuôi cá nước ngọt” ở xã Thiệu Long (huyện Thiệu Hóa); các dự án góp phần vào phát triển làng nghề “Chế tác đá mỹ nghệ” tại xã Minh Tân (huyện Vĩnh Lộc), dự án “Sản xuất, kinh doanh mộc dân dụng” tại xã Quảng Đại (TP Sầm Sơn)... đã góp phần vào nâng cao thu nhập cho nông dân, phát triển kinh tế hợp tác, HTX; xây dựng các sản phẩm OCOP, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, các sản phẩm chủ lực của các địa phương trong tỉnh.


Ông Trần Văn Lành (ở tổ dân phố Liên Thịnh, phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn) là hộ viên nông dân được đánh giá năng động với mô hình nuôi cá lồng. Gia đình ông được Quỹ HTND cho vay 100 triệu đồng. Cùng với nguồn vốn của gia đình, ông đầu tư nuôi 50 lồng cá vược, cá mú, cá bớp.


Song song với hỗ trợ vốn vay Quỹ HTND, ông Lành còn được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản do Hội ND phối hợp ngành nông nghiệp tổ chức. Do áp dụng đúng kỹ thuật, cá sinh trưởng tốt, không bị dịch bệnh. Từ mô hình nuôi cá lồng, ông Lành đã có thu nhập khá.


Cùng với hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế hộ, thông qua nguồn vốn Quỹ HTND các cấp Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện tốt việc phát triển kinh tế tập thể. Điển hình như mô hình Tổ hợp tác trồng cây mít Thái xã Thạch Sơn (huyện Thạch Thành).


Trước đây, khi chưa tham gia vào Tổ hợp tác, các hộ gia đình sản xuất đơn lẻ, sản phẩm không đạt mong muốn như yêu cầu, sản phẩm tuy nhiều nhưng chưa gắn kết để tạo thành sản phẩm hàng hóa, vì vậy thị trường tiêu thụ không ổn định.


Sau khi tham gia vào Tổ hợp tác, các hội viên được chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Rất phấn khởi, các thành viên Tổ hợp tác còn được hỗ trợ vay 500 triệu đồng Quỹ HTND để đầu tư cây giống, phân bón, cải tạo đất sản xuất chuyên canh.


Hiện tại, tổng diện tích Tổ hợp tác đã trồng có trên 90% cây sống và phát triển tốt, thu nhập bình quân 1ha/năm đạt trên 100 triệu đồng. Nguồn thu nhập này đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của các hội viên, tạo nên sự gắn kết và hăng say trong lao động, sinh hoạt, đời sống.


Đối với các hội viên được hỗ trợ vay vốn, Hội thường xuyên kiểm tra, giám sát để đồng vốn vay phát huy hiệu quả, đúng mục đích; nhất là lựa chọn hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình và địa phương. Nhìn chung, các dự án được cho vay theo đúng quy trình, từ khâu xây dựng dự án, thẩm định, phê duyệt, giải ngân.


Do đó, không xảy ra tình trạng cho vay sai đối tượng hoặc người vay sử dụng vốn vay sai mục đích.Các dự án đều tiến hành thu nộp gốc và phí đúng hạn; không có tình trạng xâm tiêu, chiếm dụng nguồn vốn, phí.


Thông qua các dự án vay vốn, các cơ sở Hội đã xây dựng nhiều mô hình điểm để hội viên, nông dân học tập, nhân rộng tại địa phương. Nguồn vốn trên đã giúp nông dân mở rộng, nâng cao quy mô sản xuất hàng hóa, phát triển ngành nghề.


Có thể khẳng định, nguồn vốn Quỹ HTND đã và đang trở thành điểm tựa giúp hội viên nông dân trên địa bàn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của địa phương.

 
Huân Ngữ
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng